Chàng trao trẻ Phạm Văn Thắng – Bí thư Đoàn Thanh niên Công ty CP than Hà Lầm tự tin khẳng định với tôi như vậy trong buổi “Lễ tuyên dương các công trình, sản phẩm sáng tạo tiêu biểu năm 2016” do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức đêm ngày 10/12/2016 tại Quảng trường Hồ Chí Minh (tỉnh Vĩnh Phúc)…
Công trình “Nghiên cứu lò chợ cơ giới hóa đồng bộ công suất 600 ngàn tấn/năm tại vỉa 11 để nâng cao năng suất khai thác tại Công ty CP than Hà Lầm – Vinacomin” là một trong những công trình, sản phẩm đã được ứng dụng vào thực tế lao động sản xuất và đạt hiệu quả. Công trình do nhóm tác giả 5 đoàn viên thanh niên của ĐTN Công ty than Hà Lầm (gồm Đinh Trung Kiên; Phạm Văn Thắng; Đỗ Trung Thành; Trần Trung Hiếu và Phạm Văn Tứ) thực hiện. Đây là 1 trong 34 công trình, sản phẩm sáng tạo tiêu biểu năm 2016 được Trung ương Đoàn tuyên dương. Dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng họ đều giữ chức vụ Phó trưởng phòng trong các phòng ban nghiệp vụ của đơn vị.
Trên thực tế, Than Hà Lầm là một trong những công ty khai thác than lớn của TKV nhưng trong nhiều năm qua, quá trình khai thác than tại Công ty chủ yếu sử dụng biện pháp khai thác thủ công truyền thống. Người lao động chủ yếu làm việc bằng tay chân rất vất vả, hao tổn nhiều công sức mà năng suất lao động lại thấp, nguy cơ mất an toàn rất cao. Do vậy, công suất khai thác lò chợ thấp (chỉ đạt từ 100-150 ngàn tấn than/năm). Mặt khác, nếu cứ giữ công nghệ khai thác truyền thống thì năng lực sản xuất than không đáp ứng được nhu cầu sử dụng than, nhất là trong thời gian tới, khi các nhà máy nhiệt điện mới vào hoạt động và nhu cầu sử dụng than các ngành nghề khác tăng lên.
Để đáp ứng việc gia tăng sản lượng phục vụ nhu cầu đất nước đã đặt ra yêu cầu cấp thiết phải nâng cao công suất khai thác lò chợ, hiện đại hóa các công đoạn phục vụ. Xuất phát từ yêu cầu đó, các thành viên Câu lạc bộ Khoa học kỹ thuật trẻ Công ty CP than Hà Lầm đã tập hợp nhau cùng nghiên cứu và áp dụng lò chợ Cơ giới hóa đồng bộ công suất 600 ngàn tấn/năm tại Vỉa 11 nhằm nâng cao năng suất khai thác.
Về thăm Than Hà Lầm, tôi may mắn gặp được 3 chàng trai trẻ trong số 5 tác giả của công trình trên. Vinh dự đại diện cho nhóm tác giả tham dự và nhận Giấy chứng nhận, bằng khen của Trung ương Đoàn, Phạm Văn Thắng tự hào cho biết: Từ khi áp dụng công trình này, công suất lò chợ tăng cao gấp 4-6 lần; năng suất lao động cũng tăng 3-4 lần so với công nghệ khai thác truyền thống. Đặc biệt, mức độ an toàn cao hơn rất nhiều do có giàn chống tự hành được thiết kế thành một khung chống hoàn chỉnh có mái che chắc chắn và chịu lực cao. Một ưu điểm nữa là việc điều khiển, vận hành hầu hết được tự động hóa nên cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, không gian làm việc thông thoáng, thuận tiện hơn nhờ chiều cao làm việc đến 2,6m. Công nghệ mới này còn có tỷ lệ thu hồi lò chợ CGH rất cao (đạt đến 90%), tiết kiệm tối đa tài nguyên. Về kinh tế, lò chợ CGH tiết kiệm khoảng 12 tỷ đồng/năm so với công nghệ truyền thống. Chưa hết, giàn CGH sử dụng máy khấu, không sử dụng thuốc nổ nên đảm bảo môi trường tốt hơn, không sinh ra khí thải và chấn động do nổ mìn.
Với việc đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, Công ty CP than Hà Lầm đã tạo sức bật mới trong sản xuất, kinh doanh, tăng năng suất lao động, mức độ an toàn được nâng lên, điều kiện làm việc của thợ mỏ được cải thiện. Đặc biệt, công trình của nhóm 5 đoàn viên thanh niên đã nói lên khát vọng cao đẹp của thanh niên, tiếp tục là những tiền đề vững chắc để tạo điều kiện thuận lợi cho các bạn trẻ sáng tạo, cống hiến và đi tới những thành công.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/sang-tao-la-con-duong-tien-toi-thanh-cong-20170116100820198.htm” button=”Theo vinacomin”]