Đó chính là câu chuyện về anh Nguyễn Văn Thiếu – Cán bộ Phòng Kỹ thuật của Công ty than Quang Hanh – người tình nguyện lấy thân mình làm “giáo cụ” để truyền đạt cho các lớp công nhân mới vào nghề cách phòng ngừa tai nạn trong hầm lò…
Anh Nguyễn Viết Thiếu (bên trái) làm việc cùng các đồng nghiệp
Gặp anh sau buổi lễ phát động “Tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ” của Công ty Than Quang Hanh hồi cuối tháng 3 vừa rồi, chúng tôi không khỏi cảm phục lòng yêu nghề và nghị lực phi thường, quyết tâm vươn lên của anh sau khi được nghe câu chuyện anh bị tai nạn sau 17 ngày về nhận công tác tại Công ty.
Anh kể, năm 2004, khi vừa tròn 21 tuổi, anh vào bộ đội Hải quân thực hiện nghĩa vụ quân sự, đóng quân tại Vùng 4, Cam Ranh, Khánh Hòa. Năm 2006, hoàn thành nghĩa vụ anh trở về địa phương. Với bản tính sôi nổi, nhiệt tình, anh tham gia công tác Đoàn Thanh niên của xã. Vừa công tác anh vừa tự ôn thi và đã đỗ vào Trường Đại học Mỏ Địa chất tại Hà Nội. Tại đây, anh theo học Khoa Kỹ thuật Khai thác mỏ. Ra trường, anh xin về công tác tại Công ty Than Quang Hanh và được bố trí làm việc tại Phân xưởng Khai thác 1.
Anh Thiếu nhớ lại, vào làm việc được đúng 17 ngày, hôm đó vào tầm 10h sáng ngày 12/12/2013 – kể đến đây giọng anh bỗng chùng xuống, như hồi tưởng lại cái thời khắc nghiệt ngã do chủ quan nên đã để xảy ra tai nạn đáng tiếc, phải cưa mất 1/3 đùi trái của mình. Lúc đó, tổ của anh gồm 3 người dùng xe goòng vận chuyển vì chống lò xuống mặt bằng mức – 50 đến mức – 110, tại vị trí lò tránh. Từ đây, các anh dùng vai vác vì chống vào gương lò. Do chủ quan và chưa có kinh nghiệm nên anh bị trượt chân ngã xuống đường lò, đồng thời bị vì chống lò lao xuống trúng vào chân trái, khiến cẳng chân anh bị dập. Anh được đồng đội đưa vào Bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả cấp cứu, rồi chuyển lên Bệnh viện Việt Đức. Tại đây, để cứu tính mạng, các bác sĩ đã quyết định cưa 1/3 đùi trái. Khi vết thương ổn định, anh được lãnh đạo Công ty quan tâm sắm cho một chiếc chân giả. Sau gần 9 tháng vừa điều trị, vừa tập làm quen với chiếc chân mới, anh xuất viện.
Anh còn nhớ, lúc ấy, anh chỉ khao khát dù có bị thương tật, thì vẫn mong muốn được trở lại làm việc tại Công ty, dù đó là bất cứ công việc gì. Đáp lại nguyện vọng của anh, lãnh đạo Công ty đã tiếp tục nhận anh vào làm việc. Với trình độ kiến thức Đại học của mình, anh được lãnh đạo Công ty bố trí công tác tại Phòng Kỹ thuật. Chính anh đã đề đạt với Lãnh đạo Công ty nguyện vọng muốn lấy bản thân mình làm “nhân chứng sống” để tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm phòng tránh tai nạn dưới hầm lò cho lớp công nhân trẻ mới vào nghề. Sau khi xem xét, lãnh đạo Công ty đã đồng ý và cử anh theo học một khóa đào tạo lấy Chứng chỉ sư phạm và giao cho anh phụ trách công tác tuyên truyền, phổ biến các biện pháp phòng ngừa tai nạn cho các lớp công nhân mới vào nghề.
Từ đó, ngoài việc cùng đồng nghiệp đọc bản vẽ kỹ thuật, mỗi khi có công nhân mới vào Công ty hoặc những đợt tập huấn công tác an toàn lao động, đặc biệt là dưới hầm lò, anh đều có mặt để lấy ngay chính bản thân mình là “giáo cụ” thuyết giảng cho lớp công nhân mới những biện pháp cũng như kinh nghiệm phòng tránh tai nạn lao động. Thông qua câu chuyện và bằng thực tế sống động đó, không chỉ có lớp công nhân trẻ, mà ngay cả những công nhân lâu năm cũng đều lấy anh làm bài học ghi xương khắc cốt mà thực hiện tốt các quy định cũng như các biện pháp phòng ngừa tai nạn mỗi khi vào lò.
Với phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ”, một lần nữa, ở vị trí công tác mới, anh Nguyễn Văn Thiếu đã không ngừng học hỏi, phấn đấu vươn lên bằng chính nghị lực và ý chí của mình. Giờ đây, cái tên Nguyễn Viết Thiếu đã trở thành cái tên “không thể thiếu” trong các buổi tập huấn công tác bảo đảm an toàn trong lao động của Công ty, đặc biệt là với những người công nhân mới vào nghề.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/chuyen-nguoi-tho-lo-lay-than-minh-lam-giao-cu-201605170904459752.htm” button=”Theo vinacomin”]