Sản xuất thạch cao nhân tạo từ nước bẩn công nghệ là một trong những công trình không thể không kể đến, kết tinh trí tuệ, thể hiện sự sáng tạo không ngừng của các cán bộ Chi nhánh Luyện đồng Lào Cai. Từ đây, không chỉ tạo ra một sản phẩm mới mà còn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo vệ môi trường.
Là chủ nhiệm đề tài, đồng chí Vũ Ngọc Quý – Phó Giám đốc Chi nhánh Luyện đồng Lào Cai cho biết, dây chuyền xử lý nước thải của Nhà máy Luyện đồng Lào Cai có nhiệm vụ xử lý nước bẩn nhiễm axit phát sinh từ công đoạn sản xuất Axit và Điện phân. Dây chuyền này hiện nay nhìn chung hoạt động ổn định, đáp ứng được theo yêu cầu thiết kế, xử lý nước thải và đảm bảo được các tiêu chuẩn hiện hành về chất lượng nước thải công nghiệp trước khi thải ra môi trường. Tuy nhiên có một thực tế, quá trình xử lý làm phát sinh các loại bã thải (bã giai đoạn 1 chủ yếu là CaSO4 nhưng vẫn còn nhiễm axit, bã giai đoạn 2 chứa một phần CaSO4, một lượng nhỏ các kim loại nặng và đồng). Bã giai đoạn 1 mặc dù chứa chủ yếu là CaSO4 nhưng chất lượng rất thấp, không đáp ứng được tiêu chuẩn thạch cao nhân tạo; bã giai đoạn 2 thuộc danh mục chất thải nguy hại, vì vậy tất cả đều phải tiến hành chuyển giao, xử lý hoặc chôn lấp theo quy định rất nghiêm ngặt.
Xuất phát từ thực trạng trên, việc nghiên cứu cải tiến công nghệ xử lý nước thải để sản xuất thạch cao đáp ứng được tiêu chuẩn của thạch cao nhân tạo làm phụ gia cho các nhà máy sản xuất xi măng; đồng thời thu hồi kim loại đồng còn lẫn trong nước thải để quay vòng xử lý không làm phát sinh các loại chất thải có ý nghĩa rất lớn về mặt nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường do tăng thêm chủng loại sản phẩm sản xuất và giảm thiểu phát sinh các loại chất thải và chất thải nguy hại.
Công nghệ này được mô tả cụ thể là: tiến hành bổ sung hệ thống thiết bị lọc rửa, thùng khuấy, nhà sấy khô… và điều chỉnh dây chuyền công nghệ (điều chỉnh chế độ pH đồng thời thay thế chất trung hòa vôi củ (CaO) bằng bột đá vôi (CaCO3) tại công đoạn xử lý nước thải giai đoạn I) tiến hành sản xuất thạch cao đảm bảo chất lượng xuất bán ra thị trường. Thay thế chất trung hòa vôi củ (CaO) bằng vôi ngậm nước (Ca(OH)2) kết hợp điều chỉnh pH tại công đoạn xử lý nước thải giai đoạn II tiến hành tận thu kim loại đồng trong bã thải sau xử lý nước, Bã thải chứa đồng (hàm lượng ~ 15%Cu) được quay vòng vào sản xuất nâng cao thực thu chung của Chi nhánh đồng thời không làm phát sinh chất thải nguy hại sau xử lý nước, giảm chi phí bảo quản, chôn lấp. Việc thay thế vôi củ bằng vôi ngậm nước hạn chế được nhân công tôi vôi, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.
Có thể nói, việc đưa công nghệ sản xuất thạch cao nhân tạo từ nước bẩn công nghệ vào hoạt động có ý nghĩa rất lớn với Chi nhánh Luyện đồng Lào Cai nói riêng và Tổng công ty Khoáng sản nói chung. Tăng thêm chủng loại sản phẩm sản xuất góp phần tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh; tận thu kim loại đồng trong nước thải, sản xuất ra bã chứa đồng (hàm lượng ~ 15%Cu) được quay vòng vào sản xuất nên nâng cao thực thu chung của Chi nhánh. Mặt khác, không làm phát sinh chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại sau xử lý nước, giảm chi phí bảo quản, chôn lấp, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường tốt hơn.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/vui-tu-cong-trinh-ket-tinh-tri-tue-201701231124018774.htm” button=”Theo vinacomin”]