Xuất thân từ quê lúa Thái Bình, nhưng anh Nguyễn Văn Long lại “kết duyên” với nghề thợ mỏ. Từ một kỹ sư khai thác mới ra trường năm 2011, nhờ quá trình làm việc kiên trì và hăng say trong lao động sản xuất, anh đã được giao đảm nhận chức vụ Phó Quản đốc Phân xưởng Đào Lò 6 – Công ty Xây dựng mỏ Hầm lò II-TKV.
Anh Nguyễn Văn Long (bên phải) trong giờ nghỉ tại khu tập thể
Sau khi tốt nghiệp Khoa Khai thác – Trường Đại học Mỏ – Địa chất, anh Long xin về công tác tại Công ty Xây dựng mỏ Hầm lò II-TKV và gắn bó cho đến nay. Những ngày đầu mới về làm việc, anh Long đã gặp không ít khó khăn do chưa có kinh nghiệm. Song nhờ sự kiên trì và bản tính ham học hỏi, lại được làm việc cùng với đồng đội trong môi trường có kỷ luật, nề nếp và luôn đạt năng suất đào lò cao, anh đã tích cực học hỏi tay nghề và kinh nghiệm từ các bậc thợ đàn anh đi trước… Anh luôn làm việc với tinh thần kỷ luật cao để sản xuất đảm bảo an toàn, hiệu quả; luôn chủ động tiếp cận với những công nghệ đào lò hiện đại và cố gắng làm chủ máy móc thiết bị trong mỗi ca sản xuất.
Trải qua năm tháng gắn bó với gương lò, anh hiểu rõ giá trị của những giọt mồ hôi của mình và đồng đội nên càng thêm quyết tâm sản xuất giỏi, sản xuất an toàn. Anh tâm niệm, chỉ có trình độ chuyên môn thôi thì chưa đủ, mà phải biết nắm bắt và áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Vì vậy, anh đã đóng góp nhiều sáng kiến cho đơn vị để làm tăng năng suất lao động và hạ giá thành sản phẩm.
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ và sự khao khát được cống hiến, từ một kỹ sư, sau hơn 5 năm công tác, anh đã được đề bạt làm Phó Quản đốc Phân xưởng Đào lò 6. Phân xưởng của anh luôn đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch Công ty giao.
Nói về điều kiện sinh hoạt hiện nay, anh cho biết, nếu so với trước kia, thì đời sống của công nhân đào lò đã tăng lên rất nhiều. Ngoài lương thưởng ra, Công ty còn hỗ trợ công nhân rất nhiều chế độ sinh hoạt khác nên ai cũng phấn khởi. Nếu biết tiết kiệm, mỗi công nhân có thể dành dụm mỗi tháng mua được vài ba chỉ vàng – điều mà chỉ cách đây gần chục năm không thể có.
Tôi hỏi anh nghề đào lò có vất vả không, anh cười nói: “Vất vả thì nghề nào cũng vất vả cả, nhưng sau mỗi ca làm việc an toàn và có hiệu quả cao là tôi vui lắm. Đó cũng chính là niềm vui của toàn Phân xưởng sau mỗi ca lao động miệt mài dưới hầm lò”.
Anh tâm sự, để có được ngày hôm nay, anh thầm cảm ơn người vợ tần tảo nơi quê nhà. Mặc dù vợ anh cũng làm công nhân cho một công ty may mặc ở địa phương, song chị vẫn dành nhiều thời gian để thay anh nuôi dạy con cái. Hiện con trai anh đã 23 tuổi, đang học năm cuối Khoa Cơ điện hầm lò – Đại học Mỏ – Địa chất, con gái học năm thứ 3 – Đại học Tài nguyên – Môi trường. Nhắc đến gia đình, trong mắt anh ánh lên một niềm vui và tự hào. Anh rất vui vì con trai anh cũng có nguyện vọng và quyết định theo nghề Cơ điện hầm lò để sau này cũng được công tác ổn định như bố.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/mong-noi-nghiep-bo-201606031036220676.htm” button=”Theo vinacomin”]