Đã có nhiều bài viết đầy mỹ từ và cảm xúc về ông đăng trên các báo quân đội, doanh nhân…còn chúng tôi chỉ muốn gọi ông với cái tên trìu mến – người Anh hùng của lính thợ. Ông là Thiếu tướng Phạm Ngọc Tuyển, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đông Bắc – một trong ba nhà quản lý của ngành Than được phong danh hiệu Anh hùng Lao động
Tầm nhìn và bản lĩnh
Thiếu tướng Phạm Ngọc Tuyển được phong Anh hùng Lao động vào cuối năm 2015, thời điểm ngành Than gặp muôn vàn khó khăn từ thị trường lại vừa chống chọi với trận mưa lũ hiếm thấy trong lịch sử. Khó ai có thể quên được hình ảnh các chiến sỹ Đông Bắc vừa giữ mỏ vừa thông đường, vừa đội mưa cứu dân, để có nhà báo thốt lên đầy thán phục “Tôi tìm thấy lửa ấm trong mưa!”… Nhắc lại chuyện này trong ngày thu dịu nắng, vị Tướng của Lính thợ Đông Bắc cho rằng, đó chính là chức năng “đội quân công tác” trong ba chức năng “đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân sản xuất” của những người Lính trên mọi mặt trận. Ông cho rằng “Lính thợ Đông Bắc chúng tôi đã làm nên những kỳ tích, biến những điều không thể thành có thể bởi chúng tôi mang trong mình phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ hòa quyện với Truyền thống Kỷ luật và Đồng tâm của những người Thợ mỏ”. Chỉ giản dị vậy thôi nhưng tin chắc bất cứ ai làm việc trong ngành Than – một ngành được ví như “quân đội đánh giặc” thì thấm thía hơn cả, đằng sau vẻ lấp lánh của một Danh hiệu cao quý là cả một hành trình nhọc nhằn, gian khổ và hy sinh, nhất là ở một Đơn vị “khó đủ bề” như Đông Bắc. “Phải bao máu thấm trong lòng đất/ Mới ánh hồng lên sắc tự hào”.
Hơn 40 năm quân ngũ, hơn hai thập kỷ gắn bó với Tổng Công ty Đông Bắc, Thiếu tướng Phạm Ngọc Tuyển đã đồng hành tròn trịa cùng lịch sử vẻ vang của Đơn vị mang tên một vùng trời thân yêu Tổ quốc. Ông đã dành trọn tình yêu thương, tâm huyết, sức lực, trí tuệ của mình góp phần cùng tập thể cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên chức, người lao động làm nên một Tổng Công ty Đông Bắc Anh hùng với những bước tiến vượt bậc. Từ một đơn vị sinh sau đẻ muộn, tài nguyên nhỏ lẻ phân tán, sản lượng thấp, công nghệ sản xuất đơn giản, giờ đây Đông Bắc đã hội tụ sức mạnh vươn tới tầm vóc binh đoàn kinh tế hùng mạnh và lan tỏa không chỉ trong sản xuất than, khoáng sản rắn mà đã thành công với vai trò là nhà thầu trong thi công các công trình kết cấu giao thông, nhiệt điện, công nghiệp và dân dụng, các công trình QPAN quan trọng của đất nước. Từ một Người lính rời đơn vị chiến đấu bước chân vào lĩnh vực kinh tế với khát vọng làm giàu cho đất nước, TGĐ Phạm Ngọc Tuyển hiểu rằng “Thương trường như chiến trường”, ở đó không có tiếng súng nhưng cũng đầy khốc liệt và gian nan đòi hỏi người Lính phải có bản lĩnh và tinh thần dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm và làm sáng tạo. Ông tâm sự: “Tôi chưa bao giờ dám đặt ra mục tiêu phấn đấu trở thành Anh hùng, chỉ biết lao động quên mình, được làm việc, được cống hiến với tôi là hạnh phúc. Thực ra tôi luôn tâm niệm rằng, cuộc đời này không phải cộng những việc đã làm mà chính là khát vọng thực hiện. Tôi thật sự biết ơn những thế hệ đi trước và quý trọng nền tảng họ đã để lại. Tôi biết ơn những con người đã miệt mài cùng tôi, cùng Lãnh đạo Chỉ huy Đông Bắc đi từ không đến có, từ nhỏ bé đến cơ ngơi, sự nghiệp rạng rỡ như ngày hôm nay với ý chí “bàn tay ta làm nên tất cả””. Vâng, giờ thì tôi đã hiểu vì sao Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Đạt, Tổng Giám đốc tiền nhiệm của ông lại nhận xét về ông súc tích mà thân thương đến vậy: “Anh ấy là một thỏi thép đã đi qua lửa!”
Trao yêu thương, gửi khát vọng
Tôi nhớ có một lần về Thái Thụy – Thái Bình, quê hương Thiếu tướng chứng kiến CBCS Đông Bắc trao nhà tình nghĩa cho một gia đình chính sách. Sải bước trên con đường làng phẳng phiu nghe tiếng lúa reo, Nhà báo Ngô Mai Phong nổi tiếng khắt khe, kiệm lời khen nói với chúng tôi: “Tướng Tuyển điển hình của sự tử tế”. Gần đây, trong một chuyến ghi hình cùng QTV, các đồng nghiệp tiết lộ rằng nếu có thực hiện một chân dung về Người Anh hùng đất mỏ thì Nhà báo Ngô Mai Phong sẽ đảm nhận kịch bản… tôi thấy mừng cho vị Tướng Anh hùng của Lính thợ Đông Bắc bởi sự ghi nhận của mọi người mới là phần thưởng lớn lao nhất, hơn cả những gì đã “đỏ ngực” trên quân phục của ông.
Trao yêu thương đi để nối dài khát vọng. Trong tư duy Thiếu tướng Phạm Ngọc Tuyển và Lính thợ Đông Bắc, công tác hậu phương quân đội và các hoạt động từ thiện xã hội như một bổn phận thiêng liêng của người Lính. Cũng thật dễ hiểu khi chúng tôi vẫn thấy ông lặng lẽ gửi những phần quà cho những nhân vật xuất hiện trên Chuyên mục “Tình giai cấp” của Tạp chí mà chẳng cần ghi danh. Thứ “quà tặng đời người” mà ông cùng Lính thợ Đông Bắc mang đến cho mỗi vùng đất nghèo, những mảnh đời không may mắn, những người thân của đồng đội đã quên mình vì đất nước… sẽ làm cho cuộc sống nở hoa. Lợi nhuận tuy cần thiết, quan trọng với mỗi doanh nghiệp, nhưng hạnh phúc của con người mới là tất cả. Ông luôn tâm niệm như vậy.
Thiếu tướng và người cha
Trung thành và yêu thương, đó là cụm từ mà Thiếu tướng luôn nhắc đến trong mỗi buổi sinh hoạt chính trị rồi lại cùng anh em nhắc lại để nó trở thành thói quen, lối sống, thành văn hóa Đông Bắc mang phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” giàu chữ tâm, chữ tín. Ông bảo, trong chiến tranh, trung thành quyết định vận mệnh đất nước. Còn yêu thương, không thể thiếu, đó là phẩm chất của người Lính thời bình cũng như lúc gian nguy. Phải chăng chính nếp nhà đã tạo nên cốt cách của Người anh hùng? Được biết người cha của Thiếu tướng Phạm Ngọc Tuyển nguyên là chiến sỹ Trinh sát của E66 F320 (là Cựu tù binh Phú Quốc). Nay đã ở tuổi ngoài 90, Cụ vẫn có thể ngồi hàng giờ ôn lại những chiến công oanh liệt cùng con cháu đầy tự hào. Con trai út của Thiếu tướng tiếp tục nối nghiệp ông và cha vừa bước chân vào quân ngũ với khóa huấn luyện lục quân đầu tiên. Thiếu tướng vẫn xúc động mỗi khi bộc bạch nỗi niềm về quê hương nơi miền quê châu thổ sông Hồng với những đồng thơm rạ lúa, nơi có những con người hồn hậu chân chất đã đi vào nhạc và thơ, về nếp nhà mà ở đó bao trùm tình thương lên ông là dáng tần tảo bao dung của người Mẹ, những năm tháng biền biệt xa chồng chịu thương chịu khó nuôi dạy anh em ông khôn lớn, nên người… Thì ra, đằng sau vẻ rắn rỏi của ánh thép đã qua lửa kia là cả tâm hồn bao la trong người chiến sỹ ấy…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nguoi-anh-hung-cua-linh-tho-201611121843438514.htm” button=”Theo vinacomin”]