Nhằm cùng với các đơn vị làm tốt công tác kiểm tra phòng ngừa sự cố trong sản xuất với mục tiêu phòng ngừa là trọng tâm, Trung tâm Cấp cứu mỏ đang tăng cường lực lượng kiểm tra tại hầu hết các khai trường các đơn vị, đặc biệt là các đơn vị khai thác than hầm lò.
Trao đổi với chúng tôi, tân Giám đốc Trung tâm Cấp cứu mỏ – TKV, ông Hoàng Bạch Đằng cho biết, Trung tâm đang tổ chức tăng cường các lực lượng kiểm tra phòng ngừa sự cố, đặc biệt là kiểm tra vào ca 2 và ca 3. Trung tâm thường xuyên đi đo khí, gió mỏ, phân tích các mẫu khí và nắm bắt hiện trạng các đường lò, đường đi lại của hệ thống khai thác các mỏ… Qua đó, Trung tâm tập hợp kết quả kịp thời, kiến nghị với các đơn vị xử lý để hạn chế nguy cơ có thể xảy ra sự cố. Đồng thời, Trung tâm báo cáo Tập đoàn những bất cập để có hướng giải quyết cho những khu vực trọng yếu nhằm cải thiện tốt điều kiện làm việc cho người lao động và có hướng áp dụng các công nghệ phù hợp.
Hiện nay, Trung tâm Cấp cứu mỏ có nhiều chiến sỹ tiếp tục được gửi xuống các mỏ làm những công việc trực tiếp như thợ lò, thợ cơ điện, thợ đo gió, đo khí… trong một thời gian nhất định để nắm bắt tình hình, đường đi lối lại nhằm vừa giúp đơn vị trong phòng ngừa sự cố, và quan trọng là để rèn rũa trở thành những chiến sỹ tinh nhuệ, làm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết.
Ông Đằng cho biết thêm, chỉ tính riêng trong năm 2015, Trung tâm Cấp cứu mỏ tổ chức đi kiểm tra phòng ngừa 418 lượt tại các đơn vị khai thác mỏ hầm lò, tham gia gần 1.300 ý kiến kiến nghị về công tác an toàn các lĩnh vực, trong đó riêng kiểm tra ca 2 và ca 3 trên 100 lượt. Trung tâm cũng đã lấy gần 5.400 mẫu khí tại các đơn vị và phân tích kịp thời, chính xác phục vụ công tác phân hạng mỏ và phòng ngừa sự cố… Năm 2016, Trung tâm sẽ tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra cả thường xuyên lẫn đột xuất nhằm giúp các đơn vị giảm thấp nhất những nguy cơ sự cố có thể xảy ra. Riêng công tác quản lý khí mỏ, mặc dù những năm gần đây nhiều đơn vị đã được đầu tư trang bị hệ thống cảnh báo khí hiện đại, tuy nhiên, diễn biến vẫn rất phức tạp. Điển hình là vụ cháy khí tại khai trường Hà Ráng, Công ty than Hạ Long gần đây. “Do vậy, Trung tâm tiếp tục tăng cường kiểm tra thực địa và khuyến cáo các đơn vị cần tăng cường hơn nữa công tác đo gió, đo khí tại nhiều vị trí sản xuất, không thể ỷ lại cho các máy móc thiết bị dù hiện đại đến đâu. Công tác phòng ngừa vẫn là số một, kế đó mới đến công tác ứng cứu” – ông Đằng nói.
Song song với đó, để có thể giải quyết nhanh và hiệu quả khi xảy ra sự cố, công tác luyện tập, rèn luyện để sẵn sàng ứng cứu sự cố vẫn được các chiến sỹ Trung tâm luyện tập cao độ. Trong những năm gần đây, những đợt diễn tập được tổ chức thường xuyên tại Trung tâm Cấp cứu mỏ. Tất cả các tình huống sự cố giả định đặt ra đều sát với điều kiện thực tế sản xuất trong hầm lò. Quy trình giải quyết sự cố được áp dụng theo tiêu chuẩn quốc tế, có sự tham gia cố vấn của các chuyên gia Nhật Bản. Cùng với việc thường xuyên rèn luyện, diễn tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, hệ thống trang thiết bị cứu hộ cũng đã được đầu tư tương đối hoàn thiện và không ít trong số đó thuộc loại hiện đại nhất hiện nay như: máy thở BG4, xe cứu hộ đa năng, hệ thống tạo khí trơ để dập các đám cháy trong hầm lò…
Trong điều kiện ngành Than đang tiếp tục tăng cường hoạt động khai thác hầm lò cả về quy mô các mỏ và độ sâu khai thác, việc tăng cường năng lực của đội ngũ cấp cứu mỏ chuyên nghiệp với tiêu chí kiểm tra phòng ngừa là một trong những giải pháp quan trọng để hạn chế tối đa sự cố xảy ra trong quá trình sản xuất.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/gui-de-tinh-nhue-hon-201605121429561888.htm” button=”Theo vinacomin”]