Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030.
Theo đó, Việt Nam cần phải xây dựng ngành Than trở thành ngành công nghiệp phát triển, có sức cạnh tranh cao, có trình độ công nghệ tiên tiến so với khu vực ở tất cả các khâu thăm dò, khai thác, sàng tuyển, chế biến, sử dụng than, đáp ứng đủ than cho nhu cầu sử dụng trong nước, đặc biệt là than cho sản xuất điện.
Về định hướng thăm dò, đối với bể than Đông Bắc, đến hết năm 2020, hoàn thành công tác thăm dò đến mức -300 m và một số khu vực dưới mức -300 m đảm bảo đủ trữ lượng và tài nguyên tin cậy huy động vào khai thác trong giai đoạn đến năm 2025; phấn đấu đến năm 2020 nâng cấp khoảng 1,0 tỷ tấn tài nguyên từ cấp 333, 334a và 334b lên cấp trữ lượng và tài nguyên tin cậy (cấp 222 và 332); hết năm 2025 hoàn thành cơ bản công tác thăm dò đến đáy tầng than đảm bảo đủ trữ lượng và tài nguyên tin cậy để huy động vào thiết kế khai thác trong giai đoạn 2021 – 2030 và giai đoạn sau 2030; năm 2030 nâng cấp phần tài nguyên còn lại từ cấp 333, 334a và 334b lên cấp 222 và 332.
Đối với bể than sông Hồng: Trước năm 2020 hoàn thành công tác thăm dò than khu Nam Thịnh và một phần mỏ Nam Phú II, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình để phục vụ lập và thực hiện dự án thử nghiệm. Trên cơ sở kết quả điều tra, đánh giá tổng thể tài nguyên than phần đất liền bể than sông Hồng và kết quả thực hiện các dự án thử nghiệm, tiến hành thăm dò mở rộng làm cơ sở để phát triển các mỏ than ở quy mô công nghiệp với công nghệ hợp lý.
Về khai thác than, sản lượng than thương phẩm sản xuất toàn Ngành trong các giai đoạn của quy hoạch: Khoảng 41 – 44 triệu tấn vào năm 2016; 47 – 50 triệu tấn vào năm 2020; 51 – 54 triệu tấn vào năm 2025 và 55 – 58 triệu tấn vào năm 2030. Trong đó bể than sông Hồng giai đoạn 2021 – 2030 thực hiện dự án thử nghiệm, làm cơ sở cho việc đầu tư phát triển mỏ với quy mô công nghiệp; phấn đấu đạt sản lượng than thương phẩm (quy đổi) khoảng 0,5 – 1,0 triệu tấn vào năm 2030.
Sản lượng than thương phẩm toàn Ngành có thể được điều chỉnh để phù hợp nhu cầu thị trường trong từng giai đoạn (kể cả việc xuất, nhập khẩu than) nhằm mục tiêu đảm bảo hiệu quả chung của nền kinh tế.
Về tổn thất than, phấn đấu đến năm 2020 giảm tỷ lệ tổn thất than khai thác bằng phương pháp hầm lò xuống khoảng 20% và dưới 20% sau năm 2020; tỷ lệ tổn thất than khai thác bằng phương pháp lộ thiên xuống khoảng 5% và dưới 5% sau năm 2020.
Về sàng tuyển, chế biến than, trước năm 2020 hoàn thành việc bố trí các cơ sở sàng tuyển vùng Quảng Ninh để tối ưu hóa công tác vận tải, sàng tuyển và phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị vùng Than, quy hoạch giao thông vận tải, cảng biển và yêu cầu bảo vệ môi trường. Sau năm 2020 chế biến than theo hướng đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng linh hoạt nhu cầu thị trường.
Về bảo vệ môi trường, phấn đấu trước năm 2016 đạt các chỉ tiêu chính về môi trường tại các khu vực nhạy cảm (đô thị, khu dân cư, điểm du lịch…), trước năm 2020 đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn môi trường trên toàn địa bàn các vùng mỏ.
Về thị trường than, tập trung đáp ứng nhu cầu than của thị trường trong nước kết hợp với xuất, nhập khẩu hợp lý.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/quy-hoach-60-dieu-chinh-can-thiet-va-cap-bach-201605170923225807.htm” button=”Theo vinacomin”]