Anh hùng Lao động Hà Văn Hồng
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh thăm hỏi Anh hùng Lao động Hà Văn Hồng
Anh hùng Lao động ngành Than Hà Văn Hồng sinh năm 1952, là người dân tộc Thái, quê ở Thôn 1, xã Xuân Phúc, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa. Anh hùng Lao động Hà Văn Hồng là một trong 1000 người được Bộ Công nghiệp nặng tuyển đi sang Ba Lan học nghề đào lò khai thác than theo “Dự án 1000”, khi đó (năm 1969) anh mới 17 tuổi. Ba Lan hồi ấy than đã khai thác xuống sâu, tới độ sâu 1000 mét và đang là nước đứng thứ 4 thế giới về sản lượng than khai thác hàng năm. Các ông được xuống thăm quan than khai thác ở độ sâu ấy, song khi học, thực tập làm việc chỉ ở độ sâu 600 mét. Sau anh về làm thợ Xây lắp mỏ tại Xí nghiệp Xây lắp mỏ Mông Dương và cùng với anh em đồng nghiệp lập nhiều thành tích kỷ lục về đào lò, được lãnh đạo các cấp khen thưởng. Anh Hà Văn Hồng được phong tặng danh hiệu AHLĐ năm 1985.
Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Tía
Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Tía kiểm tra lò -25/-80 Công ty than Mạo Khê
Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Tía, nguyên Quản đốc Phân xưởng KT4, nguyên Trợ lý Giám đốc Công ty Than Mạo Khê đã có 43 năm gắn bó với mỏ, trong đó có 36 năm anh lao động trực tiếp dưới hầm lò, với trên 10 năm làm thợ cuốc lò.
Sinh ra trên mảnh đất Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, song cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Văn Tía lại gắn liền với quê hương vùng mỏ Quảng Ninh và mỏ Mạo Khê từ năm 1971. Sau 3 năm vào nghề, anh đã trở thành công nhân cuốc lò bậc 4. Sau 10 năm anh được đề bạt lên Tổ trưởng sản xuất lò 56/3, rồi Phó quản đốc, Quản đốc và Trợ lý Giám đốc vào năm 2007. Từ kinh nghiệm thực tế của người thợ mỏ cộng với ý chí dám nghĩ, dám làm, anh đã đưa phong trào thi đua lao động sản xuất của Phân xưởng 56/3 dẫn đầu toàn mỏ.
Cả cuộc đời phấn đấu với nghề mỏ, anh đã nhận được nhiều bằng khen của các cấp, Ngành, Chính phủ, 8 năm liên tiếp là Chiến sĩ Thi đua toàn quốc, 3 Bằng Lao động sáng tạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam; danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2006.
Người thợ mỏ đầu tiên đặt chân xuống -300
Nguyễn Trọng Thái (áo xanh, bên trái) người đầu tiên của ngành Than đặt chân xuống mức -300 so với mực nước biển
Thợ lò Nguyễn Trọng Thái vinh dự là thợ lò đầu tiên đặt chân xuống mức -300m – độ sâu kỷ lục của ngành Than vào thời điểm năm 2011, anh góp một phần công sức của mình cùng toàn ngành Than mở ra một giai đoạn chinh phục độ sâu mới.
Nguyễn Trọng Thái có 22 năm gắn bó với Công trường kiến thiết cơ bản 1, Công ty CP Than Hà Lầm và đã giữ trọng trách Tổ trưởng Tổ Nguyễn Trọng Thái 16 năm. Suốt 7 năm liên tiếp (từ năm 2001-2007), Tổ Nguyễn Trọng Thái luôn dẫn đầu Tập đoàn về sản lượng đào lò với mức bình quân từ 2,1-2,4m/ca trên tiết diện 8,5-12,5m2; bình quân, mỗi năm Tổ của anh đào được khoảng 3.000m đường lò. Hàng năm anh đều cống hiến hàng chục sáng kiến cải tiến kỹ thuật sản xuất, có sáng kiến được cấp bằng sáng chế. Với những thành tích trong lao động sản xuất, cứ đến hẹn lại lên, hàng năm anh đều lọt vào tốp thợ đào lò xuất sắc nhất Tập đoàn và 10 năm liên tiếp giành danh hiệu Chiến sĩ Thi đua cấp Tập đoàn. Vinh dự hơn anh còn được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen năm 2007; Huân chương Lao động hạng Ba năm 2010; Chiến sĩ Thi đua của Bộ Công thương năm 2012; Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh năm 2013.
Người thợ nhiều sáng kiến
Thợ lò Lê Văn Thảo (bên phải) cùng đồng nghiệp vào ca
Lê Văn Thảo, Tổ trưởng sản xuất số 2, Công trường Đông Bình Minh, Công ty Than Hòn Gai là thợ lò bậc 6/6 và thường xuyên có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng làm lợi cho Công ty hàng trăm triệu đồng. Các sáng kiến điển hình như: sáng kiến dùng tấm chèn nóc tạm bằng kim loại di động chèn mặt gương khi đào lò trong đá có tiết diện 8,4m2; sáng kiến chuẩn hoá quy trình đào chống ngã ba đường lò xây dựng cơ bản, chuẩn bị sản xuất; sáng kiến dùng xích máng cào nhổ cột thuỷ lực tại lò dọc vỉa và lò chợ, có giá trị làm lợi 45 triệu đồng; sáng kiến bảo dưỡng 100 giá thuỷ lực trong lò tiết kiệm 75 triệu đồng; sáng kiến dùng xà 6,2 thu hồi gia công chống xén, thu hồi vì sắt lò dọc vỉa mức -65 Cánh Bắc vỉa 8 Thành Công có giá trị làm lợi 7,5 triệu đồng; sáng kiến di chuyển trạm dịch, trạm điện ga -75 Cánh Bắc vỉa 8 Thành Công ra xuyên vỉa Tây bắc 75 và dọc vỉa -75 Cánh Nam vỉa 8 Thành Công, giá trị làm lợi 182 triệu đồng…
Là một thợ lò trẻ, nhưng Lê Văn Thảo được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Công Thương và nhiều bằng khen khác.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nhung-nguoi-tho-anh-hung-201606031105467376.htm” button=”Theo vinacomin”]