Không ai khác, đó chính là nguyên Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dương Văn Hòa. Gian nan, vất vả, khổ cực… dường như không từ ngữ nào có thể nói lên sự gian khó trong những ngày đầu làm Bô-xít. Nó trở thành ký ức sâu đậm trong tâm trí ông, để rồi khi ánh đèn nhà máy Alumin Tân Rai và Nhân Cơ rực sáng, ông là người vui sướng nhất.
Kỷ niệm về những ngày đầu làm bô-xít được ông trải lòng chia sẻ với phóng viên. Ông nhớ lại: Khi Chính phủ và các Bộ, Ban, Ngành đồng ý cho Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam thăm dò và triển khai khai thác bô-xít, sản xuất alumin, ông là người đầu tiên được Tập đoàn giao nhiệm vụ chỉ đạo triển khai các bước công việc để tiến hành thăm dò và khai thác bô-xít tại Tây Nguyên. Vạn sự khởi đầu nan. Cái “nan” đầu tiên chính là việc thay đổi môi trường làm việc. Bởi khi đó, anh em đã quen làm mỏ lâu năm, hầu như chưa ai có suy nghĩ đi tỉnh khác làm việc. Việc đến Tây Nguyên xây dựng nền công nghiệp mới trở thành vấn đề nan giải. Giải quyết vấn đề này, Phó Tổng Dương Văn Hòa đã đề xuất tổ chức một cuộc hội thảo rộng rãi tới đông đảo cán bộ, công nhân viên các đơn vị khai thác, chế biến, kinh doanh than vùng Quảng Ninh. Tại đây, ông và các nhà khoa học, các vị lãnh đạo của Tập đoàn đã làm công việc đầu tiên, đó là giới thiệu về công nghệ khai thác bô-xít, sản xuất alumin tới tất cả những người trong hội nghị. Sau đó, ông cùng các lãnh đạo Tập đoàn vận động công nhân cán bộ các đơn vị, những người thanh niên tình nguyện để thành lập bộ máy hoạt động. Kết quả là, ngay sau cuộc vận động, ngay cả các vị lãnh đạo các đơn vị đang có chức vụ cũng tình nguyện cùng với nhiều thợ mỏ trẻ tình nguyện đến vùng đất mới lập nghiệp và triển khai công việc để gây dựng ngành công nghiệp hoàn toàn mới mẻ trên vùng đất Tây Nguyên. Đây là một bước đi khá gian nan nhưng thành công đã ngoài dự kiến.
Vấn đề nhân lực tạm thời ổn thỏa, ông Hòa cùng các đồng nghiệp “Tây Nguyên tiến”, bắt tay vào chinh phục khí hậu miền đất đỏ đầy nắng và gió. Khác với Quảng Ninh, Tây Nguyên chỉ có hai mùa: Mùa mưa và mùa khô. Khởi sự từ Ba Không: Không nhà – Không người thân – Không kinh nghiệm sống, ông luôn trăn trở với câu hỏi: Làm thế nào để triển khai được dự án lớn trên chục ngàn tỷ đồng trong điều kiện mọi thứ còn mới mẻ như vậy? Với tinh thần quyết đoán, ông Hòa và các đồng sự không quản ngại khó khăn, lăn lộn đêm ngày trên vùng đất mới. Nhà không có thì đi thuê và xây dựng các mối quan hệ với địa phương. Kinh nghiệm thì cũng từ đó mà ra. Ông thực hiện “ba cùng” với anh em và động viên anh em khởi nghiệp, mở đường cho nền công nghiệp khai thác bô-xít tại Tây Nguyên. Ông chủ động tiếp xúc, làm cầu nối giữa các đồng chí lãnh đạo địa phương, lãnh đạo Đảng và Nhà nước với đơn vị, vừa giải thích vừa tuyên truyền với nhân dân để thực hiện nhiệm vụ. Đây cũng là một trong những việc làm khó khăn bởi người dân Tây Nguyên cũng còn quá lạ lẫm với những ý tưởng này. Bên cạnh đó, không phải ai cũng hiểu rằng, việc triển khai dự án khai thác bô-xít trên vùng đất Tây Nguyên là một trong những việc làm cần thiết trong cả xây dựng kinh tế và bảo vệ quốc phòng an ninh.
Vừa làm công tác tư tưởng với anh em Thợ mỏ từ vùng Quảng Ninh vào Tây Nguyên, vừa tuyên truyền vận động nhân dân địa phương, vừa làm các thủ tục để triển khai dự án, ông Dương Văn Hòa đã nỗ lực chỉ đạo cỗ máy hoạt động liên tục. Có lúc mấy tháng trời ông thường xuyên ở Tây Nguyên vì công việc quá bận rộn. Rồi những khó khăn thử thách cũng dần qua đi, nhà máy alumin Tân Rai đã dần mọc lên sáng cả một vùng Tây Nguyên. Những máy móc thiết bị được đưa vào khai thác, những tấn alumin trắng mịn được ra lò trong niềm vui khôn xiết của những người thợ mỏ. Không dừng lại ở đó, với những thành công bước đầu của nhà máy alumin Tân Rai, Tập đoàn rút kinh nghiệm tiếp tục triển khai dự án tại Nhân Cơ, Đắk Nông. Giờ đây, nhà máy cũng đã cơ bản hoàn thành và đưa vào vận hành mở ra những kỷ nguyên mới của ngành công nghiệp khai thác bô-xít, sản xuất alumin, nhôm của Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế đất nước.
Vị Phó Tổng – một trong những người đặt những viên gạch đầu tiên cho bô-xít nay đã nghỉ chế độ. Nhưng với khát khao cháy bỏng về một nền công nghiệp bô-xít – Nhôm, ông Hòa vẫn thường xuyên theo dõi và quan tâm đến những bước đi của ngành công nghiệp mới mẻ này tại Tây Nguyên. Trong ông vẫn một niềm tin và mong mỏi Việt Nam sớm sản xuất được nhôm thỏi để phục vụ phát triển đất nước.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/mo-duong-bo-xit-201611121814179959.htm” button=”Theo vinacomin”]