Cho đến giờ, trong tâm trí cụ Nguyễn Ngọc Đàm, nguyên Chủ tịch Ủy ban hành chính khu Hồng Quảng vẫn còn vẹn nguyên những ký ức về một thời hoa lửa. Dù mái tóc đã bạc phơ, nước da nhăn đã điểm đồi mồi, nhưng hễ cứ nhắc đến câu chuyện giải phóng khu mỏ năm nào, nét mặt cụ lại trở nên tươi tỉnh với nụ cười rạng rỡ. Cụ kể lại rõ ràng, rành mạch đến từng chi tiết….
Cụ Đàm ngày ấy giữ nhiều chức vụ to lắm, nào là Phó Bí thư, Quyền Bí thư Đặc ủy khu Hồng Gai, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến khu Hồng Gai, rồi Phó Bí thư Khu ủy. Hai chức vụ sau này là Chủ tịch Ủy ban Hành chính khu Hồng Quảng (1952-1961) và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh (1961 – 1980). Cụ bảo, đấy là những ngày vô cùng khó khăn. Sau hòa bình lập lại (1954), Hiệp định Giơnevơ được ký kết, miền Bắc nước ta được giải phóng nhưng đến 30/10/1954 mới chỉ có Mỏ than Mạo Khê được giải phóng, còn hầu hết các mỏ than vùng Hòn Gai, Cẩm Phả nằm trong vùng tập kết 300 ngày của quân Pháp trước khi rút quân. Tài nguyên ở các mỏ lộ thiên, hầm lò thực dân Pháp khai thác đã dần cạn kiệt, lại bị tàn phá do chiến tranh và chủ yếu khai thác bằng thủ công. Cả một dây chuyền sản xuất không đồng bộ cùng với bọn gián điệp, tay sai của Pháp cài lại, lợi dụng lúc ta khó khăn ngấm ngầm phá hoại hầm mỏ, nhà máy…
Cụ Nguyễn Ngọc Đàm lúc bấy giờ là Quyền Bí thư Đặc khu ủy Hòn Gai kiêm Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Hành chính. Cụ nhớ lại một kỷ niệm sâu sắc khi được Bác Hồ gọi lên báo cáo. Bác rất quan tâm đến sản xuất của ngành Than và đã khen ngợi tinh thần đấu tranh của công nhân mỏ, đặc biệt là công nhân mỏ Cẩm Phả. Bác giao nhiệm vụ phải bảo vệ máy móc, thiết bị chống việc di chuyển và phá hoại của Pháp, đồng thời chống cưỡng ép di cư vào Nam, bảo vệ lực lượng công nhân và máy móc để khi tiếp quản bắt tay vào sản xuất được ngay. Từ chỉ đạo của Bác, công nhân, cán bộ khu Mỏ đã thực hiện thắng lợi cuộc đấu tranh bảo vệ hầm mỏ, nhà máy, chống di chuyển máy móc ra khỏi mỏ và nhanh chóng phục hồi các nhà máy điện, nhà máy cơ khí, nhà máy sàng và các đường lò đã bị đánh sập, sửa chữa máng rót than, đặt lại đường ray… Với tinh thần bất khuất kiên cường, chủ động sáng tạo, cần cù chịu khó của công nhân Vùng Mỏ, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đồng lòng nhất trí, đấu tranh chống phá hoại của địch và khôi phục lại sản xuất. Đến ngày 25/4/1955, hàng ngàn công nhân mỏ cùng với nhân dân dọc đường Cửa Ông, Cẩm Phả, Cọc 5, Hồng Gai hân hoan đón chào đoàn quân giải phóng tiếp quản khu Mỏ. Từ đây, khu Mỏ đã về tay giai cấp công nhân quản lý, những người thợ mỏ bắt tay vào sản xuất than với tâm thế mới của “Người chủ”. Ngày 15/5/1955, Xí nghiệp quốc doanh Than Hồng Gai được thành lập, các vùng mỏ Hồng Gai, Cẩm Phả, Mạo Khê dần dần được khôi phục và đi vào sản xuất ổn định từ cuối năm 1955. Và trong thời kỳ chiến tranh ác liệt chống giặc Mỹ, công nhân, cán bộ ngành Than vừa bám trụ sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Vùng Mỏ, vì mục tiêu “Sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc”, đáp ứng than cho các ngành kinh tế trong nước và xuất khẩu, góp phần quan trọng xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Quảng Ninh.
Câu chuyện của cụ Nguyễn Ngọc Đàm cũng như những người có mặt trong trong giai đoạn đầy cam go, biến cố ấy khiến thế hệ hôm nay thêm hiểu, thêm trân trọng cái giá của nền độc lập hòa bình không dễ có được. Và hôm nay đây, khi ngay Truyền thống ngành Than 12-11 lịch sử đang đến gần, câu chuyện của cụ như nhắc nhở mỗi người hãy ngẩng cao đầu, sống và cống hiến cho quê hương, xứng đáng với truyền thống của Vùng mỏ anh hùng.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/vung-mo-trong-trai-tim-toi-201611121826355242.htm” button=”Theo vinacomin”]