Trong hành trình đi tìm dấu chân “Binh đoàn than”, chúng tôi có cơ duyên gặp người anh hùng quả cảm giữa đời thường Trần Xuân Hỗ, anh nguyên là công nhân lái máy gạt thuộc mỏ than Đèo Nai nay là Công ty CP than Đèo Nai.
Nhờ người dẫn đường là anh Hồng trong Ban liên lạc bộ đội hải quân của TP. Cẩm Phả, chúng tôi len lỏi theo những con phố mỏ ngang dọc của Vùng Mỏ còn nhiều gian khó, những con phố như vẫn cũ thế, những ngôi nhà tập thể chia ô bàn cờ cái đã lên tầng, cái vẫn nếp mái ngói của mấy mươi năm trước hình như chẳng muốn thay đổi! Vì được anh Hồng điện thoại trước nên cả vợ chồng anh Trần Xuân Hỗ đã mở cửa đón chúng tôi. Ngôi nhà của anh đã xây lên bốn tầng khang trang. So với xóm thợ, có lẽ ngôi nhà anh là bề thế nhất. Nhưng hàn huyên một hồi, được biết, ngôi nhà anh chị đang ở là Nhà tình nghĩa. Nhìn dòng chữ trên tấm biển : “Nhà tình nghĩa, Đoàn đặc công hải quân 126 – Tặng” treo trước hiên nhà anh, lòng tôi không khỏi bâng khuâng, hóa ra là ngôi nhà của đồng đội tặng cho gia đình….
Trở về câu chuyện của mùa thu năm 1969, sau khi nhập ngũ được hơn một năm, anh được biên chế vào Lữ đoàn hải quân 126, sau khi huấn luyện đơn vị bổ sung vào chiến trường Quảng Trị, nơi anh đóng quân là vùng biển Cửa Việt. Tuổi hai mươi đang căng tràn nhựa sống, anh là một trong những đảng viên công nhân trẻ của mỏ than Đèo Nai khi ấy (có 100 người) được gọi lên đường nhập ngũ chi viện cho chiến trường miền Nam vào tháng 3 năm 1968. Anh được biên chế vào đại đội 10, tiểu đoàn 14, trung đoàn 127. Nhớ về trận đánh tàu Mỹ ngày 7 tháng 9 năm 1969, anh Trần Xuân Hỗ kể, nhiệm vụ mà, không nghĩ ngợi gì đâu, vợ con thì chưa có, mà thật ra cũng chả có thời gian nghĩ ngợi, nhà báo nào cũng hỏi anh nghĩ gì trước trận đánh, nhưng thực ra bọn mình được giao mục tiêu rồi và cứ thế lên đường thôi. Trận đó mình cùng đồng đội Trần Quang Khải quê Thanh Hóa đã bám được tàu Mỹ và gắn mìn theo kế hoạch. Nhưng không hiểu vì lí do nào đó, sau khi rút khỏi con tàu quãng 15 mét thì bị địch nghi ngờ có động nên xối xả nhả đạn tứ phía, nhưng cả hai đứa mình đã lặn sâu và tìm hướng bơi về bờ an toàn. Khi về được vị trí an toàn cũng là lúc cái tàu Mỹ to đùng chở hơn một ngàn rưỡi tấn dầu kia nổ tung. Chúng mình vui mừng vô kể, chiến công đó đơn vị được suy tôn và coi như chiến công dâng lên tiễn biệt Bác Hồ, vị cha già tôn kính, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc vừa ra đi trong muôn vàn sự tiếc thương của cả dân tộc! Chiến công ngay thời điểm lịch sử đó, theo các anh ở đơn vị nói rằng đã có 20 tờ báo trong nước và quốc tế bình luận. Bởi lẽ người Mỹ không bao giờ nghĩ rằng bộ đội Bắc Việt lại có thể làm được điều đó. Với một loại tàu tối tân, với một vòng vây bảo vệ nghiêm ngặt con tàu chở vũ khí khí tài như Mỹ thì là sao bộ đội Bắc Việt có thể làm nó nổ tung một cách nhẹ hèo như thế. Và địch cũng đặt giả thiết có nội ứng trên tàu, nhưng hoàn toàn không phải thế, mà do sự mưu trí, dũng cảm, không nề hà hy sinh của những người lính hải quân quả cảm như Trần Xuân Hỗ cùng đồng đội Trần Quang Khải đã làm nên chiến thắng. Và chiến thắng này đã góp phần quan trọng cho việc ngăn chặn địch dấn sâu vào chiến dịch Đường Chín Nam Lào, giảm thiệt hại cho quân ta đang bị tổn thất nhiều ở mặt trận này…
Chiến tranh kết thúc, Trần Xuân Hỗ lại trở về mỏ than Đèo Nai làm anh lái xe gạt trên công trường. Cuộc sống may mắn mỉm cười khi anh cưới được cô vợ hiền cùng là lính quân khí cũng… nghèo như mình, đám cưới diễn ra chỉ có dăm con vịt làm cỗ, nhưng cũng vui lắm! Rồi lặn ngụp tự đi kiếm chỗ ở, thôi thì người lính mà, ở đâu cũng được, miễn rộng rãi có chỗ trồng ít rau ăn, nuôi con lợn con gà… Nhưng căn nhà ngoài bờ biển giữa bãi xít (bây giờ thì khu đất này đã là khu trung tâm sầm uất phường Cẩm Sơn, thành phố Cẩm Phả) cũng chỉ ở được thời gian ngắn vì suốt ngày bị nước triều dâng lên làm ngập cả nhà, có bữa anh phải cõng vợ vượt sình lầy vào đường lớn cho vợ đi làm… Cuộc sống như một sự thử thách không có hồi kết, đồng ngũ với anh có nhiều người đã vững vàng về kinh tế, ổn định về mọi mặt đời sống thì anh vẫn loay hoay với miếng cơm manh áo cho cả gia đình gồm đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Nhiều năm trước, và cả bây giờ người dân Cẩm Phả đều biết một ông Hỗ bán đinh, ông Hỗ bán than tổ ong. Hàng ngày, vốn có sức khỏe anh thồ cả xe đinh, hay xe than lặc lè đi ngang dọc phố mỏ, anh tận dụng phế liệu về sản xuất, mỗi ngày cũng tiện ra cả tạ đinh rồi đem đi đổ cho các cửa hàng, và đương nhiên là đóng than tổ ong, nuôi lợn, nuôi gà… Cuộc sống cứ lặng lẽ trôi. Người cựu binh hải quân quả cảm, người lái xe gạt cần mẫn, người chồng, người cha hiền hậu trong gia đình thợ mỏ cũng cứ êm trôi theo dòng thời gian bất biến, nếu như không có một ngày…
Tôi nhớ năm 2004, trong dịp Binh chủng Hải quân phối hợp với Nhà xuất bản Quân đội nhân dân tổ chức Trại sáng tác về lực lượng này tại Khu điều điều dưỡng hải quân ở Bãi Cháy, khi được giới thiệu đi viết các điển hình của Hải quân, trong nhóm anh em trại viên chúng tôi có nhà văn Tạ Kim Hùng đã về viết về anh Trần Xuân Hỗ. Sau bài báo của nhà văn Tạ Kim Hùng thì nhà báo Tạ Bích Loan (chương trình Người đương thời của VTV) đã làm một chương trình về anh… Nhưng phải mãi đến năm 2006 thì các cấp, các ngành đã tiến hành làm thủ tục đề nghị Đảng và Nhà nước phong tặng cho Trần Xuân Hỗ danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cùng với người đồng đội Trần Quang Khải. Và vào dịp tháng Tư năm 2015, người lính quả cảm Trần Xuân Hỗ đã vinh dự được trao tặng danh hiệu cao quý này!
Hạnh phúc mỉm cười khi anh được tôn vinh là Anh hùng ở tuổi xấp xỉ 70, nhưng cuộc sống đời thường anh vẫn thế, hồn hậu, chất phác, vẫn nuôi lợn trong căn nhà cao tầng, vẫn giản dị như muôn vàn người dân khác. Hiện tại anh là Khu trưởng, Phó Bí thư chi bộ khu phố Ngô Quyền, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/gap-nguoi-anh-hung-qua-cam-giua-doi-thuong-20160512145317428.htm” button=”Theo vinacomin”]