Khi tiễn Thành lên xe, Trung tá Lê Đức Thái – Đồn trưởng đồn biên phòng 19, Bắc Phong Sinh vỗ vai nói như tâm sự với Thành:
– Chú về ăn tết thật vui nhé. Nhớ cho đơn vị gửi lời chúc tết gia đình. Lên đúng hẹn đấy. Kỳ này cố gắng “nhắm” lấy một cô.
Thành chào thủ trưởng rồi lên xe. Xe đã chạy một đoạn xa mà thủ trưởng Thái vẫn còn đứng vẫy theo.
Đợt truy quét và phá đường dây buôn bán ma tuý qua biên giới, Thành đã có công rất lớn. Thủ trưởng Lê Đức Thái quyết định thưởng cho Thành một tuần phép tết. Lẽ ra Thành về ngay sáng 25 tháng chạp, song có xe của Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam chở quà lên, theo yêu cầu của đơn vị Thành ở lại giải phóng hàng cùng với anh em. Hôm nay anh mới theo xe về được.
Chiếc xe Toyota 12 chỗ ngồi cứ lượn lên, lượn xuống theo các sườn đồi, bò đi chậm chạp. Xe qua dốc Tài Phật, Thành xem đồng hồ đã 10 giờ. Định bụng qua hai dốc nữa mới nghỉ ăn cơm. Đoạn đường từ dốc Cổng Trời đến dốc Say Phật thật khó đi. Đường đã dốc lại mấp mô. Nhiều cua, lái xe không sao nhìn được đường. Phía trước mây dày đặc, cứ là là, bồng bềnh trôi như dải ngân hà. Tới dốc Cổng Trời thì mây đã quang hơn, gió cũng lớn hơn. Thành bảo anh lái xe dừng lại ở đỉnh dốc để ăn trưa. “Bữa cơm bộ đội” thật đơn giản: Hai chiếc bánh mì, một phong kẹo lạc và một chai nước lọc. Có lẽ vì quá đói nên hai người vừa ăn vừa khen ngon.
Xe tới ngã ba. Một cô gái tay xách túi du lịch đứng bên đường vẫy vẫy. Anh lái xe cho xe dừng lại. Thành xuống xe, bước tới chỗ cô gái;
– Cô về đâu?
– Các anh cho em đi nhờ về Uông Bí. Em chờ từ sáng đến giờ chẳng có xe nào cả.
– Mời cô lên xe.
Thành xách hộ cô gái chiếc túi du lịch, rồi cùng cô gái lên xe. Xe lại tiếp tục chuyển bánh. Qua câu chuyện trao đổi, Thành được biết cô gái tên là Hạnh, bố mẹ đều là công nhân mỏ. Bố cô tái ngũ năm 1972. Năm 1974 vào nam, hy sinh trong cuộc tổng tiến công năm 1975. Hạnh tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm, được phân về trường cấp hai Thị xã Móng Cái đã bốn năm. Tết này Hạnh được nghỉ tết, song mãi đến chiều 29 tết mới có người lên thay. Cũng may có xe của Uỷ ban tỉnh chở quà tết lên đồn Pò Hèn, Hạnh mới đi nhờ được tới đây, chờ xem có xe nào thì nhờ. Bằng không phải chờ xe của Uỷ ban tỉnh quay về.
Hạnh rất kín đáo. Thành cũng không thể biết gì hơn được nữa. Thi thoảng Thành khẽ liếc nhìn sang. Hạnh có khuôn mặt trái xoan trắng hồng. Đôi mắt đen, đượm buồn. Đặc biệt, Hạnh có mái tóc đen dài, óng mượt. .
Qua khung cửa sổ, vun vút núi đồi trùng điệp. Những bạt vải thiều đang đâm lộc. Những nương chè xanh ngắt. Rồi những đồi bạch đàn, đồi keo đã khép tán nối nhau.
Tới Cửa Ông mới thấy có không khí tết. Hai bên đường, san sát những lồ hoa. Cúc đại đoá, hồng nhung, hồng Đà Lạt, hoa dơn, hoa đồng tiền… Các điểm bán đào khiêm tốn lùi sâu trong vỉa hè. Người mua hoa chen chúc. Tranh thủ lúc xe bị tắc đường, Hạnh đã mua được cành bích đào.
Đến Hòn Gai, cũng phải 4 giờ chiều. Anh lái xe dừng lại ở Cọc ba để ăn cơm. Lần này thì không phải “cơm bộ đội ” mà là cơm hàng chính hiệu. Từ sáng đến giờ ba anh em mới được ăn một bữa cơm thực sự.
Xe qua cầu Bãi Cháy, anh lái xe cho xe vòng xuống bãi tắm. Vịnh Hạ Long chiều 30 tết, nước sao mà trong xanh. Mặt nước lăn tăn. Một vài chiếc thuyền nhỏ đang về bến. Chiếc canô chở khách rẽ nước về phía Hải Phòng, chắc là chuyến cuối cùng đưa người về quê ăn tết. Thành nhẩm tính cứ tốc độ này, chỉ ba tiếng nữa là tới Hà Nội. Anh dự tính sẽ tạt vào chợ mua hoa và cành đào. Mâm ngũ quả thì chắc là bố đã chuẩn bị rồi. Có mua là mua cho bố chai rượu Làng Vân. Thành biết bố rất thích cái hãng rượu này. Ba năm rồi, Thành chưa một lần cùng ăn tết với bố. Tết này, nghe thủ trưởng nói thưởng phép, Thành đã điện báo ngay cho bố, giờ này chắc bố đang mong.
Mùa đông trời tối rất nhanh. Mới hơn năm giờ chiều mà đã nhá nhem rồi.
– Anh Thành này! – Hạnh gọi khẽ.
– Hạnh gọi anh? – Thành quay sang.
– Anh chưa kể gì về anh cho em nghe đâu đấy. Thế là không công bằng.
– Được! Rồi anh sẽ kể.
– Còn đợi đến bao giờ nữa? Sắp đến chỗ chia tay rồi.
Hạnh mở túi lấy ra chiếc mũ len đưa cho Thành.
– Anh đội vào cho đỡ lạnh – Hạnh quay sang đội lên đầu cho Thành – Em có khăn rồi. Mùa đông, cốt nhất là phải giữ cho ấm anh ạ.
Thành cảm ơn, rồi anh chậm rãi kể cho Hạnh nghe như tâm sự với chính mình:
– Mẹ anh mất năm 1974 do một căn bệnh hiểm nghèo. Bà cô họ nhận đỡ đầu anh. Bà goá chồng lại không có con nên coi anh như con đẻ. Rồi cứ thế anh lớn lên, đi học và trưởng thành. Bố anh, từ ngày đi Nam biệt tăm tích, không có lấy một lá thư. Mẹ con anh, coi như bố anh đã mất tích. Đến năm anh tốt nghiệp lớp 12 thì đột ngột bố anh về, mang theo mình năm vết thương trên người, năm chiếc huân chương các loại và một cuốn sổ hưu. Nói để em biết, chứ lúc ấy anh hận bố anh lắm. Hàng tuần anh không thèm nhìn mặt bố. Bố anh thanh minh thế nào anh cũng không nghe. Em cười anh là cố chấp phải không? Đúng! Lúc ấy anh cũng hơi quá đáng. Sau nghĩ lại, anh mới thấy ân hận và thương bố. Cuộc chiến tranh như cơn xoáy lốc cuốn bố anh đi. Giải phóng Sài Gòn xong, bố anh lại sang Campuchia. Bị thương, điều trị ở bên đó mãi đến tháng 6 năm 1992 bố anh mới được về nước. Cũng may, mấy năm cuối anh học Đại học đã có bố lo. Nếu không thì không biết rồi sẽ ra sao. Sau khi ra trường, anh được điều về cửa khẩu Móng Cái công tác. Để tăng cường cho Bắc Phong Sinh, anh lại được điều lên đồn 19 cho tới nay.
– Đồn 19 có nhiều cán bộ tốt nghiệp Đại học như anh không?
– Anh đã là cán bộ đâu, chỉ là lính thôi. Ở đơn vị anh hai anh Đồn trưởng và Đồn phó cũng đã tốt nghiệp đại học rồi.
Chiếc xe bỗng chồm lên rồi dừng hẳn. Hạnh ngã dúi, ôm chầm lấy Thành. Hạnh đỏ mặt lúng túng:
– Xe làm sao vậy anh tài?
– Không hiểu bị gì đây?
Anh lái xe trả lời rồi mở cửa bước xuống.
– Hai bạn xuống dạo một lát để tôi tìm xem.
Lúc này trời đã tối. Hạnh nhìn mãi mới nhận ra vị trí của xe đỗ.
– Qua cây số 11 rồi anh Thành ạ. Vậy là sắp tới Uông Bí. Em cũng sắp được về nhà rồi. Chỉ khổ anh Thành thôi.
– Không lo. Mới sáu giờ tối. Sửa xong, chạy một mạch chậm lắm cũng chỉ chín giờ tối là tới Hà Nội.
– Ta ngồi xuống nghỉ một lát đi anh!
Hạnh lấy một tờ báo trải xuống cạnh gốc cây xà cừ.
– Ban nãy Hạnh bảo bố em hy sinh ở mặt trận nào? – Thành quay sang hỏi.
– Khi đơn vị bố em đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất.
Anh lái xe loay hoay mãi mà vẫn chưa sửa được.
– Giữa 30 tết mà thế này hỏi có xui không cơ chứ! Biết nhờ ai được bây giờ?
Anh lái xe vất chiếc cờ lê vào trong xe, quay sang gọi Thành – À! Thành này! Anh tính: Hai bạn đi bộ một đoạn là tới cổng Trường xây dựng. Ở đó có mấy người chở xe ôm. Các bạn cứ về trước đi, để mình anh ở lại thôi.
– Hay là chúng em cùng ở lại với anh – Thành và Hạnh cùng lại chỗ xe.
– Thôi! Đừng dài dòng nữa. Chả lẽ mất tết cả ba à?
– Sắp chín giờ rồi đấy, đi ngay đi.
– Vâng! Anh thông cảm cho chúng em nhé.
Thành khoác ba lô, Hạnh xách túi lững thững đi. Trời càng về đêm càng lạnh. Thành thấy Hạnh cứ co ro. Anh đặt ba lô xuống đường, mở khoá lấy ra chiếc áo dạ.
– Em mặc tạm chiếc áo này kẻo lạnh – Hạnh đặt túi xách xuống để Thành mặc áo cho cô. Hơi ấm của Thành lan sang người Hạnh, cô thấy tim mình đập rộn. Có cái gì mới mẻ, xốn xang, xao động trong lòng.
– Xong rồi, đi thôi em!
Rất may cho Thành và Hạnh vẫn còn một bác xe ôm tốt bụng chở cho. Trên đường đi, Hạnh nói với Thành, đằng nào cũng muộn rồi, về Hà Nội không còn phương tiện, Hạnh mời Thành về nhà mình ăn tết, sáng mồng hai cả hai cùng về Hà Nội. Thành bằng lòng. Nhưng Thành bảo đến Uông Bí, Thành sẽ gọi điện báo cho bố để bố khỏi mong. Sự cố bất ngờ đã làm bao dự kiến của Thành bị tiêu tan. Thành nghĩ mà thương bố.
– Tới rồi, xuống xe đi anh – Lúc Hạnh gọi, Thành mới chợt tỉnh.
Bác xe ôm đã phóng xe đi mà Thành vẫn còn tần ngần đứng đó.
– Hạnh này! Bây giờ vào nhà, em nói với mẹ thế nào?
– Anh ngại à? Mẹ em rất tin em. Ta cứ nói như những gì đã xẩy ra. Thôi! Vào đi anh, kẻo lạnh.
Hạnh kéo Thành vào nhà. Đúng như Hạnh nói, mẹ Hạnh rất hiền và phúc hậu. Mẹ coi Thành như con đẻ, không khách sáo, không xét nét như các bà mẹ khác :
– Hai đứa tắm rửa, thay quần áo đi. Sắp giao thừa rồi đấy.
– Vâng ạ!
Hạnh lăng xăng chạy ra chạy vào.
– Mẹ ơi! Mâm ngũ quả nhà ta to quá mẹ nhỉ. Ồ! Mẹ mua cả bia nữa à?
– Bố cô chứ! – Mẹ Hạnh mắng yêu con – Chỉ được cái nẻo mồm. Đi mà pha nước cho anh tắm.
Thành đang mải mê ngắm bức ảnh của đơn vị bố Hạnh treo trên tường. Mẹ Hạnh đến bên giải thích:
– Đơn vị bố con Hạnh đấy cháu ạ. Các anh Tỉnh đội bảo chụp trước khi vào chiến dịch tổng tấn công giải phóng Miền Nam. Bố con Hạnh đứng cạnh cái bác đeo súng ngắn đấy.
Người đeo súng ngắn chính là bố Thành. Vậy ra bố Thành và bố Hạnh cùng đơn vị?
– Bác ơi! Người đeo súng ngắn chính là bố cháu đấy.
Hạnh từ dưới bếp chạy lên:
– Có thật không anh Thành? Ôi! Thế anh Thành là người nhà mình rồi phải không mẹ? – Hạnh vui sướng ôm chầm lấy mẹ.
– Thôi! Cháu ra tắm đi – Mẹ Hạnh giục Thành.
Tình cảm ban đầu mà hai mẹ con Hạnh dành cho Thành đã làm anh nguôi đi những mặc cảm của một người xa lạ, bị lỡ đường. Mồ côi mẹ đã lâu, hôm nay Thành mới được ăn một bữa cơm cùng mẹ, do chính tay mẹ sắp.
– Ăn đi các con, kẻo nguội cả rồi.
Năm năm về Quảng Ninh, bốn năm ăn tết tại đơn vị, tết này là tết đầu tiên Thành được đón giao thừa ngay tại khu mỏ. Không khí gia đình ấm cúng, sự hồn nhiên trong sáng của Hạnh đã làm Thành vui lây.
Sáng mồng một tết, Hạnh đưa Thành đi lễ chùa Phổ Am, thăm và chúc tết một số gia đình công nhân mỏ. Chiều đi chơi công viên, thăm Nhà văn hoá thể thao của mỏ. Theo nguyện vọng của Thành, Hạnh đưa Thành vào thăm khu Nhà sàng và cửa Lò 1. Đến nơi nào, Thành cũng thấy đầy ắp không khí tết. Ngả đường nào cũng treo băng dôn, cắm cờ, đèn màu nhấp nháy. Các điểm vui chơi đông nghịt người.
Sáng mồng hai tết, Thành và Hạnh xin phép mẹ đi Hà Nội. Mẹ Hạnh đùm cho một bọc to: Nào là bánh chưng, giò lụa, rượu nếp, bánh mứt và cả thuốc lá, chè lạng… cứ như là đi du lịch vậy. Thành từ chối mãi không được, đành phải mang theo.
Bố Thành đón Thành và Hạnh cũng rất thân tình. Khi được Thành cho biết Hạnh là con bác Phẩm thì bố Thành sững người:
– Thế ra cháu là con bố Phẩm?
– Vâng ạ!
– Ôi! Cháu của tôi.
Hạnh nhào vào vòng tay bố Thành. Bố Thành ghì chặt Hạnh vào lòng, nước mắt rưng rưng, nghẹn ngào.
– Đã bao năm bác đi tìm mẹ con cháu. Nhưng nào có thấy. Cả Thành phố Cẩm Phả không còn một xí nghiệp nào là bác không đến.
– Mẹ con cháu về Vàng Danh ngay sau khi báo tử bố cháu.
– Thảo nào.
Đêm ấy, bố Thành kể hết cho Thành và Hạnh nghe về sự hy sinh dũng cảm của bố Hạnh.
Tiểu đoàn đặc công do bố Thành chỉ huy nhận nhiệm vụ đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, mở đầu cuộc tấn công vào Sài Gòn. Lúc ấy bố Hạnh là trợ lý. Sau khi nổ súng một giờ, toàn bộ các cứ điểm trọng yếu của địch đều đã bị phong toả. Duy chỉ còn đài chỉ huy, với khẩu đại liên trên đài vẫn quét xuống dồn dập. Không ít bộ đội bị thương vong. Một trung đội đặc nhiệm được phái lên, chỉ mười phút sau tiếng súng địch im bặt, cờ Mặt trận giải phóng đã được kéo lên trên nóc Đài chỉ huy sân bay. Khi tiểu đoàn trưởng đang đọc lời kêu gọi của Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam trước micrô thì một tên lính nguỵ giả chết bắn lén. Bố Hạnh đứng bên cạnh Tiểu đoàn trưởng đã phản ứng rất nhanh, nhảy ra che đạn cho Thủ trưởng và nhả một băng đạn về phía tiếng súng. Bố Hạnh đã ngã xuống trong vòng tay của đồng đội, giữa lúc cả Sài Gòn đang lao vào cuộc tổng tấn công.
– Mới đêm trước, bố cháu còn nói với bác rằng: Giải phóng xong Miền Nam, tôi xin rời quân ngũ để trở về với nghề mỏ của tôi. Tay búa bậc sáu như tôi đi cầm súng kể cũng tiếc quá – Giọng bố Thành nghèn nghẹn.
– Bác! – Hạnh lay vai bố Thành – Bác đừng thế. Bác thế này chúng cháu không chịu được đâu.
– Bố cháu là ân nhân của bác. Bác sống được đến ngày nay là do bố cháu.
Hạnh lấy khăn lau nước mắt cho bố Thành. Lúc này, Hạnh mới được nhìn kỹ ông. Bố Thành mái tóc đã bạc phơ. Khuôn mặt ông tạc như khuôn mặt Thành. Những gian khổ khốc liệt của chiến trường hằn đậm các nếp nhăn trên khuôn mặt ông. Đứng cạnh ông, trong vòng tay ấm áp của ông. Hạnh thấy mình quá nhỏ bé. Như có cái gì đó bù đắp cho sự thiếu hụt tình cha con của Hạnh bao năm nay. Không kìm được, Hạnh cũng gục đầu vào vai ông nức nở.
Bố Thành hứa sáng mồng năm tết sẽ cùng hai con xuống Quảng Ninh. Trước hết là thăm mẹ Hạnh, sau nữa ông sẽ làm nốt phần việc còn lại cho Phẩm – Người đồng chí, người bạn, người ân nhân của cả cuộc đời ông.
Hai bạn trẻ cứ như hai con chim, phía trước họ là cả một bầu trời mênh mông hạnh phúc. Thành dắt tay Hạnh chạy tung tăng trên bờ hồ nô đùa, cười nói:
– Ngồi xuống đây nghỉ một chút anh – Hạnh kéo Thành ngồi xuống một ghế đá – Chạy nhiều em không thở được. Thành cầm láy hai bàn tay của Hạnh, nhìn sâu vào mắt Hạnh khẽ nói.:
– Hạnh này! Chuyến xe hôm ba mươi tết đúng là một chuyến xe hạnh phúc phải không em?
– Anh chỉ được…
Bất chợt Hạnh vùng chạy. Thành đuổi theo. Những bồn hoa bên bờ hồ, những hàng cây xanh mát cùng cổ vũ cho đôi trẻ. Mưa rây rây trên đường phố. Hà Nội đang vào xuân.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/chuyen-xe-cuoi-nam-201701231014492671.htm” button=”Theo vinacomin”]