Thợ mỏ và gia đình thợ mỏ chiếm một phần dân số khá lớn của thành phố Hạ Long. Tuy đa phần đến từ nhiều miền quê khác nhau nhưng họ đều lựa chọn mảnh đất này để gắn bó lập nghiệp và xây dựng tổ ấm của mình. Khi một mùa xuân mới về, những gia đình thợ mỏ ấy đã góp phần làm cho không khí tết của vùng đất này thêm ấm áp bởi chính cái “tình” mang những nét rất riêng mà chỉ thợ mỏ mới có.
Một góc thành phố Hạ Long
Gặp gỡ và trao đổi với Quản đốc Công trường KTCB 6 – Công ty CP than Hà Lầm Trần Văn Khẩn – người đã có 37 năm gắn bó với nghề lò và hơn 30 mùa xuân được vui đón tết ở thành phố Hạ Long sôi động, hiện đại, mới thấy thợ mỏ có rất nhiều hoạt động phong phú. Quê gốc ở Thái Bình nhưng gia đình ông cũng sinh sống ở khu vực dân cư Hà Lầm với thời gian đủ dài để cảm nhận được hết cái không khí và con người, đặc biệt là tình cảm của những người thợ mỏ mỗi khi tết đến xuân về. Ông kể, thời kỳ còn bao cấp, mọi thứ đều được chia, phân phối theo tiêu chuẩn. Khó khăn, vất vả là thế nhưng đó là những kỷ niệm không bao giờ quên với lớp thế hệ thợ mỏ như ông. Đọng lại trong ký ức của ông là những lần cùng nhau xếp hàng nhận thực phẩm, rồi cùng nhau về chia gạo, chia đỗ, thịt để về gói bánh chuẩn bị đón tết. Ngày nay, cùng với sự phát triển của đất nước, của Ngành, đời sống thợ mỏ cũng được nâng lên, được chăm lo chu đáo hơn. Không khí đón tết ở Hạ Long sôi động không kém gì ở những thành phố khác. Bên cạnh những nét mang đậm truyền thống văn hoá của dân tộc thì mỗi thợ mỏ lại góp thêm vào đó những nét văn hoá của quê hương mình, làm cho bức tranh Tết vùng Hạ Long thêm đa dạng, phong phú. Ông ấn tượng nhất là tầm trước Tết nửa tháng, các hội chợ hoa sẽ được tổ chức tập trung ở các công viên hoặc khu vực trung tâm của thành phố, thu hút đông đảo người dân đến xem và mua sắm. Có đủ các loại cây cảnh, các loại hoa đua sắc để mọi người lựa chọn trang trí cho ngôi nhà của mình. Cũng như mọi nhà, mỗi gia đình thợ mỏ cũng sẽ dọn dẹp, mua sắm, trang hoàng nhà cửa thật đẹp, sạch sẽ để đón năm mới.
Điểm đặc biệt là không khí của đêm giao thừa. Ông Khẩn chia sẻ, ở Than Hà Lầm, thợ mỏ sẽ tập trung tại khu tập thể Công ty để cùng nhau đón giao thừa, được lãnh đạo trực tiếp chúc tết và cùng liên hoan chúc mừng năm mới. Sau đó, mỗi người ở các Phân xưởng lại về mặt bằng khu vực sản xuất của mình để chung vui với nhau và kết thúc trước 12h để kịp trở về nhà đón giao thừa với gia đình của mình. Sau giây phút bước sang năm mới, nhiều gia đình thợ mỏ thân thiết lại cùng rủ nhau đi lễ chùa trong khu vực thành phố để cầu chúc cho một năm mới an lành, may mắn. Còn trong những ngày tết, không khí luôn nhộn nhịp. Ông Khẩn nói ông có “lịch” đi chúc tết và gặp mặt của rất nhiều hội, nào hội cùng lớp, cùng khoá học, cùng quê, cùng đơn vị làm việc, hội Quản đốc… Đây là dịp mà những người thợ mỏ thêm gắn kết với nhau, coi nhau như anh em trong cùng một gia đình.
Gia đình thợ lò Phạm Văn Toàn trong ngôi nhà mới
Anh Phạm Văn Toàn – một thợ lò trẻ của Công ty than Hòn Gai đã có 8 năm gắn bó với nghề thì lại chia sẻ, mặc dù lập gia đình và vợ con cùng sinh sống làm việc ở Hạ Long nhưng các Tết năm trước vợ chồng anh vẫn về quê từ ngày 27, 28 âm lịch. Sau khi được nghỉ làm là nhanh chóng mua sắm đồ đạc để về quê. Thế nhưng năm nay vợ chồng anh đã xây được ngôi nhà nhỏ ở khu vực Cao Thắng nên Tết này gia đình anh sẽ ở lại đón tết ở Hạ Long để cho ngôi nhà mới thêm ấm áp, sau đó mới về quê thăm hỏi bố mẹ, họ hàng. Dù về quê trước hay sau Tết thì đã thành thông lệ, cứ khoảng mùng 4 là anh em cùng phân xưởng của Toàn lại hẹn cùng đi chúc tết các nhà, sau đó tập hợp liên hoan rất vui vẻ.
Vẫn hoà cùng không khí đón xuân của Hạ Long, nhưng thợ lò của các đơn vị đứng chân trên thành phố này đã mang đến những nét văn hoá rất riêng. Đó là cái “tình” mà những người thợ mỏ dành cho nhau để mỗi khi Tết về lại càng thêm ấm áp, gắn kết…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tinh-tho-mo-ngay-xuan-201602041423015708.htm” button=”Theo vinacomin”]