Có thể nói không quá như thế bởi rất nhiều các gia đình thợ mỏ qua các thế hệ ở Mạo Khê đã tự nguyện chọn theo nghiệp mỏ – một nghề đặc thù nhiều gian khổ, vất vả nhưng cũng đầy vinh quang và tự hào. Dù họ được sinh ra ở vùng than hay một miền quê khác, song nghề mỏ đã được họ lựa chọn là “nghiệp” của mình và chọn Công ty Than Mạo Khê là nơi gắn bó, coi đây là mảnh đất lành để họ “an cư lạc nghiệp”.
Trực tiếp đi gặp gỡ những đại gia đình nhiều người theo nghề mỏ mới thấy được có nhiều tình cảm rất đáng quý trọng. Trong căn nhà 2 tầng ở khu Công Nông, phường Mạo Khê, thị xã Đông Triều, tôi được gặp hai thế hệ thợ mỏ sinh sống dưới một mái nhà: bác Phạm Tuyển Quang và con trai là anh Phạm Tuyển Trung. Bác Quang kể cho tôi nghe về gia đình ba đời thợ mỏ. Bố bác là thợ lò của mỏ Mạo Khê từ năm 1956 đến năm 1972. Mẹ bác từng là công nhân phục vụ của mỏ. Hai anh trai và em trai của bác cũng đã từng làm việc trong ngành Than. Bác là thợ lò của Công ty than Mạo Khê từ năm 1981- ngay sau khi rời quân ngũ. Năm 2005, bác nghỉ chế độ. Từng là thợ giỏi, tay nghề vững của Phân xưởng Khai thác 8 nên những kinh nghiệm của bác được anh Trung tiếp thu và áp dụng hiệu quả trong sản xuất. Hiện anh Trung là Tổ trưởng Tổ vận tải Phân xưởng Vận tải 1 và là một bí thư chi đoàn năng động. Anh tâm sự: “Truyền thống của gia đình, những kinh nghiệm quý báu của bố chính là động lực để mình thấy yêu nghề và gắn bó hơn với công việc”.
Còn anh Lãnh Huy Hiệp – công nhân Phân xưởng Đào lò số 1 lại đặc biệt hơn bởi gia đình anh có 4 thế hệ gắn bó với mỏ Mạo Khê. Cụ nội anh đã từ Hải Dương ra vùng Mỏ làm than. Ông nội anh vào Mỏ Mạo Khê từ những năm đầu tiếp quản. Khi ấy, ông là người đã có công kèm cặp giúp đỡ nhiều thế hệ công nhân mới vào nghề. Bố anh là thợ lò từ năm 1983 và đã về nghỉ chế độ năm 2015. Sau khi tốt nghiệp lớp công nhân kỹ thuật, năm 2006, anh được nhận vào làm việc tại Công ty than Mạo Khê. Vừa làm, vừa học, năm 2009 anh đã tốt nghiệp Đại học chuyên ngành khai thác hầm lò. Hiện, anh là công nhân bậc 6/6. Vợ anh – chị Đào Thị Nga là công nhân Phân xưởng Điện. Hai vợ chồng anh đều là những công nhân tay nghề giỏi, có tinh thần trách nhiệm cao. Với anh Lãnh Huy Hiệp thì sinh ra ở vùng Than và trong gia đình thợ mỏ nên lựa chọn nghề mỏ là “sự lựa chọn của trái tim”.
Gia đình anh Nguyễn Tiểu Minh hiện đang sinh sống ở khu Quang Trung, phường Mạo Khê, thị xã Đông Triều. Ông nội anh vào Mỏ từ năm 1954, khi Mỏ Mạo Khê bắt đầu được khôi phục. Đến năm 1963, ông về nghỉ chế độ. Bà nội anh từng là công nhân nhà sàng. Bố anh là thợ lò của Mỏ Mạo Khê từ năm 1961 đến năm 1990. Năm 2000, anh được tuyển vào làm công nhân mỏ. 16 năm gắn bó với nghề, anh được nhiều người biết đến bởi những thành tích đáng ghi nhận trong công việc. Từ năm 2010 đến nay anh đều là chiến sĩ thi đua cơ sở. 5 năm qua anh đều đạt danh hiệu Lao động giỏi với mức thu nhập cao trong Công ty. Anh đã đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp Tập đoàn và cấp Bộ Công Thương. Năm 2011, anh được nhận Bằng khen của Bộ Công Thương. Tháng 9/2016 vừa qua, anh đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất giai đoạn 2011-2015. Hiện anh là Tổ trưởng Tổ lò chợ số 2 – Phân xưởng Khai thác 10. Với anh Nguyễn Tiểu Minh thì mức thu nhập cao đã giúp anh có thể chăm lo tốt cho tổ ấm với người vợ làm nội trợ và hai con trai đang học phổ thông. “Nghề mỏ vất vả thật đấy, nhưng nếu mình yêu nghề, mình cố gắng thì sẽ nhận được thành quả thật xứng đáng” – anh Nguyễn Tiểu Minh tâm sự.
Còn với em Trần Phi Long – sinh viên lớp Khai thác K58 trường Đại học Mỏ Địa chất thì nghề mỏ là công việc mà em yêu thích ngay từ khi còn học phổ thông. Nhà em ở khu Công Nông, phường Mạo Khê, thị xã Đông Triều. Hai bố mẹ em đều là thợ cơ điện bậc 7/7 của Công ty than Mạo Khê. Em mong muốn sau khi ra trường sẽ được làm việc ở công ty của bố mẹ. Ông bà ngoại em cũng từng làm việc và gắn bó với Mỏ Mạo Khê. Chị gái em đang làm việc tại Công ty than Uông Bí, anh rể em là công nhân Công ty Xây dựng mỏ Hầm lò II. Mỗi lần gia đình sum họp thì những câu chuyện lại xoay quanh tình hình sản xuất kinh doanh của ngành Than, của các công ty trong Ngành. Long đùa vui: “Nếu em không chọn học nghề này, chắc em sẽ bị “bỏ rơi” trong các câu chuyện của gia đình mất. Học xong mà được nhận vào ngành Than, chắc những câu chuyện em góp vui với gia đình còn hay hơn nhiều”.
Có gặp gỡ và nghe chính những con người trong các đại gia đình thợ mỏ chia sẻ về quá trình gắn bó với nghề, với vùng Mỏ và với Than Mạo Khê mới thấy sự lựa chọn của họ không chỉ vì “miếng cơm manh áo” mà còn bởi tình cảm sâu nặng với vùng đất này và với công việc dù nhiều vất vả, lắm gian nan nhưng cũng rất đỗi vinh quang và tự hào. Đó là những sự lựa chọn dũng cảm và rất đáng trân trọng. Trong câu chuyện của mỗi người đều được chia sẻ bằng một niềm vui, niềm tự hào khi được đứng trong đội ngũ của những người thợ mỏ giàu truyền thống. Và họ đều gửi gắm một niềm tin kiên định, tin tưởng vào sự phát triển, lớn mạnh từng ngày của Công ty than Mạo Khê.
Vượt qua bao gian khó và thử thách, với truyền thống hơn 60 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ thợ mỏ Công ty than Mạo Khê đã phát huy tốt tinh thần “đoàn kết – kỷ luật – đồng tâm” để xây dựng khu mỏ lớn mạnh như ngày nay. Chính những người công nhân ấy, những đại gia đình có truyền thống gắn bó với nghề mỏ ấy, bằng bàn tay và khối óc, bằng lòng yêu nghề và trách nhiệm đã, đang và sẽ sẵn sàng lao động hăng say ngày đêm để sản xuất ra những tấn vàng đen cho Tổ quốc thân yêu, tiếp tục viết nên những trang sử tự hào về truyền thống của Than Mạo Khê nói riêng và cho đất mỏ Quảng Ninh anh hùng nói chung.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/su-lua-chon-cua-trai-tim-201611092355144946.htm” button=”Theo vinacomin”]