Về chiến lược lâu dài, để đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia, Chính phủ đã giao TKV đẩy mạnh đầu tư khai thác và phát triển các mỏ, nâng cao sản lượng than sản xuất trong nước. Đồng thời, Chính phủ giao cho TKV nhập khẩu than, đảm bảo cung cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện và các nhu cầu khác của nền kinh tế quốc dân.
Không có câu chuyện “chở củi về rừng”
Việc nhập khẩu than cho các dự án nhiệt điện là nhiệm vụ hết sức quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Theo Quy hoạch, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than với khối lượng lớn từ sau năm 2017 và tăng mạnh từ năm 2020, chủ yếu là than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện, bao gồm cả than Anthraxit và than nhiệt năng. Do vậy, việc TKV từng bước triển khai nhập khẩu than là tất yếu khách quan.
Thực tế, trong những năm gần đây, TKV đã và đang từng bước thực hiện công tác này.
Tuy nhiên, trong bối cảnh TKV đang tồn kho một lượng than lớn (khoảng 10 triệu tấn, tùy từng thời điểm), dư luận đặt ra câu hỏi liệu những người làm than có đang “chở củi về rừng”? Lý giải cho điều này, theo Phó TGĐ Tập đoàn Nguyễn Văn Biên, về cốt lõi, than có nhiều loại than, mỗi chủng loại một đặc tính khác nhau, từ đó phải phân loại mới sử dụng được. Trong cơ cấu chủng loại than do TKV sản xuất có nhiều loại than khác nhau từ cám 1 đến cám 6a, b, cám 7a, b, c và các loại than cục. Hiện nay, tại thị trường trong nước, loại than cám 6a1 Hòn Gai, Cẩm Phả đang được nhiều nhà sử dụng lựa chọn và tiêu thụ nhiều. Trong khi đó, theo cân đối cơ cấu các chủng loại than sản xuất trong nước thì loại than này hiện không đáp ứng đủ nhu cầu của các hộ tiêu thụ trong nước (ước tính năm 2016 thiếu khoảng 3 triệu tấn). Trong khi đó, loại than tương đương vùng miền Tây Quảng Ninh sản xuất (than Mạo Khê, Uông Bí, Vàng Danh) hiện tại thị trường ít có nhu cầu hơn do đặc tính lưu huỳnh cao hơn, chất bốc thấp hơn cho nên tồn kho còn cao (trước đây, loại than này chủ yếu xuất khẩu nhưng nay không còn được xuất khẩu nữa). Cho nên TKV đã phải nhập khẩu một phần than Anthraxit chất bốc cao (10-15%) để: Một là, chế biến, pha trộn với một số loại than trong nước để cung cấp cho các hộ có nhu cầu, nhằm mục đích giảm tồn kho than khu vực miền Tây có chất bốc thấp, ổn định sản xuất, việc làm, thu nhập cho thợ mỏ và an sinh xã hội trên địa bàn. Hai là, hiện nay, trên thế giới, nguồn than cung đang vượt cầu, có giá tốt, là thời điểm thuận lợi để từng bước thiết lập, đàm phán, đặt quan hệ lâu dài với các đối tác cung cấp than để khi thị trường phục hồi (thực tế là bắt đầu từ quý II/2016, giá than có chiều hướng tăng, cao hơn khoảng 5-10USD/tấn so với quý I) sẽ thuận lợi hơn việc duy trì hợp tác lâu dài cung cấp than cho nhu cầu trong nước sẽ tăng cao trong các năm tới.
Những bước chạy đà
Được Tập đoàn chỉ định làm đầu mối cho công tác nhập khẩu than, ngay từ năm 2010, nắm bắt nhu cầu than nhập khẩu trong tương lai, Ban Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu than (Coalimex) đã chỉ đạo và chủ động bố trí cán bộ chuyên trách để tìm hiểu thông tin liên quan đến các loại than, các khách hàng đang và sẽ sử dụng than nhập khẩu, các nhà cung cấp than và nguồn cung cấp than tiềm năng từ nhiều nước như Indonesia, Malaysia, Australia, Nga, Ukraina. Đồng thời, Công ty đã cử cán bộ chuyên trách nghiên cứu việc nhập khẩu thử nghiệm để tập dượt, chuẩn bị cho việc nhập khẩu than với số lượng lớn sau này. Sau những bước chuẩn bị cẩn trọng và kỹ lưỡng, Công ty đã nhập khẩu thử nghiệm than Á Bitum các loại từ Indonesia và Malaysia. Tất cả các chuyến hàng nhập khẩu trên đều được Coalimex thực hiện đảm bảo về số lượng, chất lượng cam kết với người mua. Hoạt động nhập khẩu than đã được Công ty thực hiện khá bài bản, dần tạo niềm tin và sự hài lòng cho khách hàng.
Với những người làm than ở Công ty Chế biến than Quảng Ninh, sau khi tìm hiểu đặc tính của các chủng loại than, nhận thấy nguồn than Anthraxit của Nga có nhiều đặc tính tương đồng với than Việt Nam, đạt một số tiêu chuẩn kỹ thuật để có thể pha trộn với nguồn than chất lượng xấu của TKV, Công ty đã chọn nguồn than của Nga. Năm 2014, Công ty đã nhập khẩu thí điểm 41.500 tấn than anthracite từ Liên bang Nga. Đây cũng là lô than đầu tiên có chất lượng cao được nhập khẩu về để pha chế, cung cấp cho thị trường nội địa, các nhà máy nhiệt điện, sẵn sàng đáp ứng một phần nhu cầu than cho điện khi nhu cầu nội địa tăng. Chất lượng than sau chế biến đảm bảo quy cách sản phẩm theo chủng loại than, đạt tiêu chuẩn chất lượng tương đương cám 5aHG, các chỉ tiêu chất lượng ở mức trung bình theo TCVN 8910:2011, giá cả phù hợp với nhu cầu sử dụng của thị trường, đã được bán cho một số nhà máy nhiệt điện đốt than theo hợp đồng TKV ký với các khách hàng. Năm 2016, Công ty xin Tập đoàn cho nhập khẩu 500.000 tấn than và số lượng sẽ tăng dần theo từng năm. Để phục vụ cho công tác này, bắt đầu từ tháng 11/2015, Công ty đã mở rộng thêm kho ở Khu công nghiệp Nghi Sơn (Thanh Hóa) với sức chứa 300.000 tấn. Dự kiến cuối năm 2016, đầu năm 2017, kho sẽ đi vào hoạt động. Trong tương lai gần, Công ty tiếp tục xây dựng kho than Vĩnh Tân để phục vụ cung cấp than cho Trung tâm Nhiệt điện Nghi Sơn.
“Nhập khẩu than với số lượng lớn một cách ổn định không hề đơn giản trong bối cảnh thị trường than thế giới ngày càng phức tạp, bởi phần lớn thị trường do các công ty Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… khoanh vùng nắm giữ. Ngoài việc chuẩn bị về tài chính và nguồn lực thì việc nhập khẩu thử nghiệm là hết sức quan trọng, tạo bước đệm cần thiết để tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm, từng bước thâm nhập thị trường nhập khẩu than thế giới, giảm thiểu những rủi ro khi thực hiện nhập khẩu than với số lượng lớn sau này”, ông Ngô Xuân Trường – GĐ Công ty – cho biết.
Cũng làm nhiệm vụ tương tự, quý I/2016, Công ty CP than miền Nam đã nhập khẩu 24.000 tấn than Atraxit từ Nga để pha trộn chế biến thành than cám 6a.1 và các chủng loại than khác theo phương án đã được TKV phê duyệt để giao cho Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải và cung cấp cho các hộ sử dụng khác. Trong thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục ưu tiên cho công tác chế biến và pha trộn than từ nguồn than nhập khẩu. Việc làm này, nhằm tạo cơ hội để Công ty đẩy mạnh khâu chế biến sâu, từng bước gia nhập thị trường than nhập khẩu ngày càng sâu rộng, tạo sự đa dạng nguồn than; tận dụng lợi thế nguồn than này, dần thay thế các chủng loại than mà Tập đoàn sẽ thiếu hụt để cung cấp liên tục cho các hộ sử dụng và bán ra thị trường với giá cả cạnh tranh.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nhap-khau-than-nhiem-vu-chien-luoc-20160928164805242.htm” button=”Theo vinacomin”]