Năm 2017, Công ty Nhiệt điện Sơn Động đề ra nhiệm vụ sản xuất và tiêu thụ 1,25 tỷ kWh điện, phấn đấu mức doanh thu 1.623 tỷ đồng. Để hoàn thành nhiệm vụ trên, trong điều kiện phát điện cạnh tranh gay gắt, không chỉ nỗ lực vận hành nhà máy hoạt động ổn định mà Công ty còn cần tổ chức chào thầu giá điện một cách năng động theo từng ngày, từng mùa.
Qua câu chuyện trao đổi với ông Vũ Văn Mão, Phó giám đốc Công ty Nhiệt điện Sơn Động, chúng tôi mới hiểu thêm, người sản xuất điện trong cơ chế thị trường hiện nay cũng lắm nỗi truân chuyên. Ông Mão chia sẻ, không phải cứ nhà máy hoạt động “ro ro”, phát điện đều lên lưới đã là hiệu quả. Bởi vì, trong điều kiện phát điện cạnh tranh, các nhà máy điện phải chào giá với đơn vị huy động điện theo từng giờ. Giờ cao điểm một giá, giờ thấp điểm một giá khác. Một công ty huy động điện độc lập sẽ huy động các nhà máy phát điện theo giá chào thấp nhất. Hiểu theo nghĩa thị trường, có nghĩa là nếu ai bán giá thấp nhất thì họ mua. Hoặc là sẽ huy động 100% công suất, hoặc là thấp hơn, thậm chí không huy động. Điển hình là vào mùa mưa, các nhà máy thuỷ điện do có nhiều nước, họ chào giá thấp và được huy động cao, các nhà máy nhiệt điện sẽ bị huy động hạn chế. Xét về mặt tổng thể của toàn bộ nền kinh tế thì có lợi. Nhưng đôi khi những người sản xuất điện phải toát mồ hôi để cân đối chào giá sao cho vừa đảm bảo hiệu quả sản xuất, vừa có thể cạnh tranh… Với điều kiện như vậy, nếu không được huy động dài, giữa 2 tổ máy, lãnh đạo Nhà máy sẽ cân nhắc có thể phải ngừng đốt 1 tổ. Thời gian ngừng dài thì còn có lợi, chứ nếu thời gian ngắn sẽ tăng chi phí sản xuất, bởi mỗi lần đốt lại lò chi phí có thể lên đến hàng tỷ đồng. Công việc ngừng đốt lò luân phiên thường áp dụng cho thời điểm bảo dưỡng và chuẩn bị sẵn sàng cho những thời gian phát điện cao điểm, nhất là vào mùa khô. Nhiều khi được huy động thấp, các kỹ sư lập tức phải giảm công suất phát điện, chạy cầm chừng để giữ lò hoạt động. “Làm điện cũng có mùa đấy chứ…!” – ông Mão cười chia sẻ.
Ông Mão cho biết thêm, trong điều kiện thị trường phát điện cạnh tranh mạnh mẽ như hiện nay, giá điện thường xuyên dao động không ổn định. Cũng do yếu tố này, giá huy động công suất luôn ở mức thấp. Việc này làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình vận hành nhà máy. Để khắc phục tình trạng này, Công ty đã tuân thủ chặt chẽ mọi quy trình, quy phạm đảm bảo sản xuất gắn liền với hiệu quả và giải pháp an toàn nên nhà máy luôn vận hành đảm bảo kế hoạch đề ra. Năm 2016, Công ty đã sản xuất và tiêu thụ trên 1 tỷ kWh điện, bằng 100,3% kế hoạch năm, đạt mức doanh thu 1.369 tỷ đồng; tiền lương bình quân của cán bộ, công nhân viên đạt 7,7 triệu đồng/người/tháng. Công ty thực hiện đầy đủ nghĩa vụ ngân sách với Nhà nước và các chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động. Với nhiều giải pháp đồng bộ, năm 2016, Công ty vẫn đạt mức lợi nhuận gần 90 tỷ đồng, bằng 114% kế hoạch năm.
Năm 2017, Công ty sẽ áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ, nỗ lực đưa nhà máy hoạt động ổn định và tổ chức chào thầu giá điện một cách năng động theo từng ngày, từng mùa để đạt hiệu quả sản xuất. Công ty cũng tổ chức điều chỉnh hệ thống các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật phù hợp với từng thời điểm hàng ngày để phù hợp với chỉ tiêu huy động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Ngoài ra, Công ty từng bước xây dựng hệ thống định mức, xây dựng quy chế khoán quản đến từng bộ phận, từng loại hình công việc để đảm bảo quá trình sản xuất kinh doanh hiệu quả và tiết kiệm chi phí… Mặt khác, Công ty cũng luôn quan tâm đến các giải pháp bảo vệ môi trường, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động v.v.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/lam-dien-cung-co-mua-201703071718250419.htm” button=”Theo vinacomin”]