Cuộc tổng đình công năm 1936 ở khu mỏ được báo chí đương thời và cả sau này nữa quan tâm sâu sắc. Có một nhà báo rất đặc biệt đến tận nơi đưa tin, viết bài, đó là đồng chí Võ Nguyên Giáp.
Tòa soạn báo báo Le Travail ở Hà Nội, nơi đồng chí Võ Nguyên Giáp làm việc. Ảnh tư liệu
Theo các tư liệu lịch sử và hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ngày 15-9-1936, do yêu cầu của Đảng, một số đảng viên và người có cảm tình Đảng đã xuất bản tờ báo Le Travail (Lao động). Le Travail là tờ báo do đồng chí Võ Nguyên Giáp là người sáng lập và cộng tác với đồng chí Nguyễn Thế Rục, là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, học viên Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản cùng nhau xuất bản. Toà soạn báo Le TraVail nằm tại số nhà 21 đường Henri donieans (nay là phố Phùng Hưng, Hà Nội). Tờ báo ra mắt độc giả ngày 16-9-1936 và duy trì được 7 tháng với 30 số báo. Tới ngày 16-4-1937, tờ báo bị nhà cầm quyền Pháp ra lệnh đóng cửa. Đồng chí Võ Nguyên Giáp vừa là biên tập viên chính của Le Travail, vừa là phóng viên đảm nhiệm nhiều đề tài.
Sau này Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ lại: “Suốt những năm đó (1935, 1936, 1937-CL): Nghề chính của tôi là dạy học ở trường Thăng Long, tôi cũng đã nộp đơn học trường luật nhưng phần lớn thời gian dành cho báo chí. Tôi làm hết các chân của nghề báo, từ viết xã luận, thời đàm, nghị luận, điều tra, phóng sự, biên tập, duyệt bài, sắp xếp nội dung… cho tới viết bố cục, lên trang, trình bày, đưa nhà in, sửa bản bông và không ít khi làm cả việc phát hành báo”.
Cuộc tổng đình công của công nhân mỏ ngày 12-11-1936, đồng chí Võ Nguyên Giáp đi xe đạp từ Hà Nội đến Cẩm Phả, ở lại vùng mỏ để đưa tin, viết bài gửi về toà soạn báo Le Travail. Tin, bài của đồng chí Võ Nguyên Giáp gửi về báo đăng thường xuyên. Riêng báo Le Travail số ra ngày 27-11-1936 dành nhiều trang để đăng các tin, bài tường thuật cuộc tổng đình công. Mở đầu bài báo là lời kêu gọi.
Hỡi anh chị em!
Chúng ta làm lụng trong cực khổ, lương không đủ sống
Chúng ta không muốn chết đói, chết bệnh
Vậy tất cả hãy bãi công
… … … … … …
… … … … … …
Hãy tỉnh táo! Đừng mắc mưu…
Kỷ luật và đồng tâm, chúng ta sẽ thắng
Báo đã kịp thời biểu dương tinh thần đoàn kết, đồng cam cộng khổ để đấu tranh giành thắng lợi. Thắng lợi của cuộc tổng bãi công đã góp phần quan trọng khẳng định vai trò, sứ mệnh lịch sử, đặc điểm của giai cấp công nhân Việt Nam trong tiến trình cách mạng, nâng cao vị thế của công nhân Đông Dương trên trường quốc tế. Báo Le Travail ngày 6-12-1936 nhận định: “Từ nay, không còn ai dám nói thợ thuyền Đông Dương không phải là một giai cấp anh dũng, một giai cấp tổ chức và kỷ luật”.
Nhận định cuộc tổng đình công của công nhân mỏ, báo Le Travail viết: “Đấu tranh bình tĩnh và kỷ luật, đấu tranh với một ý chí không gì lay chuyển nổi của giai cấp vô sản. Đấy là đặc tính chủ yếu đã toát ra trong cuộc bãi công đáng khâm phục của Cẩm Phả. Lần đầu tiên ở Đông Dương, giai cấp vô sản đã đạt được một số thắng lợi rực rỡ. Lần đầu tiên, kỷ luật vô sản đã thắng sự kháng cự của bọn chủ. Cuộc tổng đình công của công nhân mỏ giành thắng lợi đây là cuộc đình công lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam năm 1936”.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tin-tuc/dai-tuong-nha-bao-cach-mang-vo-nguyen-giap-voi-cuoc-tong-dinh-cong-nam-1936-201611071551203655.htm” button=”Theo vinacomin”]