Trước khi gặp ông, tôi vẫn nghe những người trong Ngành ngợi ca rằng, cái thời của ông là một thế hệ vàng của TKV, là những người mà dù năm tháng có đi qua, thì những gì để lại cho hôm nay vẫn là một nền tảng vững chắc, được xây lên bằng tâm huyết, trí tuệ và cả tình yêu với ngành Than – Khoáng sản. Trái ngược với những gì đã nghe về ông: vui tính, cười như pháo rang… ông kiệm lời đến độ, tôi khó khăn khi đặt bút viết. Chất liệu làm nên chân dung ông Nguyễn Văn Quế – nguyên Giám đốc Công ty Than nội địa (nay là Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc) chính là, khí chất và bản lĩnh một con người của hành động….
Dấu ấn hình sin….
Gần 40 năm gắn bó với ngành Than, và cũng từng ấy năm ông làm việc ở Than Nội địa. Mọi người gọi ông với cái tên thân mật là “Quế Nội địa”, còn ông thì ví von rằng, sự nghiệp của ông chẳng khác nào một hình sin theo đúng nghĩa. Bởi khi ông làm lãnh đạo, trong 6 năm chèo lái (từ 1999 – 2005), là lúc Than Nội địa ở cái thời gian khó nhất, từ đáy của hình sin cho đến đỉnh của vinh quang. Ông nhớ lại, những năm 1999, khi Than Nội địa rơi vào cơn bĩ cực, tưởng chừng không thể vượt qua. Giá than xuống thấp, đời sống công nhân viên khó khăn…
Lúc bấy giờ, ông được giao “cây gậy điều hành” trong lĩnh vực này, cơ hội thì ít mà thách thức thì vô số. Rất nhiều những câu hỏi đặt ra xung quanh chuyện bán than, giá cả và cuộc sống mưu sinh của biết bao con người, bao gia đình. Nhắc đến điều này, ông chia sẻ: Thành thực lúc bấy giờ, khó khăn triền miên. Ý tưởng của ông Kiển, ông Bảng, tôi đã nỗ lực ứng dụng tất cả vào sản xuất kinh doanh bằng một tinh thần quyết liệt và kịp thời nhất. Đã có giai đoạn, đặc biệt là năm 1999 đến 2000, Công ty đứng trên bờ vực phá sản, chúng tôi dường như căng sức để chống đỡ, lúc nào cũng bộn bề lo toan. Rồi sau rất nhiều giải pháp, cái “hình sin” cũng dần dần hướng lên trên, đến hết năm 2000 khó khăn giảm dần đi và rồi cứ thế theo đà phát triển, càng ngày công việc càng suôn sẻ, kinh doanh có lãi, doanh thu từ mấy chục tỷ lên tới hàng nghìn tỷ. Đặc biệt, đến năm 2005, Công ty được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động – vỡ òa niềm vui của những tháng ngày phấn đấu…
-Than Nội địa từ thời của ông đã là Công ty đa ngành nghề, các đơn vị phân tán ở nhiều vùng miền. Khó khăn lớn nhất, hẳn là vấn đề quản lý, điều hành sao cho ổn định? – tôi hỏi.
-Đúng vậy. Nhưng làm được điều ấy với tôi cũng khá nhẹ nhàng. Bởi quan điểm của tôi là luôn biết giao quyền quyết định cho các giám đốc điều hành của từng nhà máy, xí nghiệp. Là thủ lĩnh không có nghĩa là tôi làm mọi việc có thể mà là tin vào những người cộng sự, để họ chứng tỏ bản lĩnh, trình độ trước khó khăn” – ông Quế nhấn mạnh.
Đa ngành – “cứu cánh” thời suy thoái
Trò chuyện với ông Quế, quân át chủ bài “đa ngành” đã thực sự là nút thắt tháo gỡ được khó khăn Than Nội địa một thời. Sự tài tình ấy hẳn nhiên là từ những người lãnh đạo như ông Kiển, ông Bảng và cho đến ông Quế. Có những khoảnh khắc chỉ có thể là trong tích tắc, bằng những quyết định đột phá và mang tầm chiến lược làm thay đổi hoàn toàn cục diện lúc đó.
Từ năm 1986, đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường, doanh nghiệp tự lực cánh sinh cũng là lúc Than Nội địa dần rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt là khi ông Quế làm Giám đốc, từ 120 nghìn tấn than xuống đến 30 nghìn tấn, lượng người từ 1000 người rút xuống còn 600 người, hàng không bán được, phải bán kiểu từng thúng một, công nhân viên không có việc làm, đời sống khó khăn chồng chất. Ông Đoàn Văn Kiển – Giám đốc Công ty lúc bấy giờ đã đưa ra quyết định kinh doanh “đa ngành” để cứu cánh cho Than Nội địa. Khi áp dụng vào thực tiễn chủ trương đó, ông Quế thực hiện “đa ngành” và thêm sự “chọn lọc” – tức là chọn những ngành hợp lý, tận dụng lượng lao động dư thừa và có sự liên kết với các ngành khác, tránh lãng phí. Theo đó, có 3 nhà máy xi măng ra đời là xi măng La Hiên, xi măng Quán Triều và xi măng Tân Quang. Rồi từ các nhà máy xi măng lại hình thành thêm nhà máy sản xuất vỏ bao xi măng, từ nhà máy cơ khí lại mở thêm nhà máy sửa chữa, vật tư, xí nghiệp xây dựng… Cách thức mà các ông mở mang và thúc đẩy sản xuất lúc bấy giờ quả thực rất hiệu quả. Thế nên, câu chuyện đa ngành dù đến nay, theo chủ trương của Nhà nước là không khuyến khích nhưng với ngành Than thời đó, nó vẫn được nhắc đến như một “bí kíp” cứu sống Than Nội địa và ông Quế là một mắt xích quan trọng làm nên thành công ấy. “Và hơn thế nữa, nếu không có 3 nhà máy xi măng giai đoạn ấy thì đến nay, Than Nội địa không thể trở thành một Tổng Công ty công nghiệp mỏ Việt Bắc như bây giờ” – ông Quế khẳng định.
Đọng lại ở Than nội địa vẫn là chữ tình
Đến bây giờ khi kể lại chuyện xưa cũ, khi ông còn là Giám đốc Công ty xi măng La Hiên, ông Đoàn Văn Kiển, khi đó đang là Giám đốc Công ty Than Nội địa đã gọi ông lên và bàn giao cho ông hàng trăm công nhân từ mỏ Than Na Dương về Công ty Xi măng La Hiên. Lúc đầu ông cũng từ chối vì quả thực lúc đó, lượng lao động này là một gánh nặng không thể gật đầu đón nhận. Nhưng khi ông Đoàn Văn Kiển tha thiết: “Thôi ông thương lấy tôi…”, ông Quế đã nhận lời ngay. Gánh nặng lo miếng cơm manh áo cho hàng trăm lao động, cả những người chưa một ngày làm về kỹ thuật, chưa kể, sau đó, một số lao động ở các mỏ than Núi Hồng, Khánh Hòa… cũng được điều chuyển về đơn vị ông phụ trách. Ông bắt đầu đào tạo họ với nhiệm vụ mới, điều chỉnh từng công việc một cách khoa học và hợp lý… Quả thực, đôi khi những quyết định quan trọng lại được bật ra trong tích tắc. Và chỉ vì tích tắc ấy lại phải nỗ lực trên cả sức mình.
Nhưng khi nhắc về “một thời để nhớ”, ông Quế không nhận những gì mình đã làm cho Than Nội địa là công lao gì to lớn. Ông chỉ khẳng định một điều đáng trân quý, đó là tình người ở đây. Ông bảo rằng, đọng lại ở Than Nội địa xưa và cả nay vẫn là chữ tình. Ngày ấy, ông gạt qua mọi trở ngại vì câu nói của người đồng nghiệp, bởi ông biết người nói với ông cũng chỉ vì lo cho người lao động, những nỗ lực của ông cũng vì biết bao người đã gắn bó bằng tình yêu và trách nhiệm với Công ty… Có lẽ vì thế, dù bây giờ ông đã nghỉ hưu nhưng anh em ở công ty vẫn nhớ đến. Ông vẫn thường xuyên được mời dự các chương trình của đơn vị, gặp gỡ các anh em bạn bè với những ân tình, yêu thương… Đối với những người đã tạm dừng lại cuộc hành trình cống hiến cho sự nghiệp thì chút ân tình ấy của thế hệ trẻ hôm nay thật đáng quý làm sao.
Trong ngôi nhà khang trang, sự đầy đủ và bình an, chúng tôi nhìn thấy một con người từng kinh qua không ít gian khó ấy, bây giờ đang vui vầy bên người bạn đời, an nhiên sống với con cháu, để hưởng thụ cuộc sống. Đó cũng là phần thưởng xứng đáng cho người đã sống trọn đời mình với công việc, hoàn thành sứ mệnh của người cầm lái tận tụy con thuyền Than Nội địa một thời.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nguoi-dem-lai-suc-song-moi-cho-than-noi-dia-201611121829346453.htm” button=”Theo vinacomin”]