Xác định cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác là điều quan trọng, là việc phải làm và phải làm tốt nên những năm qua, Tập đoàn đã tập trung chỉ đạo các đơn vị phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định pháp luật về lĩnh vực này.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, một số bãi thải mỏ cần phải cải tạo, phục hồi môi trường như: Bãi thải Chính Bắc – Núi Béo, Nam Lộ Phong, Ngã Hai – Quang Hanh, Mông Gioăng – Đèo Nai, Đông Cao Sơn – Cọc Sáu…
Đến nay, việc cải tạo tại các bãi thải mỏ ở bãi thải Nam Đèo Nai, Nam Lộ Phong (Hạ Long) đã kết thúc 2/3 phần việc. Để tiếp tục hoàn thiện việc phục hồi các bãi thải, Tập đoàn giao cho Công ty TNHH 1TV Môi trường – TKV (Công ty Môi trường) trực tiếp đảm nhận, triển khai các dự án.
Theo lộ trình công việc mà Công ty Môi trường sẽ triển khai, sau khi các đơn vị sản xuất than hoàn thành việc khai thác, toàn bộ bãi thải cũng như khai trường sẽ được Công ty đảm nhận và tiến hành san gạt mặt bằng theo phương pháp cắt tầng, hạ độ cao, xây dựng đê ngăn chắn dưới chân để ngăn chặn tối đa việc đất đá trôi chảy ảnh hưởng tới khu vực dân cư, sông suối. Sau khi tiến hành xong mặt bằng, Công ty sẽ tiến hành trồng cây để phủ xanh bãi thải. Cây keo được lựa chọn là cây trồng chủ yếu trên các khai trường, bãi thải vì đặc trưng của keo khoẻ, có sức sống bền, chịu được điều kiện khắc nghiệt, có tốc độ sinh trưởng nhanh sẽ sớm tạo độ mùn cho đất thuận lợi cho các thảm thực vật phát triển.
Song song đó, TKV còn hợp tác với các đối tác nước ngoài trong công tác cải tạo phục hồi môi trường tại các bãi thải mỏ. Các dự án hợp tác quốc tế giữa TKV và các đối tác NEDO, JOGMEC – Nhật Bản (xử lý môi trường mỏ, phủ xanh bãi thải mỏ), MIRECO – Hàn Quốc (cải tạo và hoàn nguyên mỏ, xử lý nước thải mỏ, phủ xanh bãi thải mỏ, đào tạo cán bộ trong lĩnh vực môi trường), RAME – LB Đức (ổn định và phủ xanh bãi thải mỏ, xử lý nước thải mỏ) đã phần nào thể hiện mối quan tâm sâu sắc và trách nhiệm của TKV trong việc đảm bảo môi trường cũng như đảm bảo chiến lược phát triển bền vững của Tập đoàn. Đồng thời, hàng năm, Tập đoàn đều trích lập Quỹ môi trường tập trung từ 1-1,5% chi phí sản xuất, đồng thời cho phép các đơn vị thành viên chi 0,3-0,5% chi phí sản xuất cho công tác bảo vệ môi trường.
Trong năm 2016, một số bãi thải mỏ sẽ tiếp tục được cải tạo, phục hồi thuộc Kế hoạch sử dụng Quỹ môi trường tập trung năm 2016 của Tập đoàn, như: Cải tạo phục hồi môi trường bãi thải Chính Bắc Núi Béo khu vực phía Tây và Đông, Đông Nam (57 tỷ đồng), cải tạo phục hồi môi trường bãi thải Chính Bắc Núi Béo khu vực phía Bắc (phía Hà Tu) (50 tỷ đồng), cải tạo phục hồi môi trường bãi thải Đông Cao Sơn khu vực Vũ Môn (phía Mông Dương) (70 tỷ đồng)…
Trong những năm tới đây, Tập đoàn xác định tiếp tục đẩy mạnh chương trình phủ xanh và trồng rừng trên các bãi thải mỏ đã được cải tạo góp phần bảo vệ môi trường trong khai thác than. Dự kiến năm 2020, Tập đoàn tiếp tục cải tạo phục hồi khoảng 837ha các bãi thải, khai trường kết thúc hoạt động.
Công ty CP than Đèo Nai là một trong những đơn vị của Tập đoàn thực hiện tốt công tác hoàn nguyên môi trường. Hằng năm, Công ty đều tổ chức trồng cây ven đường, xung quanh các công trường, phân xưởng. Ngoài ra, Công ty còn trồng cây phục hồi môi trường tại các bãi thải Nam Đèo Nai, bãi thải Mông Gioăng… Diện tích trồng cây ở riêng khu vực quanh hồ Bara trên 30ha. Hiện nay, Công ty đã trồng cây phủ xanh bãi thải Nam Đèo Nai với giá trị thực hiện hơn 6 tỷ đồng. Đặc biệt, Công ty đã trồng xong 14ha cây xanh ở các khu vực đã ngừng đổ thải tại bãi thải Mông Gioăng trị giá 357 triệu đồng. Diện tích cây xanh đơn vị đã trồng đến thời điểm này lên đến hơn 170ha.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/800ha-bai-thai-da-duoc-cai-tao-phuc-hoi-201603301726396763.htm” button=”Theo vinacomin”]