Một ngày trời nắng nóng, chúng tôi có mặt trên khai trường Công ty Cổ phần than Cao Sơn. Giữa bốn bề xung quanh là núi đá, tiếng máy khoan xen lẫn tiếng ầm ầm của những chiếc xe trọng tải lớn, tiếng máy xúc gầm lên, tiếng í ới của anh em công nhân… tựa như âm thanh của một bản giao hưởng về khúc tráng ca của Thợ mỏ. Đá Cao Sơn như đang xoay chuyển trong nắng và gió để thử lòng người.
Nhớ lại ngày xưa, cánh thực tập sinh chúng tôi mới lên khu vực mỏ than Cao Sơn. Khi đó, ngọn núi cao nhất khu vực vùng than Cẩm Phả nằm cheo leo giữa bốn bề xung quanh là khai trường Đèo Nai, Cọc Sáu, Khe Chàm… Đó chính là Cao Sơn, hay còn gọi là núi cao. Bằng các giải pháp thăm dò địa chất, người ta đã nhìn thấy trong lòng ngọn núi này những vỉa than đen có giá trị cao về mặt công nghiệp và giao cho thợ mỏ Cao Sơn khai thác bằng phương pháp lộ thiên. Khi đó, việc khai thác hầm lò chưa phát triển mạnh mẽ như ngày nay. Đó thực sự là một nhiệm vụ nặng nề. Nhiều thợ mỏ nói lái đi, Cao Sơn là Núi cao, núi cao là cáo lui. Nghe không ăn nhập lắm, vì đó là cách nói vui, nhưng với người dân vùng Mỏ thì thế là đủ hiểu, trước mắt họ là vô vàn khó khăn.
Thấm thoắt chỉ sau đó một vài năm, khi chúng tôi quay trở lại, ngọn núi đã biến mất như một điều kỳ diệu. Bằng mắt thường để cảm nhận chúng tôi đã có thể thấy ở trong đó một nghị lực phi thường, sức mạnh dời non lấp biển của những người thợ mỏ. Dời non thì đã thấy, còn chuyện lấn biển tôi cũng đã nghe. Khi đó, nhiều ý kiến cho rằng, hàng trăm triệu mét khối đất đá của những mỏ Cao Sơn, Cọc Sáu, Đèo Nai phải đổ đi mà đem ra lấn biển, không chừng thành phố Cẩm Phả bây giờ có những khu đô thị còn hoành tráng hơn cả Sun Group, Vin Group hay Bim Group đang xây dựng ở Hạ Long, những ngôi biệt thự triệu đô… Nhưng người Cẩm Phả không chọn giải pháp đó. Họ xây dựng một khu làng mỏ Cao Sơn bình dị. Kèm theo đó, họ cải tạo những bãi xú vẹt thành một khu công viên với khu bãi tắm, không ồn ào nhưng đủ để thợ mỏ thưởng lãm khung cảnh sơn thủy hữu tình bên bờ vịnh Bái Tử Long xinh đẹp. Người ta còn gọi đó là khu công viên Lưu Thủy.
Hôm nay, khi trở lại Cao Sơn, chúng tôi lại có một cảm giác khác hơn nữa. Giữa cái vị trí của ngọn núi cao hôm nào đã trở thành một moong than khổng lồ. In sâu dưới lòng moong là những vệt đen dài của những vỉa than để lộ ra. Những cỗ máy ngang dọc vẫn theo nhịp độ ầm ầm đưa đất đá, đưa than lên. Xa xa, một tuyến băng tải vắt ngang cả khu mỏ như tô điểm thêm cho một bức tranh đẹp. Thợ mỏ Cao Sơn đã thực sự khai thác xuống mức âm.
Với một chất giọng giản dị, trầm lắng, Kỹ sư Đặng Văn Tùng, Giám đốc Công ty tâm sự: “Trong hành trình nhiều năm qua, thợ mỏ Cao Sơn đã nỗ lực rất lớn để thực hiện kế hoạch khai thác hàng năm. Cứ làm, cứ cần mẫn hết năm này đến năm khác, thế rồi ngọn núi cao năm nào cũng thành cái ao. Giờ thì khó khăn hơn nhiều. Công ty đã khai thác xuống sâu, kèm theo đó là tài nguyên không thuận lợi. Anh biết rồi đó, khi càng khai thác xuống sâu thì diện khai thác lại càng hẹp, chiều cao nâng tải lớn. Không gian đổ thải cũng khó khăn dần, cung độ vận chuyển xa hơn v.v. Tất cả những điều đó đều là yếu tố quan trọng khiến cho giá thành khai thác tăng cao. Không như nhiều người vẫn cho rằng, chỉ việc xúc lên mà bán. Thậm chí, trong quá trình chinh phục lòng đất này, không chỉ có những giọt mồ hôi, mà còn có cả những giọt máu của thợ mỏ nhỏ xuống…”
Năm nay, Công ty Cổ phần than Cao Sơn thực hiện kế hoạch bóc trên 33 triệu mét khối đất đá, để khai thác 3,9 triệu tấn than nguyên khai. Đây là một con số không hề nhỏ cũng đồng nghĩa với khối lượng công việc không dễ dàng. Nếu đem nhẩm, thì cứ một quý, thợ mỏ Cao Sơn phải bốc xúc, vận chuyển hơn 8 triệu mét khối đất đá với cung độ ngót ngét 10 cây số. Bài toán để thợ mỏ Cao Sơn tìm lời giải dường như càng ngày càng hóc búa hơn. Về những khó khăn này, lãnh đạo Tập đoàn cũng đã thấu hiểu và triển khai nhiều giải pháp cho thợ mỏ Cao Sơn nói riêng và cả vùng than Cẩm Phả nói chung. Trong đó, giải pháp mạnh mẽ nhất là đầu tư một tuyến băng tải chở đất đá từ khu khai thác kéo theo đường dốc ra tận bãi thải để giảm cung độ vận chuyển bằng ô tô, giúp giảm chi phí sản xuất. Bằng việc huy động mọi nguồn lực kể cả từ bên trong lẫn bên ngoài, tuyến băng tải đã hoàn thành vào đầu năm nay. Theo dự tính nếu tuyến băng này đi vào hoạt động ổn định, có thể sẽ kéo giúp Cao Sơn khoảng 20 triệu mét khối đất đá mỗi năm. Nhìn những khối đất đá lớn được nghiền vỡ đưa lên băng tải kéo tận lên đầu bãi thải Bàng Nâu, ai cũng vui mừng phấn khởi. Nó thực sự như một thay đổi lớn trong đổi mới công nghệ vận chuyển đất đá bằng ô tô thuần túy từ trước tới nay.
Tuy nhiên, một lần nữa, đất đá lại như thử lòng người thợ mỏ Cao Sơn. Do đặc điểm đất đá tại các khu vực Cao Sơn khai thác có độ cứng lớn, nên hệ thống nghiền đập luôn luôn bị bào mòn. Chỉ một thời gian ngắn, hệ thống này lại không chịu nổi độ cứng của đất đá Cao Sơn và hoạt động kém. Các kỹ sư đang phải đau đầu để tìm ra một hợp chất kim loại nào có độ cứng thắng được độ cứng của đất đá. Điều đó cũng không khó, tuy nhiên, xét về góc độ kinh tế mới là câu chuyện khó giải. Chẳng lẽ lại dùng kim cương với một chi phí lớn, trong khi, giá trị đầu tư cho cả tuyến băng tải này cũng đã lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Đây là bài toán nhiều ẩn số khiến các nhà kỹ thuật, các nhà kinh tế cần ngồi lại. Trong thời gian này, Cao Sơn vẫn tiếp tục phải gồng mình cõng đất đá bằng ô tô.
Thợ mỏ nói chung và thợ mỏ Cao Sơn nói riêng có một truyền thống cực kỳ quý báu, đó là “Kỷ luật và Đồng tâm”, không chịu khuất phục trước những khó khăn. Và bài toán bốc xúc vận chuyển đất đá như thế nào cho hiệu quả, đảm bảo giá thành trong cơ chế thị trường vẫn luôn là nỗi lo thường trực của những người thợ mỏ. “Bằng ô tô cũng được, nhưng chi phí sản xuất phải thấp hơn”. Từ ý nghĩ đó đã giúp các cán bộ kỹ thuật của Than Cao Sơn đưa vào thử nghiệm chạy loại xe ô tô điện có trọng tải lớn không kém các xe chạy dầu hiện nay. Theo các cán bộ kỹ thuật, xe chạy điện sẽ giảm chi phí đáng kể vì không phải chịu ma sát giữa các bánh răng liên động, giảm tốc như loại xe chạy dầu. Thay vào đó, tốc độ của xe chạy điện hoàn toàn được điều chỉnh bằng hệ thống từ trường. Bước đầu, các xe đưa vào chạy thử nghiệm tại Than Cao Sơn đã phát huy được hiệu quả. Nếu qua tổng hợp, hiệu quả kinh tế của cả quá trình đầu tư thực sự đạt được như kỳ vọng, đây sẽ là tiền đề để không chỉ Cao Sơn, mà các đơn vị khác cũng có thể áp dụng. Mới thấy, cuộc chiến về hạ giá thành khai thác không còn là chuyện trong mỗi doanh nghiệp, mà là một chiến lược của cả Tập đoàn. Có thể nó sẽ làm thay đổi cả về công nghệ hay những giải pháp quản lý hoàn toàn mới hơn. Điều đó được thể hiện qua ý chí trong giải pháp “Trình tự khai thác hợp lý 3 mỏ Cao Sơn, Cọc Sáu, Đèo Nai” vừa được Tập đoàn triển khai. Giải pháp này cũng nhằm vào một mục đích là giúp các mỏ này khai thác đạt hiệu quả cao hơn. Theo trình tự khai thác này, trong tương lai, 3 mỏ sẽ gần như đều có một điểm chung về kỹ thuật, công nghệ. Đây cũng chính là giải pháp kéo dài tuổi mỏ, giúp người lao động ổn định hơn với công ăn việc làm và thu nhập của mình.
Xem ra, đá Cao Sơn thử lòng người, nhưng thợ mỏ luôn có nhiều giải pháp. Và cuộc sống vẫn tiếp diễn như vòng quay của những cỗ máy ngoài kia.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/da-cao-son-thu-long-nguoi-201608031448567126.htm” button=”Theo vinacomin”]