Ngành Than Việt Nam có lịch sử trên 175 năm, kể từ khi Tổng đốc Hải An Tôn Thất Bật dâng sớ và được Vua Minh Mạng phê chuẩn ngày mồng 6 tháng Chạp năm Kỷ Hợi (tức ngày 10/01/1840) cho phép khai thác than tại mỏ than Yên Lãng (nay là xã Yên Thọ, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Sau khi thực dân Pháp đánh chiếm Bắc kỳ lần thứ 2 vào năm 1882, thì ngay năm sau chúng đánh chiếm vùng mỏ Hòn Gai, lập Công ty Than của Pháp ở Bắc kỳ để tiến hành các hoạt động khai thác than, bóc lột sức lao động của dân ta để tạo lợi nhuận cho tư bản Pháp. Dân ta phải chịu cảnh lầm than cơ cực, một cổ hai tròng dưới gót giầy của thực dân, phong kiến; phải chịu cảnh sưu cao, thuế nặng, cùng cực; “Con đói lả ôm lưng mẹ khóc, mẹ bồng con nước mắt đầm đìa, kiếp người cơm vãi cơm rơi, biết đâu nẻo đất phương trời mà đi”; và rồi: “Cha trốn ra Hòn Gai cuốc mỏ, anh chạy vào Đất Đỏ làm phu, bán thân đổi lấy đồng xu, thịt xương vùng gốc cao su mấy tầng”. Từ đó đã hình thành đội ngũ công nhân Việt Nam, và đội ngũ công nhân vùng mỏ luôn tự hào là một trong những chiếc nôi hình thành nên giai cấp công nhân Việt Nam.
Khi Đảng Cộng sản Việt Nam chưa được thành lập, nhiều chiến sỹ cách mạng đã về vùng Mỏ để “vô sản hóa”, tiêu biểu như các đồng chí: Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Đức Cảnh, Hoàng Quốc Việt, Vũ Văn Hiếu;… Ngày 6/11/1929 lá cờ đỏ búa liềm đã tung bay trên cần cẩu Poóc tích bến Cửa Ông. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, hai Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở Quảng Ninh thành lập tại mỏ Mạo Khê và Nhà máy Cơ khí Hòn Gai. Từ đây lịch sử phong trào công nhân Quảng Ninh bước vào giai đoạn mới, giai đoạn có Đảng lãnh đạo. Vào đêm 12 rạng sáng ngày 13/11/1936 cuộc đình công của hơn 3 vạn thợ mỏ từ Cẩm Phả sau lan ra toàn khu mỏ đã buộc chủ mỏ và chính quyền thực dân Pháp phải nhượng bộ, chấp nhận yêu sách đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống đánh đập. Thắng lợi của cuộc đình công đã để lại cho tổ chức Đảng và phong trào của giai cấp công nhân vùng mỏ bài học to lớn về tập hợp lực lượng, tính kỷ luật trong đấu tranh; về sự đùm bọc tương thân, tương ái của những người thợ mỏ và nhân dân vùng mỏ được kết tinh trong khẩu hiệu “Kỷ luật và Đồng tâm – chúng ta nhất định thắng!”.
80 năm qua, truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” được lớp lớp các thế hệ thợ mỏ kế tiếp nhau phát huy, kết hợp với sức mạnh thời đại và sự đoàn kết đồng thuận vượt qua mọi khó khăn gian khổ để xây dựng ngành Than Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đóng góp tích cực cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, giải phóng vùng mỏ, đội ngũ công nhân mỏ từ Phấn Mễ, Làng Cẩm (Thái Nguyên) đến Mạo Khê, Đông Triều, Uông Bí, Vàng Danh, Hòn Gai, Cẩm Phả, Cửa Ông,… đã đấu tranh bằng nhiều hình thức tổ chức, cách thức khác nhau, đã sát cánh cùng lực lượng vũ trang và nhân dân chiến đấu anh dũng giành chính quyền trong Cách mạng tháng 8/1945. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân khu mỏ Hồng Quảng đã đoàn kết, sát cánh bên nhau với tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” để giải phóng khu mỏ; kiểm soát và duy trì được sản xuất than tại những mỏ để cung cấp năng lượng cho vùng tự do và sau đó cho cả Hà Nội mới giải phóng; góp phần quan trọng vào thắng lợi hào hùng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Thời kỳ tiếp quản khu mỏ, khôi phục sản xuất than 1955 – 1960: Ngay sau khi vùng mỏ Đông Bắc được giải phóng (25/4/1955), một trong những nhiệm vụ cấp bách là phải mau chóng khôi phục khai thác than phục vụ sản xuất và đời sống, đặc biệt là cung cấp than cho nhà máy điện và xuất khẩu – là mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất thời kỳ đó. Xí nghiệp quốc doanh Than Hồng Gai được thành lập ngày 15/5/1955. Mặc dù gặp muôn vàn khó khăn thiếu thốn sau khi tiếp quản nhưng công nhân cán bộ ngành Than đã nhanh chóng khôi phục khai thác và tăng sản lượng từ 440 ngàn tấn năm 1955 lên 2,57 triệu tấn năm 1960. Ngày 30/3/1959 Bác Hồ về thăm Quảng Ninh, đến thăm vùng mỏ và lên tận tầng 10 mỏ Đèo Nai và nói chuyện với công nhân cán bộ ngành Than, Bác nói: “Trước hết Bác khen ngợi những cố gắng của cán bộ và công nhân mỏ trong thời gian qua, nhất là từ tháng 8/1958 tới nay công nhân mỏ đã có nhiều tiến bộ trong sản xuất, giữ gìn máy móc…”
Trong kháng chiến chống Mỹ (1965 – 1975): Đây là thời kỳ ngành Than cùng nhân dân cả nước tiến hành đồng thời 2 nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng dân tộc ở miền Nam. Phương hướng nhiệm vụ ngành Than trong kế hoạch 5 năm được xác định là: “Cần mở rộng, cải tạo các mỏ than Hòn Gai, Cẩm Phả; mở rộng các mỏ than khác, chú trọng khai thác các mỏ than địa phương. Bước đầu sản xuất than cốc chủ yếu với than không khói, tiến tới giải quyết một phần nhu cầu than cốc cho luyện kim. Tích cực tìm kiếm và khai thác, thăm dò các nhiên liệu khác”.
Trong khi đang thực hiện nhiệm vụ sản xuất theo kế hoạch, thì từ ngày 5/8/1964 giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, đưa chiến tranh xâm lược của chúng ra quy mô cả nước. Công nhân cán bộ ngành Than vừa bám mỏ sản xuất, vừa trực tiếp chiến đấu chống lại không quân Mỹ bắn phá ở miền Bắc, thành lập Binh đoàn Than trực tiếp tham gia đánh Mỹ ở miền Nam, tham gia xây dựng các công trình phục vụ chiến đấu như: đường ống xăng dầu, giải tỏa hàng hóa chiến lược. Ngày 15/11/1968 tại Phủ Chủ tịch, Bác Hồ đã tiếp và nói chuyện thân mật với các đại biểu công nhân, cán bộ ngành Than, sau khi biểu dương, hoan nghênh những thành tích mà công nhân, cán bộ ngành Than đã đạt được, Bác nói: “Ngành sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc. Toàn thể công nhân, cán bộ phải có nhiệt tình cách mạng và tinh thần yêu nước rất cao, ý chí quyết đánh thắng rất vững, phải đoàn kết nhất trí, phải có đầy đủ ý thức làm chủ nước nhà; làm chủ xí nghiệp, vượt mọi khó khăn, nhằm vào một mục đích chung là sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc…”. Sau khi đưa ra các ý kiến chỉ đạo cụ thể, Bác đã dành những lời động viên đầy tình cảm: “Bác mong tất cả các công nhân và cán bộ cố gắng hơn nữa, đẩy mạnh ngành Than trở thành một ngành gương mẫu cho các ngành kinh tế khác và tỉnh Quảng Ninh trở thành một tỉnh giàu đẹp….”.
Mặc dù khó khăn nặng nề do chiến tranh gây ra, nhưng công nhân cán bộ ngành Than vẫn duy trì được sản xuất than, từ năm 1961 – 1965 đã nâng sản lượng từ hơn 2,8 triệu tấn lên gần 4,3 triệu tấn, tổng cộng 5 năm khai thác được 17,2 triệu tấn (gấp 1,9 lần so với giai đoạn 1955 – 1960). Từ năm 1973, sau khi Hiệp định Hòa bình Pari được ký kết, chấm dứt chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, sản xuất than từng bước được phục hồi, đến năm 1975 sản lượng than toàn Ngành đạt 5,052 triệu tấn. Công nhân cán bộ ngành Than và nhân dân vùng mỏ Quảng Ninh đã góp phần to lớn cùng nhân dân cả nước hoàn thành sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa non sông thu về một mối.
Từ năm 1976 đến năm 1994: Mặc dù đất nước đã hòa bình và thống nhất, cả nước đi lên CNXH, nhưng đây là thời kỳ có nhiều biến động lớn ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung và ngành Than nói riêng, đó là chiến tranh biên giới phía Bắc và chiến tranh phía Tây Nam; bị Mỹ bao vây cấm vận; Liên Xô tan rã, hệ thống các nước XHCN Đông Âu sụp đổ; cơ chế quản lý hành chính bao cấp kéo dài. Năm 1986 Đại hội lần thứ VI của Đảng ta đã đề ra đường lối đổi mới, song quá trình chuyển sang cơ chế thị trường còn kéo dài nhiều năm. Do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về nhu cầu than trong nước giảm và xuất khẩu gặp khó khăn lên sản lượng thời kỳ này không tăng, chỉ dao động trên dưới 5 triệu tấn/năm. Tuy nhiên có thể khẳng định trong giai đoạn này, cơ sở vật chất kỹ thuật và nguồn nhân lực làm nền móng cho ngành Than phát triển trong thời gian kế tiếp; hầu hết các mỏ, các công ty than chính của Ngành đã được hình thành đồng bộ theo vùng, từ khai thác, vận tải, sàng tuyển chế biến đến tiêu thụ than…
Từ năm 1995 đến nay: là giai đoạn đổi mới mạnh mẽ ngành Than theo cơ chế thị trường, thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa. Ngày 10/10/1994, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 563/TTg thành lập Tổng Công ty Than Việt Nam hoạt động theo mô hình Tổng Công ty 91; dưới sự quản lý, điều hành trực tiếp của Chính phủ với nhiệm vụ chính là sản xuất, kinh doanh than theo quy hoạch, kế hoạch của Nhà nước; cung ứng than cho nhu cầu của các ngành kinh tế trong nước. Ngay từ khi mới ra đời năm 1995, Tổng Công ty đã gặp muôn vàn khó khăn do nạn khai thác, kinh doanh than trái phép hoành hành; môi trường vùng mỏ bị tàn phá khốc liệt; các doanh nghiệp ngành Than phải cắt giảm sản xuất; giá bán than trong nước thấp hơn giá thành dẫn tới mất cân đối tài chính, công nhân thiếu việc làm, đời sống khó khăn. HĐQT Tổng Công ty đã đề ra hàng loạt giải pháp để tổ chức lại sản xuất, xóa bỏ cấp trung gian; mở mang nhiều ngành sản xuất, kinh doanh mới; thống nhất quản lý thị trường tiêu thụ than; kết hợp với các chế tài kinh tế – hành chính để lập lại trật tự trong khai thác, chế biến, kinh doanh than. Đây cũng là giai đoạn ngành Than Việt Nam tập trung cao độ đầu tư về kỹ thuật và công nghệ cho sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực khai thác hầm lò. Nhờ các giải pháp đúng đắn và quyết liệt đó, sức sản xuất được giải phóng, năng suất lao động tăng cao, đời sống vật chất và tinh thần của thợ mỏ thực sự thay đổi. Nếu năm 1994 sản lượng than nguyên khai mới đạt 7 triệu tấn, thì đến năm 2005 Tổng Công ty Than Việt Nam đã đạt tới 31,3 triệu tấn, vượt chỉ tiêu quy hoạch phát triển ngành Than đề ra cho năm 2020. Và ngành Than đã hoàn thành trước thời hạn chỉ tiêu sản xuất than mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII đề ra cho năm 2000 và chỉ tiêu sản xuất than mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đề ra cho năm 2005.
Ngày 26/12/2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 345 thành lập Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam trên cơ sở Tập đoàn Than Việt Nam và Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam thuộc Bộ Công nghiệp với bốn nhiệm vụ chính là: Tập trung đầu tư, huy động các nguồn lực hình thành các nhóm công ty quy mô lớn trong các ngành, các lĩnh vực then chốt; Phát triển, nâng cao sức cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế; Giữ vai trò bảo đảm các cân đối lớn trong nền kinh tế; ứng dụng công nghệ cao; tạo động lực phát triển cho các ngành, các lĩnh vực khác trong toàn bộ nền kinh tế. Thúc đẩy liên kết trong chuỗi giá trị gia tăng, phát triển các thành phần kinh tế khác. Tăng cường quản lý, giám sát có hiệu quả đối với nguồn vốn, tài sản Nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn.
Hơn 20 năm qua, kể từ khi thành lập Tổng Công ty Than Việt Nam (nay là Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam) đến nay, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng tài chính Châu Á 1997 – 1998, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới năm 2008 – 2009 và sự suy thoái kinh tế thế giới 2012 – 2015; lại chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đợt mưa lũ diễn ra cuối tháng 7 đến đầu tháng 8/2015 tại vùng mỏ Quảng Ninh và nhiều khó khăn tác động đến ngành Than, nhưng với phương châm “Từ tài nguyên khoáng sản và nguồn nhân lực đi lên giàu mạnh”, với chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam đã đạt được một số kết quả đó là:
Một là: TKV đã phát triển ổn định, đáp ứng nhu cầu than cho nền kinh tế, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế – xã hội. So với năm 1995 khi mới thành lập, sản lượng than của Tập đoàn đã tăng gấp 7 lần. Trong 20 năm xây dựng và phát triển, Tập đoàn đã sản xuất được 616,17 triệu tấn than; tiêu thụ than 528,4 triệu tấn; bóc xúc 2 tỷ 833 triệu m3 đất đá; đào 4.428 km đường lò. Tổng doanh thu từ than đạt 1,3 ngàn tỷ đồng năm 1994 lên 53,5 nghìn tỷ đồng năm 2015, gấp 41 lần so với thời điểm Than Việt Nam ra đời. Vốn Chủ sở hữu tăng 40,4 lần (từ 900 tỷ đồng năm 1995 tăng lên 36.360 tỷ đồng năm 2015); đóng góp Ngân sách Nhà nước năm 1995: 120 tỷ đồng, tăng lên 16.150 tỷ đồng năm 2011 và bình quân 13.389 tỷ đồng các năm từ 2012 – 2015. Nguồn ngoại tệ từ than xuất khẩu cũng không ngừng gia tăng, năm cao nhất đạt 1 tỷ 554 triệu USD, đây cũng chính là cơ sở để TKV đầu tư tái mở rộng sản xuất, đặc biệt là hiện đại hóa sản xuất hầm lò, mở ra triển vọng mới đối với ngành khai thác này.
Hai là: TKV đã phát triển ngành công nghiệp khai thác khoáng sản theo hướng tăng cường chế biến sâu, tạo ra sức đột phá mạnh mẽ, nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế của Tập đoàn. Thay vì chủ yếu khai thác, sản xuất và xuất khẩu quặng tinh, hơn nửa thập niên trở lại đây, TKV đã chuyển hướng đầu tư một loạt nhà máy chế biến kim loại màu bao gồm: đồng, chì, kẽm, alumin và đang đầu tư các dự án mới sản xuất gang thép, cromit và các kim loại khác. Tổng doanh thu của ngành công nghiệp khoáng sản năm 2015 lên 5,52 nghìn tỷ đồng, tăng 3,57 lần so với năm 2006. Nhà máy alumin Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắc Nông) đã đi vào hoạt động, mở ra triển vọng to lớn cho ngành công nghiệp chế biến Alumin – nhôm của đất nước trên địa bàn Tây Nguyên.
Ba là: Cùng với công nghiệp than – khoáng sản, TKV đã phát triển thành công các lĩnh vực công nghiệp điện và nhiều lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ khác. Hiện nay TKV đang vận hành ổn định 7 nhà máy điện với tổng công suất 1.730 MW. Năm 2015 TKV đã sản xuất và tiêu thụ đạt 8.991 triệu kWh, tăng 12,48 lần so với năm 2006, chiếm 7,3% tổng sản lượng điện thương phẩm cả nước. Tổng doanh thu các lĩnh vực: sản xuất vật liệu nổ công nghiệp, cơ khí và sản xuất kinh doanh khác năm 2015 đạt 34,56 ngàn tỷ đồng, tăng 3,9 lần so với năm 2006. Trong vòng 10 năm trở lại đây (2006 – 2015), tổng doanh thu của toàn Tập đoàn đã tăng từ 29,173 nghìn tỷ đồng lên 106,984 nghìn tỷ đồng, trong đó doanh thu ngoài than từ 10,816 nghìn tỷ lên 53,530 nghìn tỷ, chiếm tỷ lệ doanh thu tăng từ 37 – 50% tổng doanh thu toàn Tập đoàn, đã tạo ra bước chuyển dịch lớn trong cơ cấu kinh doanh và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của TKV.
Bốn là: sản xuất kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển được vốn Nhà nước; tăng cường năng lực tài chính. Năm 2005 – 2011, lợi nhuận trước thuế và tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn Chủ sở hữu của TKV luôn đạt mức cao trung bình từ 32 – 42%. Từ năm 2012 đến nay do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế thế giới và trong nước nên chỉ số này có hạ xuống từ trên 3000 tỷ xuống còn 895 tỷ đồng năm 2015 nhưng vẫn đạt bình quân 2557 tỷ/năm và tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu ở mức cho phép. Vốn Chủ sở hữu đến năm 2015 là 36.360 tỷ đồng, tăng trên 40 lần so với năm 1995; Tổng tài sản năm 2015 là 138.526 tỷ đồng, tăng 6,5 lần so với năm 2006; Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu nằm trong giới hạn an toàn.
Năm là: thực hiện tốt nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện cán cân thương mại và thực hiện nghiêm túc trách nhiệm đối với cộng đồng xã hội. Nộp ngân sách nhà nước từ năm 1995 trở lại đây đã tăng từ 120 tỷ đồng lên 16.150 tỷ đồng vào năm 2011; từ năm 2012 đến 2015 do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế nên chỉ số này có thấp hơn nhưng vẫn ở mức từ 14.028 – 13.837 tỷ đồng/năm. TKV cũng là Doanh nghiệp Nhà nước điển hình về các hoạt động xã hội, từ thiện. Trong nhiều năm trở lại đây TKV đã tích cực đỡ đầu 3 huyện nghèo thuộc các Tỉnh: Hà Giang, Bắc Kạn và Lâm Đồng theo tinh thần Nghị quyết 30A của Chính phủ; đồng thời tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện tại Quảng Ninh và các địa phương khác với kinh phí hàng năm từ 200 – 300 tỷ đồng.
Sáu là: TKV cũng là doanh nghiệp Nhà nước đầu tiên trong cả nước thành lập Quỹ môi trường và tham gia tích cực vào công tác bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả của công tác an toàn lao động và chăm sóc sức khỏe công nhân; mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế. Tập đoàn đã lập Quỹ môi trường với trên 3.000 tỷ đồng/năm để đầu tư bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, xử lý chất thải. Trong những năm qua ngành Than – Khoáng sản đã không ngừng triển khai các dự án nạo vét sông suối, hồ đập, xây kè chắn đất dưới chân bãi thải; mở các tuyến đường vận tải chuyên dùng trong mỏ; tổ chức trồng cây xanh, hoàn nguyên bãi thải và tại các khu vực đã ngừng khai thác. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng được triển khai theo hướng an toàn, thân thiện với môi trường. TKV đã thành lập các trung tâm điều dưỡng và Bệnh viện của ngành Than để chữa bệnh bụi phổi, các bệnh nghề nghiệp và chăm sóc sức khỏe cho người lao động,…
Công tác thi đua, khen thưởng và phong trào văn hóa, thể thao của TKV đã phát triển cả chiều rộng và bề sâu, xây dựng văn hóa doanh nghiệp mang bản sắc Thợ mỏ, tạo động lực tinh thần giúp cán bộ, CNLĐ gắn bó với công việc và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Mặc dù hệ thống chính trị còn bất cập, nhưng trong những năm qua Đảng bộ Tập đoàn đã phối hợp chặt chẽ với Đảng bộ Than Quảng Ninh và các tổ chức trong hệ thống chính trị toàn Tập đoàn để tạo sự đoàn kết, đồng thuận trong ngành Than – Khoáng sản Việt Nam để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao cho Tập đoàn. Tập đoàn đã tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng; hoàn thiện các cơ chế quản lý nội bộ, ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất, nâng cao năng suất lao động, đảm bảo an toàn và hiệu quả sản xuất kinh doanh, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động; xây dựng văn hóa doanh nghiệp và phát huy quyền làm chủ của người lao động.
Những kết quả quan trọng đạt được trong hơn 20 năm xây dựng và phát triển kể từ ngày thành lập Tổng Công ty Than Việt Nam đến nay đã viết tiếp vào truyền thống 80 năm hào hùng của công nhân mỏ, đã tạo nên diện mạo của Tập đoàn ngày hôm nay: Là một Tập đoàn kinh tế chủ lực, có vị trí quan trọng trong nền kinh tế của đất nước cả về quy mô doanh thu, nộp ngân sách, an sinh xã hội, và là một Tập đoàn công nghiệp đầu ngành về khoa học công nghệ trong lĩnh vực khai thác than – khoáng sản – luyện kim của đất nước, góp phần vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Với những thành tích đó, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng năm 1996 và danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới năm 2005. Toàn Ngành đã có trên 570 tập thể, cá nhân được tặng thưởng Huân chương các hạng; 34 tập thể và cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang qua các thời kỳ.
Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang chỉ đạo ngành Than khắc phục mưa lũ năm 2015
Trong giai đoạn hiện nay, sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn do quá trình khai thác mỏ ngày càng xuống sâu và đi xa hơn đã làm tăng hệ số bóc đất đá, cung độ vận chuyển,… Các loại thuế, phí trong giá thành than sản xuất trong nước liên tục tăng trong các năm gần đây đã làm tăng giá thành sản xuất; than nhập khẩu chưa được quản lý phù hợp làm cho than sản xuất trong nước gặp nhiều khó khăn, tồn kho tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp tới việc làm, thu nhập và đời sống người lao động ngành Than và an ninh xã hội của vùng mỏ Quảng Ninh.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tập đoàn đã đề ra định hướng phát triển cho Tập đoàn giai đoạn 2015 – 2020 là “Tăng cường xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh; phát huy truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”, đẩy mạnh tăng trưởng, phát triển bền vững; giữ vững vai trò tập đoàn kinh tế mạnh, là một trong ba trụ cột đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia; góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Thắp sáng ngọn lửa truyền thống tại Đại hội TDTT TKV 2016
Để thực hiện được mục tiêu đó, trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tập đoàn lần thứ II, Tập đoàn đã đề ra 6 chương trình trọng tâm là:
- Phát huy vai trò của Đảng ủy Tập đoàn trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác cán bộ. Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động và vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng.
- Lãnh đạo tái cơ cấu Tập đoàn giai đoạn 2016 – 2020 theo hướng giữ vững và củng cố các ngành nghề sản xuất của Tập đoàn đã được khẳng định vị thế trong hơn 20 năm xây dựng và trưởng thành, cổ phần hóa công ty mẹ, tiếp tục thoái vốn tại một số công ty con, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp, đồng thời tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức sản xuất, đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao vai trò của người đứng đầu cấp ủy và đơn vị.
- Đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa vào sản xuất và quản lý nhằm tăng năng suất lao động, đảm bảo an toàn lao động.
- Tăng cường các biện pháp quản trị doanh nghiệp, tiết kiệm tài nguyên, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
- Cơ cấu lại lực lượng lao động theo hướng tinh giản lao động quản lý và phục vụ, phụ trợ; chú trọng nâng cao trình độ, kỹ năng, tay nghề, ý thức tác phong công nghiệp cho người lao động. Chăm lo phát triển nguồn nhân lực, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho người lao động; xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
- Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, điều hành, đội ngũ chuyên gia kinh tế – kỹ thuật. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá cán bộ.
Phát huy truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”, những bài học thực tiễn quý báu được rút ra trong quá trình xây dựng, phát triển, Tập đoàn sẽ không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, tạo sự đoàn kết, đồng thuận trong cán bộ, đảng viên, CNVC và người lao động toàn Tập đoàn; nắm chắc thời cơ, thuận lợi, quyết tâm vượt qua khó khăn thách thức, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tập đoàn lần thứ II, nhiệm kỳ 2015 – 2020, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, xây dựng Tập đoàn TKV phát triển bền vững, giữ vững vai trò Tập đoàn kinh tế mạnh của đất nước, là một trong ba trụ cột đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/phat-huy-80-nam-ngay-truyen-thong-cong-nhan-vung-mo-truyen-thong-nganh-than-day-manh-xay-dung-201611131615080832.htm” button=”Theo vinacomin”]