Cô Nguyễn Thị Quy, giáo viên giảng dạy nghề mỏ hầm lò – Trường Cao đẳng nghề TKV là một tấm gương tiêu biểu cho thế hệ các thầy cô giáo đã cống hiến sức trẻ, tri thức và tâm huyết cho sự nghiệp đào tạo các thế hệ thợ mỏ.
Sinh ra và lớn lên tại vùng đất mỏ Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, học xong phổ thông, Nguyễn Thị Quy đã chọn nghề mỏ và thi đỗ vào Trường Đại học Mỏ – Địa chất. Sau khi tốt nghiệp đại học tháng 1/1996, Nguyễn Thị Quy về làm giáo viên Trường đào tạo, bồi dưỡng CNCB Công ty than Cẩm Phả (nay là Trường Cao đẳng nghề mỏ TKV). Quá trình công tác và giảng dạy, cô Quy đã không ngừng phấn đấu, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, nghiên cứu các phương pháp giảng dạy tiên tiến để truyền đạt bài giảng cho học sinh một cách tốt nhất. Để hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy cũng như chu toàn công việc của gia đình, nhất là với giáo viên là nữ, cô Quy còn được sự giúp đỡ, động viên, khích lệ của các đồng nghiệp cũng như của người bạn đời – Thầy giáo Vũ Văn Thịnh, hiện là Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và giới thiệu việc làm – Trường Cao đẳng nghề TKV.
Là giảng viên tâm huyết với nghề, cô Quy đã có nhiều đề tài sáng kiến phục vụ công tác giảng dạy, tiêu biểu là đề tài “Áp dụng phương pháp dạy học tích cực – thảo luận theo nhóm” vào giảng dạy các môn học của nghề khai thác mỏ hầm lò, xây dựng mỏ hầm lò theo hướng “lấy học sinh làm trung tâm”. Với phương pháp này, học sinh sẽ chủ động, sáng tạo trong quá trình học tập và tiếp thu bài giảng tốt hơn. Trong các hoạt động của nhà trường, cô Quy luôn gương mẫu đi đầu, như trong công tác tuyển sinh, mỗi giáo viên được giao tuyển sinh 8 học sinh nghề mỏ hầm lò, năm 2015, cô đã tuyển được 132 học sinh nghề mỏ hầm lò hệ A, góp phần tích cực hoàn thành công tác tuyển sinh của khoa nghề và nhà trường…
Cô Quy tâm sự: “Nghề mỏ là một nghề vất vả, nặng nhọc, đòi hỏi mỗi học sinh phải có sức khỏe, kiến thức và kiên trì, chịu khó. Do vậy, người giáo viên dạy nghề không chỉ truyền đạt kiến thức cho học sinh mà còn phải bằng cả tình yêu thương như những người mẹ, người chị, ân cần chỉ bảo, rèn luyện tính kỷ luật, lòng yêu nghề cho học sinh. Để khi ra trường họ trở thành những người thợ có đạo đức, nhân cách, có trình độ tay nghề và tác phong công nghiệp, đáp ứng được yêu cầu của sản xuất”.
Hơn 20 năm gắn bó với nghề giáo viên, bằng nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm và lòng yêu nghề, qua những bài giảng sinh động, cô Quy đã truyền lửa cho các em học sinh lòng yêu nghề mỏ để các em có thêm nghị lực học tập, rèn luyện trở thành thợ mỏ, cùng với cán bộ, giáo viên Nhà trường đào tạo hàng chục ngàn thợ mỏ cho ngành Than. Hiện nay, cô Quy làm cán bộ Phòng Đào tạo của Nhà trường. Dù ở bất cứ công việc gì, nhà giáo, đảng viên Nguyễn Thị Quy cũng luôn tâm niệm phải tận tụy với việc, say mê với nghề và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Với sự nỗ lực cố gắng của bản thân và những đóng góp trong sự nghiệp giáo dục đào tạo, đảng viên, nhà giáo Nguyễn Thị Quy nhiều năm liền được công nhận “Đảng viên đủ tư cách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, được tặng giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi dành cho giáo viên dạy nghề tiêu biểu toàn quốc và được Đảng bộ Than Quảng Ninh tặng giấy khen “Có thành tích xuất sắc trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh 3 năm 2011-2013”.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tan-tuy-voi-viec-say-me-voi-nghe-201701161012522341.htm” button=”Theo vinacomin”]