Khái niệm về bầu cử trong tuổi thơ của tôi, tôi nhớ lờ mờ từ khi tôi còn học cấp một. Cô giáo dẫn chúng tôi đi cổ động thành một hàng dài như rắn lượn quanh xóm. Cô giáo đi đầu cầm cờ đỏ sao vàng miệng hô Nhiệt liệt chào mừng ngày bầu cử Hội đồng nhân dân Huyện Nông Cống. Chúng tôi hô theo: Nhiệt liệt! nhiệt liệt! Bọn trẻ bạn tôi đi sau cầm tấm biểu ngữ to bằng cái cặp sách, bìa các tông, viết bằng phấn trắng: Hồ Chủ tịch muôn năm. Đám cổ động còn có trống ếch ba chiếc khua vang cả làng.
Chưa hết, buổi tối, các anh chị đoàn thanh niên còn đốt đuốc đi cổ động sáng trưng cả ngõ nhà tôi. Sáng hôm sau, trước khi bầu cử, còn có hát tuồng của làng chào mừng bầu cử. Tôi không còn nhớ những ai đã trúng cử nhưng tôi nhớ làng tôi có chú Lê Xuân Đạm, phòng giáo dục huyện Nông Cống thời bấy giờ trúng cử phiếu cao và được bầu làm Chủ tịch UBND huyện Nông Cống.
Lần đầu tiên tôi được đi bầu cử quốc hội là năm 1976, sau thống nhất tổ quốc một năm . Ở mỏ Cromit Cổ Định Thanh Hóa lúc ấy vẫn còn nhiều cán bộ miền nam tập kết chưa chuyển về Nam hết. Người ta bàn tán nên bầu cho ông nào ở rừng chiến khu về, ông nào ở Bắc về, bà nào nằm vùng. Xu hướng người tập kết muốn bầu cho người tập kết, người nằm vùng muốn bầu cho người nằm vùng. Khi công bố kết quả trúng cử thì chẳng phán đoán nào trúng cả. Bọn trẻ chúng tôi khi ấy hay để ý ai trẻ thì bầu cho họ.
Ngày tôi đang còn ở quê, tôi còn bé chưa được đi bầu đại biểu hội đồng nhân dân, lúc mẹ tôi đi bầu, mẹ tôi bảo ông: Thôi ông không phải đi bầu nữa, để con bầu cho luôn thể. Tôi bảo, mỗi người phải có quyền bầu cử chứ. Mẹ tôi nói: ôi chao ơi, luật với chả lệ, ai trúng với mẹ không quan trọng, nhà mình là phải bầu cho xong.
Ngày xưa nhiều người văn hoá thấp hay có quan niệm, trong danh sách bầu, nếu 10 người lấy bảy thì ba người cuối bị gạch hầu hết. Có một năm bầu cử, tôi không nhớ rõ năm, lúc đó ông nội tôi đang còn sống, lần đó bầu cử Hội đồng nhân dân huyện Nông Cống. Ông tôi đi bầu về, tôi hỏi ông bầu cho ai, ông bảo, ai người làng người xã thì tao bầu. Tôi hỏi mẹ tôi, mẹ bảo, ai quen thì tao bầu cho họ. Hôm bầu cử mọi người nô nức đi rất đông vì kết hợp hợp tác xã mua bán có bản vải tem phiếu và nhiều vải đẹp, ai bầu trước được mua trước.
Khi tôi về làm việc ở Sơn Dương Tuyên Quang, việc bầu cử nhiều chuyện hay tức cười. Ông trưởng thôn là một thiếu tá về hưu rất nhiệt tình công việc. Ông đến từng nhà dặn dò từ tối hôm trước: Mai bảy giờ thôn ta đi bầu cử trước nhé. Các thôn chấm điểm thi đua đấy. Ai bầu xong sớm nhất sẽ được thưởng. Thôn ta phải phấn đấu được thưởng để làm thịt con chó. Lâu rồi chưa được ăn thịt chó. Đến trưa, tôi đến chỗ bầu cử thấy tên tôi đã bị gạch là bầu xong rồi. Tôi ngạc nhiên hỏi, tôi đã bầu đâu mà gạch tên tôi. Ban tổ chức ghé vào tai tôi nói nhỏ: Ông trưởng thôn nói cậu đi vắng, nhờ bầu hộ. Thôi việc xong rồi, cậu về đi.
Chưa đến 12h trưa, tiếng loa phát thanh vang vang, thôn ta còn bà Lò Thị Viêng, Lữ Thế Càng,….chưa đi bầu cử, ai chưa đi bầu cử, quá 6h tối hòm phiếu niêm phong, thôn phạt 20 kg thóc. Những người còn lại vội vàng ra đình bầu cử. Người ta thắc mắc ầm lên việc ông trưởng thôn hô phạt tiền. Ông cười hì hì bảo: phạt ai đâu, mà tôi chưa bao giờ phạt được ai cả. Hô cho bà con mau mau mà bỏ phiếu đó thôi. Ông chủ tịch hội cựu chiến binh đỏ mặt tía tai quát vào tai ông trưởng thôn: Ông phạm luật đấy. Tôi sẽ đưa chuyện này ra họp tháng tới. Ông trưởng thôn vẫn cười hì hì: Ai cõng ông ra khỏi hầm khi ông bị thương ở mặt trận Quảng Trị. Chuyện ở thôn rồi trôi qua. Kết quả thôn tôi được là thôn có người bầu nhiều nhất theo tỷ lệ và hai giờ chiều đã bầu xong hết rồi. Cũng không ai bàn chuyện ông trưởng thôn nhiệt tình công việc đến vô tư ấy nữa.
Lại có ông trưởng thôn rất nguyên tắc, cứ đúng luật mà làm. Mấy đứa sinh viên không đi bầu cử ông doạ sẽ báo cáo về trường đại học. Bọn trẻ sinh viên sợ xanh mắt, rủ nhau đi bầu rất sớm.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nhung-ky-niem-ve-bau-cu-thoi-bao-cap-201605191523170944.htm” button=”Theo vinacomin”]