Với vóc dáng nhỏ nhắn, ít ai biết anh Nguyễn Bá Lượng lại là thợ lò bậc cao đã ngót 3 thập kỷ liên tục làm nghề thợ lò. Vừa nói chuyện, anh vừa đưa cho tôi xem đôi tay chai sần, chi chít những vết cứa ngang dọc đã lên màu tím đen hằn sâu dưới da thịt – “tác phẩm săm” vụng về do than rơi xuống…
Sinh ra ở vùng quê Nam Sách, Hải Dương, năm 1986, trong một lần tiếp xúc với cán bộ tuyển dụng công nhân của mỏ than Khe Chàm, anh hăm hở ghi tên và được nhận vào làm công nhân cho Công ty. Tại đây, anh được Công ty cho đi đào tạo nghề khai thác mỏ, sau đó trở về công tác tại Công trường khai thác 1. Với kiến thức được đào tạo và sự sáng tạo của mình, anh đã nhanh chóng bắt nhịp cùng đồng đội và quyết tâm phấn đấu trở thành thợ bậc cao của Công ty.
Anh kể, ngày ấy để đào được hòn than trong lò đưa lên mặt đất vô cùng gian nan bởi các công đoạn đều làm thủ công. Hầu hết các lò đều chống bằng gỗ nên việc vận chuyển gỗ xuống lò mất rất nhiều thời gian và công sức. Có những khi, phải mấy ngày liền, toàn đội khai thác chỉ có vận chuyển gỗ chống lò. Rồi thì thông gió, rồi đèn chiếu sáng, thoát nước, kiểm tra khí… đến khi đảm bảo các điều kiện an toàn mới bắt tay vào khai thác than. Sau này, Công ty mới có điều kiện đầu tư các công nghệ khai thác hiện đại, vừa đảm bảo an toàn cho công nhân, vừa mang lại năng suất cao. Nhưng dù ở giai đoạn nào, thợ lò cũng phải hết sức thận trọng, nếu không rất dễ xảy ra tai nạn. Mỗi khi xuống lò, anh luôn nhắc nhở đồng đội phải chuẩn bị đầy đủ các thiết bị, đảm bảo an toàn lao động và sản xuất. Hơn ai hết anh hiểu rõ giá trị của từng hòn than thấm đẫm những giọt mồ hôi, thậm chí cả sinh mạng của những người thợ.
Trải qua năm tháng gắn bó với nghề, anh cũng tích luỹ được nhiều kinh nghiệm quý báu. Trong các kỳ thi tay nghề, anh luôn xuất sắc đạt danh hiệu thợ giỏi cấp Công ty, cấp Tập đoàn và hai lần vinh dự được Công ty tặng Danh hiệu Thợ mỏ vẻ vang. Anh cũng là một trong những thợ lò có thu nhập cao của Công ty do có trình độ kỹ thuật khai thác vững vàng cũng như thâm niên làm việc dưới lò.
Với tinh thần lao động nghiêm túc và sự cẩn thận trong công việc, anh Lượng không chỉ được tập thể tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Tổ khai thác mà còn là tấm gương cho anh em học tập. Một điều đặc biệt là, ba thập kỷ lao động dưới lò sâu nhưng anh Lượng chưa bao giờ để xảy ra mất an toàn. Cũng có thể là do may mắn, song hơn hết đó là nhờ đức tính thận trọng, tỉ mỉ trong từng công việc, nhất là công tác đảm bảo an toàn cho bản thân và cho đồng đội.
Nói về gia đình, anh Lượng hào hứng kể lại câu chuyện tình “rất chi là… công nhân” của anh với cô thôn nữ Nguyễn Thanh Ngà cùng quê. Sau khi vào làm thợ lò một thời gian, trong một lần về phép, xúng xính với bộ quần áo xanh đặc trưng của công nhân vùng mỏ, anh đã hút hồn cô thôn nữ trong làng. Và anh chị đã nhanh chóng kết thành tổ ấm hạnh phúc! Sau khi cưới, anh đưa vợ ra lập nghiệp ngay trên quê hương vùng than Cẩm Phả. Ngày ngày, anh vào lò làm việc, còn chị sớm hôm tảo tần buôn bán và nuôi dạy các con. Sau bao năm tháng thăng trầm, tổ ấm của anh chị ngày càng bền vững và hạnh phúc.
Giờ đây, khi đã hoàn thành nhiệm vụ của người thợ mỏ, anh đã được Công ty giải quyết chế độ nghỉ hưu. Trong căn nhà khang trang, ấm cúng bên người vợ đã sát cánh cùng anh sinh cơ – lập nghiệp ngay chính trên đất mỏ, anh tự hào chia sẻ, hai con của anh đều học giỏi và đỗ đạt. Cháu gái lớn giờ đã trở thành cô giáo, còn cháu trai thứ hai, hiện đang học Đại học Công nghiệp Quảng Ninh, sau này cháu sẽ nối nghiệp cha làm nghề mỏ. Đó cũng chính là thành quả lớn nhất tron suốt 3 thập kỷ qua mà anh chị đã gây dựng phấn đấu trên vùng Than.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/gap-nguoi-3-thap-ky-lam-nghe-tho-lo-201605261439034122.htm” button=”Theo vinacomin”]