“Uốn cây từ thủa còn non” câu ca dao dân gian xưa cho thấy tầm quan trọng của việc định hướng phát triển từ những ngày đầu đời. Gắn với những ngày thành lập Tổng Công ty Than Việt Nam, một trong số những bàn tay định hướng phát triển ngành Than – Khoáng sản Việt Nam là Kỹ sư kinh tế mỏ Đào Quốc Quang.
Tâm sự về sự ra đời của Tổng Công ty Than Việt Nam, ông vẫn tự hào rằng: Đó là một việc làm đúng thời điểm, phù hợp với chủ trương đổi mới mà Đảng và Nhà nước đề ra sau Đại hội VI năm 1986. Ông kể, hồi đó, chủ trương ban đầu chỉ thành lập Tổng Công ty Than Quảng Ninh, tức chỉ quản lý khai thác than vùng Quảng Ninh. Nhưng Ban lãnh đạo đã đề nghị Chính phủ thành lập Tổng Công ty Than Việt Nam và đưa ra mục tiêu kinh doanh đa ngành trên nền sản xuất than. Thời gian đầu chuyển đổi kinh doanh đa ngành, Tổng Công ty cũng gặp không ít khó khăn. Ví như ta làm xi măng, giầy da hay thủy tinh ở Cẩm Phả; lắp ráp ô tô ở Chu Lai… cũng đều không thành công. Điều đó cũng làm không ít người nao núng, e ngại với mục tiêu kinh doanh đa ngành. Vừa làm vừa rút ra kinh nghiệm, Tổng Công ty đã khẳng định khó có thể làm theo hình thức liên doanh vì như vậy ta thường bị phụ thuộc quá nhiều vào đối tác.
Chính trong thời điểm này, ông Quang là một trong những người đầu tiên đưa ra vấn đề về sắp xếp, bố trí lại ngành Than cho phù hợp với thực tế phát triển của nền kinh tế. Không chỉ tập trung phát triển vào một số ngành chính, ông cùng các lãnh đạo Tổng Công ty chỉ đạo các đơn vị đầu tư chiều sâu trong khai thác mỏ để không ngừng nâng cao sản lượng than cung cấp cho nền kinh tế. Chiều sâu ở đây là cả 2 nghĩa: Vừa đưa mỏ xuống sâu, mở rộng, vừa đầu tư đổi mới công nghệ hiện đại hơn, nâng năng suất và sản lượng cao hơn. Những năm đó công nghệ khai thác than hầm lò của ta còn hạn chế, năng suất thấp, chi phí lớn, lượng gỗ trụ mỏ cao. Chính ông là người đích thân lặn lội sang Lào để tìm mua gỗ trụ mỏ. Khi chưa đổi mới công nghệ thiếu gỗ trụ mỏ cũng là nguyên nhân không nâng được công suất mỏ. Nhưng gỗ đưa từ Lào về chi phí vận tải quá cao. Không có đường lùi, Tổng Công ty chỉ đạo các đơn vị đổi mới công nghệ chống lò. Từ chống lò bằng gỗ đổi sang chống bằng vì sắt rồi sang chống bằng cột thủy lực đơn, bằng các loại giàn chống; từ khấu than bằng nổ mìn chuyển sang khấu bằng máy Combai… Điều này đã đưa ngành Than sớm đạt và vượt kế hoạch sản lượng mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đề ra. Từ sản xuất manh mún, sản lượng thấp và nạn khai thác than thổ phỉ hoành hành, việc chủ động về công tác cán bộ trong đầu tư kết hợp với cơ chế quản lý đúng hướng đã đưa ngành Than phát triển vượt bậc và có những con số đáng tự hào. Và với tầm nhìn sâu rộng, sau khi sáp nhập cả ngành Khoáng sản và Cơ khí cùng với phát triển nhiều ngành nghề khác như Điện, Vật liệu nổ công nghiệp, Dịch vụ… Than – Khoáng sản Việt Nam đã trở thành một Tập đoàn kinh tế quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.
Ba mươi tám năm gắn bó với ngành Than, giờ đây, khi đã về nghỉ chế độ, ông Đào Quốc Quang vẫn chưa thực sự ngơi nghỉ. Ông vẫn thường xuyên theo dõi và cổ vũ tiến trình phát triển của Ngành. Nguyên ủy viên Hội đồng quản trị, Phó Tổng Giám đốc đầu tiên của Tập đoàn gửi gắm mong muốn, TKV sẽ tiếp tục mở thêm nhiều mỏ hiện đại hơn nữa, đáp ứng sản lượng ngày càng cao cho nhu cầu của nền kinh tế.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nguoi-gop-cong-nan-duong-cho-nganh-than-201611121820590183.htm” button=”Theo vinacomin”]