Trong bối cảnh thị trường tiêu thụ xi măng tiếp tục cạnh tranh khốc liệt và không có dấu hiệu giảm nhiệt trong hơn hai quý đầu năm 2019, việc các đơn vị sản xuất xi măng của Tổng công ty CN mỏ Việt Bắc (VVMI) vẫn giữ vững được thị trường tiêu thụ và tiếp tục khẳng định uy tín, thương hiệu xi măng của mình là điều không hề đơn giản. Có thể nói đây là kết quả đáng ghi nhận nhất trong lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ xi măng của VVMI những tháng qua.
7 tháng đầu năm 2019, sản xuất xi măng đạt 58% kế hoạch năm
Theo lãnh đạo Tổng công ty CN mỏ Việt Bắc, từ đầu năm đến nay, thị trường xi măng tiếp tục cạnh tranh khốc liệt, cung lớn hơn cầu, thị trường tiêu thụ clinker xuất khẩu giảm, các đối thủ liên tục giảm giá bán để cạnh tranh… Tuy vậy, tính chung 7 tháng đầu năm 2019, toàn Tổng công ty đã sản xuất và tiêu thụ 1.334.138 tấn xi măng (bằng 58% kế hoạch năm).
Các dây chuyền sản xuất xi măng của 3 công ty xi măng trong Tổng công ty hoạt động tương đối ổn định, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh. Cụ thể, Công ty CP Xi măng La Hiên đã có nhiều cải tiến thiết bị để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Năng suất máy nghiền đối với xi măng PCB 30 tăng từ 120 tấn/giờ lên trên 150 tấn/giờ, đối với xi măng PCB 40 từ 105 tấn/giờ lên trên 130 tấn/giờ, từ đó tiết kiệm lớn chi phí điện năng làm tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh của đơn vị. Xi măng La Hiên đã đảm bảo được lợi nhuận đạt và vượt kế hoạch.
Công ty CP Xi măng Quán Triều cũng có kết quả sản xuất kinh doanh tốt, đã hoàn thành kế hoạch đề ra, lợi nhuận đạt 15 tỷ đồng, bằng 75% kế hoạch năm; các chỉ tiêu chính đều tăng so với cùng kỳ năm 2018. Sản lượng sản xuất đảm bảo chất lượng khi bán ra thị trường, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng; thị trường tiêu thụ ổn định và có tăng trưởng. Đặc biệt, lò nung Clinker hoạt động ổn định đạt năng suất cao >2.200 tấn/ngày, công đoạn nghiền xi măng đạt 119 tấn/giờ, công đoạn đóng bao đạt 77,3 tấn/giờ qua đó tiết kiệm điện năng các công đoạn, góp phần hạ giá thành sản phẩm.
Cũng giống như hai đơn vị xi măng trên của Tổng công ty, sản xuất và tiêu thụ 7 tháng đầu năm 2019 của Công ty CP Xi măng Tân Quang đạt 54,7% kế hoạch năm, lợi nhuận 2,3 tỷ đồng. Cùng với đó, đơn vị đã giảm đáng kể thời gian phải dừng hoạt động của thiết bị do sự cố, hỏng vặt. Việc sử dụng đất đá thải lẫn than Khánh Hòa để ổn định năng suất lò nung, giảm tiêu hao than do đá thải sau tuyển của Than Khánh Hòa dễ nghiền, đập làm giảm chi phí động lực; tăng định mức phụ gia, đồng thời cơ cấu lại tỷ lệ phụ gia, không dùng tro bay sau tuyển… vẫn là những giải pháp mấu chốt được Công ty duy trì và mang lại hiệu quả.
“Tổng công ty phân công riêng một đồng chí Phó Tổng Giám đốc đặc trách về lĩnh vực sản xuất xi măng để giải quyết kịp thời mọi vấn đề phát sinh; tăng cường tổ chức tốt mạng lưới tiêu thụ, phân công chi tiết các khu vực quản lý, nắm bắt tình hình thị trường cũng như khả năng thanh toán của khách hàng để có biện pháp bán hàng và thu hồi công nợ; hàng tháng thực hiện đầy đủ việc đối chiếu công nợ với khách hàng, đôn đốc việc thu hồi công nợ. Đồng thời, Tổng công ty và các đơn vị sản xuất xi măng còn thường xuyên khảo sát tình hình tiêu thụ xi măng của từng khu vực thị trường để điều chỉnh chính sách bán hàng cho phù hợp nhằm giữ vững thị trường tiêu thụ, hoàn thành vượt mức lợi nhuận theo kế hoạch SXKD Tổng công ty đã đặt ra” – Tổng Giám đốc Tổng công ty CN mỏ Việt Bắc – Trần Hải Bình chia sẻ về những yếu tố giúp cho lĩnh vực sản xuất xi măng của Tổng công ty đạt được những kết quả tốt từ đầu năm đến nay.
Chủ động và linh hoạt trong điều hành quản lý
Phòng Điều khiển sản xuất trung tâm của Công ty CP Xi măng La Hiên (Ảnh Hùng Mạnh)
Dự báo tình hình xi măng trong quý III và những tháng cuối năm 2019 tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn do thị trường xi măng trong nước tiếp tục cạnh tranh quyết liệt, do đó đòi hỏi các đơn vị sản xuất xi măng của Tổng công ty phải thực sự chủ động, linh hoạt trong điều hành quản lý.
Bởi vậy ngay trong những ngày quý III/2019 này, các đơn vị sản xuất xi măng trong Tổng công ty đã và đang tăng cường công tác kiểm tra các thiết bị trong dây chuyền, sớm phát hiện sự cố có thể xảy ra để có những biện pháp xử lý kịp thời; có các biện pháp phòng ngừa sự cố công nghệ, quản lý chặt chẽ, nghiêm ngặt chất lượng nguyên vật liệu đầu vào, ổn định chất lượng phối liệu. Để dây chuyền sản xuất xi măng hoạt động liên tục và ổn định, hạn chế tối đa các sự cố công nghệ và thiết bị, các đơn vị sản xuất xi măng nỗ lực xây dựng kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị hợp lý; chuẩn bị tốt vật tư, nhân lực để tổ chức sửa chữa, bảo dưỡng toàn diện dây chuyền theo kế hoạch đã lập. Rà soát lại quy trình, quy chế quản lý chặt chẽ sát với thực tế tình hình ở mỗi đơn vị nhằm giảm chi phí sản xuất. Tiếp tục nghiên cứu, đẩy mạnh áp dụng tự động hoá, tin học hoá, thực hiện các giải pháp tiết kiệm chi phí nguyên nhiên vật liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng tỷ lệ phụ gia xỉ giảm định mức tiêu hao nguyên vật liệu…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/giu-vung-thi-truong-tieu-thu-khang-dinh-thuong-hieu-xi-mang-cua-vvmi-201909161558056493.htm” button=”Theo vinacomin”]