Công ty CP Du lịch và thương mại – Vinacomin (VTTC) trải qua 20 năm xây dựng và phát triển (25/9/1996 – 25/9/2016) thì có quá nửa thời gian ấy ông đảm nhận trọng trách là “người thủ lĩnh” của đơn vị. Tiếp xúc mới cảm nhận thấy ở ông là một con người hoạt ngôn, quyết liệt trong công việc nhưng lại rất khiêm tốn, luôn nỗ lực học hỏi và thực sự tâm huyết với nghề. Nhân dịp VTTC kỷ niệm tròn 20 tuổi, phóng viên Tạp chí TKV đã có buổi trò chuyện với ông để hiểu hơn về quãng thời gian ông gắn bó với từng bước thăng trầm của Công ty cũng như những trăn trở, mong muốn của ông gửi gắm đến các thế hệ tiếp nối đã, đang và sẽ chung tay xây dựng VTTC lớn mạnh, bền vững.
P.V: Xin chào ông! Được biết, trước khi ông về nhận nhiệm vụ làm Giám đốc Công ty Du lịch Than Việt Nam (sau này là Công ty CP Du lịch và Thương mại – Vinacomin), ông là Phó giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu than (Coalimex) – một đơn vị mạnh, hoạt động rất thuận lợi trong Ngành lúc bấy giờ. Vậy khi nhận nhiệm vụ mới, ông có thấy “ngần ngại”?
Ông Trần Văn Thành (T.V.T): Quả thật, thời điểm ấy, nếu nói không ngần ngại thì không đúng. Tôi có ngần ngại bởi một phần lý do chủ quan của cá nhân và một phần do bối cảnh của Công ty lúc ấy khá khó khăn và phức tạp.
Tôi nhớ rất rõ là khoảng trung tuần tháng 8/2001, Tổng Giám đốc (TGĐ) Đoàn Văn Kiển gọi tôi lên trao đổi là muốn điều động tôi sang làm Giám đốc của Công ty Du lịch Than Việt Nam. Tôi rất bất ngờ và đã trình bày ngay là khả năng không thể đáp ứng được công việc vì bản thân không có chuyên môn gì về quản lý du lịch, khách sạn. Thậm chí lúc đó tôi còn chưa biết Công ty nằm ở đâu. Thêm nữa, tôi gần như chưa nắm được tình hình của Công ty, chỉ biết rằng thời điểm đó Công ty đang rất khó khăn, lỗ và nợ khó đòi lớn, vốn tự có chủ yếu là 3 khách sạn Vân Long, Biển Đông và Thanh Lịch Hạ Long đã xuống cấp trầm trọng. Sau khi được TGĐ quán triệt và động viên, tôi đã xin phép được suy nghĩ 1 tháng. Đó là khoảng thời gian tôi tìm hiểu kỹ hơn về tình hình của Công ty. Mặt khác, tôi tham khảo ý kiến các giám đốc đơn vị thành viên để tranh thủ sự ủng hộ, góp ý và giúp đỡ của họ nếu tôi đảm nhận nhiệm vụ. Hết thời hạn, TGĐ lại gọi tôi lên, nhưng tôi vẫn chưa giám nhận nhiệm vụ vì thời gian đó tôi đang được ủy quyền thay GĐ điều hành Coalimex nên rất bận, có ít thời gian tìm hiểu về Công ty. Tôi trình bày lý do và xin TGĐ lùi thêm 1 tháng nữa. Và đúng hết thời hạn, tôi đã đồng ý nhận nhiệm vụ mới.
P.V: Thời điểm nhận công tác ở vị trí hoàn toàn mới, ông có đưa ra đề xuất gì không?
Ông T.V.T: Căn cứ vào tình hình Công ty lúc đó, tôi đã có hai đề nghị với TGĐ. Một là, tôi xin cho Công ty được hoạt động kinh doanh cả mảng thương mại, song hành cùng du lịch, nhằm duy trì hoạt động Công ty và đảm bảo đời sống cho CBCNV trong trường hợp có dịch bệnh, du lịch không tổ chức được và hỗ trợ đầu tư cho du lịch, khách sạn có điều kiện phát triển. Hai là, trước đó, Công ty có rất nhiều kiện cáo nặc danh. Tôi đề nghị trong quá trình điều hành Công ty nếu có đơn kiện thì TGĐ gọi trực tiếp tôi lên, cho tôi được xem và có ý kiến. Tôi luôn là người rất cầu thị nên nếu ý kiến phản ánh là đúng, tôi xin tiếp thu và sửa lỗi. Còn nếu thông tin đó sai thì tôi sẽ trình bày để TGĐ hiểu, sau đó sẽ tổ chức gặp gỡ người lao động để họ có cơ hội trao đổi, góp ý trực tiếp cho tôi, đây cũng là cách giúp tôi làm tốt công tác tư tưởng cho người lao động. Hai đề nghị trên của tôi đều được TGĐ chấp thuận.
P.V: Vậy ông đã có những giải pháp cụ thể nào để giải quyết những khó khăn và “vực” Công ty đi lên?
Ông T.V.T: Ngay sau khi tiếp quản công việc, tôi cũng Ban Lãnh đạo Công ty đã tập trung điều hành, quản lý bằng 3 nhóm giải pháp chính như sau:
Thứ nhất, củng cố tổ chức và bổ sung nhân sự. Do Công ty vừa trải qua giai đoạn khó khăn nên một số CBNV có năng lực, nghiệp vụ làm du lịch, quản lý đã xin chuyển đi. Vì vậy, công tác nhân sự cần phải ưu tiên hàng đầu. Đặc biệt, công tác kế toán của Công ty rất yếu, cần thiết phải có một người thực sự có năng lực và tận tuỵ với công việc. Để tìm được Kế toán trưởng, tôi đã nhờ lãnh đạo TCT và thông qua mối quan hệ đã có với các đơn vị, rồi kiên trì thuyết phục mới tìm được, đó là chị Nguyễn Thị Kim Oanh – lúc đó đang là Phó phòng Kế toán của Công ty than Cọc Sáu. Ngoài ra, Công ty đã tiếp nhận bổ sung được một số cán bộ có chuyên môn, kinh nghiệm quản lý và kinh doanh về du lịch, thương mại. Để có thêm nhân lực được đào tạo đúng ngành nghề, tôi trực tiếp sang tận Khoa Du lịch Viện Đại học Mở, ĐH Kinh tế Quốc dân hay Khoa Kinh tế đối ngoại của ĐH Ngoại thương để tìm hiểu và “xin” các sinh viên đã tốt nghiệp loại khá, giỏi và có tiềm năng. Ngay bản thân tôi cũng tự nâng cao kiến thức cho mình bằng việc xin học lớp quản lý điều hành du lịch, khách sạn do Tổng cục Du lịch mở theo dự án tài trợ của EU trong vòng 1 năm. Công ty cũng đã thành lập lại các chi nhánh Hà Nội, Quảng Ninh, Hồ chí Minh để mở rộng địa bàn kinh doanh, phù hợp với sự phát triển của TKV.
Thứ hai, tổ chức hoạt động kinh doanh mang lại hiệu quả cao. Công tác thị trường được ưu tiên hàng đầu, đặc biệt là thị trường trong Ngành. Do được sự ủng hộ của các đơn vị thành viên nên việc xây dựng thị trường khá thuận lợi, lượng khách du lịch trong Ngành giai đoạn 2002 – 2006 tăng mạnh. Mảng thương mại cũng nhận được sự ủng hộ và hợp tác của các đơn vị trong Ngành và các hãng thiết bị, vật tư nước ngoài có thương hiệu. Thời điểm bệnh dịch Sars năm 2003 và dịch cúm gà 2005, nhiều công ty Du lịch trong và ngoài nước đã phải cắt giảm biên chế, thậm chí tạm đóng cửa kinh doanh. Nhưng Công ty một mặt đẩy mạnh kinh doanh thương mại để bù đắp thiệt hại cho du lịch, mặt khác đã tổ chức đào tạo, nâng cao nghiệp vụ cho CBNV mảng quản lý du lịch, khách sạn, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ. Cho nên hoạt động của Công ty được duy trì bình thường và đời sống người lao động vẫn ổn định.
Thứ ba, xây dựng được chiến lược phát triển của Công ty giai đoạn 2002 – 2010. Khi mới về tiếp nhận vị trí lãnh đạo Công ty, bên cạnh việc củng cố tổ chức nhân sự, lo việc làm cho CBCNV, ngay từ tháng 4/2002, tôi đã trực tiếp chỉ đạo và bắt tay cùng anh em xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và phát triển Công ty giai đoạn 2002-2010”. Cuối năm 2002, đề án hoàn thành và sau đó được HĐQT TCT phê duyệt. Đề án chiến lược được chia làm hai giai đoạn rất cụ thể. Giai đoạn 2002 – 2005 là thời kỳ củng cố và mở rộng thị trường ngành nghề kinh doanh, lấy hai ngành nghề chính là du lịch và thương mại để phát triển, dùng thương mại để hỗ trợ du lịch và là tiềm lực phát triển Công ty. Xác định được tính chất du lịch đặc thù của Ngành, đó là phục vụ thợ mỏ nên phải hiểu đối tượng phục vụ hơn ai hết để tổ chức cho họ thăm quan, nghỉ mát, phục hồi sức khoẻ một cách tốt nhất, đúng với chủ trương của lãnh đạo TVN giao cho. Kết quả của giai đoạn này là doanh thu tăng trưởng bình quân của Công ty đạt 40 – 50%, lợi nhuận đạt 25 – 30% và thu nhập của người lao động tăng 20 – 25%. Giai đoạn thứ hai từ 2006 – 2010 là tập trung đầu tư phát triển chiều sâu, xây dựng thương hiệu Du lịch và Thương mại Than Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, được đối tác, bạn hàng tin tưởng. Mục tiêu của giai đoạn này đạt ra và đã hoàn thành là: doanh thu tăng từ 25-30%, lợi nhuận tăng 15-20% và thu nhập bình quân tăng 15%, đời sống người lao động ngày càng được nâng lên cả vật chất và tinh thần.
Có thể khẳng định, từ một đơn vị hết sức khó khăn, nhờ sự đoàn kết, đồng tâm hợp lực của CBCNV toàn Công ty, sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo TCT, sự ủng hộ giúp đỡ của các đơn vị trong Ngành, Công ty đã ngày càng ổn định và phát triển, đảm bảo các mục tiêu chiến lược đề ra, CBCNV phấn khởi, uy tín Công ty được nâng lên và đánh giá cao trên thị trường. Những nỗ lực của lãnh đạo và CBCNV Công ty đã được ghi nhận bằng những phần thưởng cao quý như Huân chương Lao động hạng Ba (2006) và Huân chương Lao động hạng Nhì (2010).
P.V: Thưa ông, sau 11 năm làm Giám đốc điều hành và gắn bó với những thăng trầm của VTTC, đến nay đã nghỉ hưu, ông có thường xuyên theo dõi tình hình của Ngành và của Công ty?
Ông T.V.T: Qua nắm bắt thông tin, tôi được biết, thực hiện chủ trương tái cơ cấu, thoái vốn của TKV, Công ty CP Du lịch và Thương mại – Vinacomin giờ không còn là đơn vị do TKV chi phối vốn, tới đây sẽ còn giảm tiếp phần vốn Nhà nước. Tôi nghĩ việc này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng của người lao động vì lo lắng về việc làm, thị trường sẽ ra sao khi mà mục đích ban đầu thành lập Công ty là để phục vụ đối tượng thợ mỏ cũng như CBCN trong Ngành là chính. Đây cũng là thách thức đòi hỏi lãnh đạo Công ty phải xác định rõ chiến lược phát triển, đổi mới tư duy, nâng cao chất lượng hoạt động để đảm bảo cạnh tranh được trên thị trường. Với truyền thống tốt đẹp của Ngành, sự đoàn kết vượt khó, vươn lên trong 20 năm qua và sức trẻ, sáng tạo của thế hệ sau này, tôi tin là Công ty sẽ vượt qua và tiếp tục phát triển.
P.V: Như vậy, thời gian tới, VTTC chắc chắn sẽ có nhiều đổi thay, cơ hội sẽ song hành với những khó khăn, thách thức. Là người có kinh nghiệm và gắn bó với Công ty, ông có bí quyết gì chia sẻ, gửi gắm đến những thế hệ đang và sẽ tiếp tục nỗ lực xây dựng thương hiệu VTTC phát triển?
Ông T.V.T: Nói bí quyết thì to tát quá (ông cười). Trong từng thời điểm lịch sử lại có chiến lược và giải pháp khác nhau. Với bản thân tôi, tất cả chỉ nằm trong 4 chữ T là “Tâm – Tin – Tín – Tình”. Trước hết, mỗi người CBCNV cần phải có cái “tâm” với nghề, với công việc, xác định mục tiêu là phục vụ tốt nhất cho thợ mỏ, CBCN trong Ngành, từ đó làm nền tảng để phát triển ra thị trường bên ngoài. Tiếp đến là chữ “tin”, người đứng đầu đơn vị phải tin vào sự chỉ đạo của cấp trên, tự tin vào bản thân, tin tưởng cấp dưới và người lao động, đồng thời tạo dựng được lòng tin với đối tác, bạn hàng. Muốn Công ty phát triển bền vững cần phải giữ được chữ “tín” với khách hàng, trên phương diện hợp tác chân tình, chia sẻ để đôi bên cùng có lợi. Và cuối cùng là chữ “tình”, cần có một tình thương nhân ái, đồng cảm và độ lượng với nhau, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ chung.
P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/bi-quyet-4t-cua-nguoi-lam-du-lich-va-thuong-mai-201609281635433144.htm” button=”Theo vinacomin”]