Với nhiệm vụ không chỉ thường trực ứng cứu sự cố mà còn kiểm tra, hướng dẫn, phê duyệt các phương án, đồng thời đôn đốc, kiến nghị các đơn vị thực hiện các giải pháp thủ tiêu sự cố… Trung tâm Cấp cứu mỏ luôn khẳng định sứ mệnh trọng yếu trong công tác đảm bảo an toàn sản xuất của Tập đoàn.
Trọng trách nặng nề
Chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, mỗi ngày đã có hàng vạn Thợ mỏ làm việc trên các tầng than, dưới hầm mỏ, nhà máy… với lượng máy móc thiết bị khổng lồ trong nhiều điều kiện lao động khác nhau. Tuy nhiên, Trung tâm Cấp cứu mỏ tập trung trọng tâm cao độ vào các đơn vị khai thác mỏ, nhất là các đơn vị khai thác mỏ hầm lò. Hiện nay, điều kiện khai thác của các đơn vị khai thác mỏ hầm lò dường như đều đã xuống âm. Trong đó, sâu nhất đã đến mức dưới -300 mét so với mực nước thông thuỷ. Trong điều kiện như vậy, các nguy cơ tiềm ẩn về sự cố bục nước, nổ khí hay áp lực mỏ là những mối lo lớn. Do có sự chủ động trong các giải pháp an toàn, cũng như áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật trong công tác kiểm soát, thủ tiêu sự cố… nên hiện nay chúng ta đã cơ bản kiểm soát được khí mỏ, nước mỏ hay áp lực mỏ. Vấn đề lại ở chỗ, trong quá trình thực hiện các thao tác kỹ thuật hay trong việc tuân thủ quy phạm an toàn của chính người lao động còn chưa được nghiêm túc nên vẫn còn có những vụ mất an toàn “không đáng có”.
Thiết thực trong từng giải pháp
Từ thực tế này, Trung tâm Cấp cứu mỏ đã và đang tích cực đẩy mạnh công tác kiểm tra thường xuyên để giúp các đơn vị hạn chế tình trạng này. Theo Kỹ sư Phạm Văn Huyên, Bí thư Đảng uỷ Trung tâm thì đây là một vấn đề đáng quan tâm hiện nay. Khắc phục tình trạng đó, Trung tâm chỉ đạo các bộ phận tăng cường kiểm tra ca 2, ca 3. Cũng theo ông Phạm Văn Huyên, qua tổng kết, rút kinh nghiệm các vụ sự cố gần đây cho thấy, có nhiều vụ thường xảy ra vào ca 2, ca 3. Trong đó nhiều hơn cả thường vào giai đoạn cuối ca, khi nhịp độ và cường độ lao động gấp rút hơn, sức lao động của công nhân giảm sút. Mặt khác, các đơn vị cũng thường bố trí kiểm tra, giám sát an toàn lao động nhiều hơn vào ca 1. Do vậy, Trung tâm Cấp cứu mỏ chủ động tăng cường lực lượng chiến sĩ kiểm tra tại các đơn vị vào ca 2, ca 3 nhiều hơn. Các kiến nghị được báo cáo và yêu cầu đơn vị chấn chỉnh ngay, chỉ khi đảm bảo an toàn mới đi vào sản xuất, hạn chế thấp nhất những sự cố, tai nạn có thể xảy ra.
Trong kiểm tra, Trung tâm tổ chức thỏa thuận với đơn vị theo kế hoạch ứng cứu sự cố, tìm kiếm cứu nạn, lấy mẫu khí mỏ và phân tích kịp thời, chính xác. Ngoài ra, Trung tâm tổ chức các đội ứng cứu thường trực 24/24 giờ ở cả 3 khu vực Hòn Gai, Cẩm Phả và Uông Bí cũng như đội lưu động, sẵn sàng cả về thiết bị và nhân sự, xuất phát nhanh nhất, giải quyết hiệu quả khi có sự cố xảy ra.
Trong công tác huấn luyện, Trung tâm nỗ lực rèn luyện cho các chiến sỹ ở cường độ cao, theo tiêu chí sẵn sàng vào những vị trí khó khăn nhất khi có sự cố xảy ra. Đảm bảo mọi chiến sỹ luôn thuần thục các động tác kỹ thuật cơ bản trong vận hành các thiết bị như xe cứu hộ đa năng, xe công trình xa, các loại máy thở, thiết bị cứu hộ, các bài tập tiếp cận sự cố theo tiêu chuẩn tại Hội thi Cấp cứu mỏ quốc tế… Các kỹ năng huấn luyện luôn được gắn liền với thực tế để áp dụng phù hợp vào các đơn vị khi được huy động cũng như trong kiểm tra. Năm 2017, Trung tâm phấn đấu huấn luyện 100% chiến sỹ đạt yêu cầu, trong đó, trên 70% đạt khá, giỏi trong các kỳ sát hạch.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/no-luc-vi-su-menh-trong-yeu-201704011557453042.htm” button=”Theo vinacomin”]