Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng là bộ phận đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng bộ Tập đoàn, luôn song hành với việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của Tập đoàn, cũng như việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của tổ chức đảng và đảng viên. Không những thế, công tác giáo dục chính trị tư tưởng còn phải đi trước, mở đường cho việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, mục tiêu, nhiệm vụ của Tập đoàn, nhất là đối với những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp hoặc ở những thời điểm có tính bước ngoặt của của Đảng bộ Tập đoàn.
Để công tác giáo dục chính trị, tư tưởng ở các tổ chức đảng và đảng viên đạt hiệu quả cao hơn, góp phần xây dựng Đảng bộ TKV trong sạch, vững mạnh cần tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng cho cán bộ, đảng viên, CNVC và người lao động, nhất là thế hệ trẻ. Đây là nội dung giáo dục cơ bản, nền tảng, quan trọng hàng đầu về tư tưởng chính trị đối với cán bộ, đảng viên. Nắm vững lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm và đường lối của Đảng là cơ sở của sự thống nhất trong nhận thức và hành động. Ngược lại, sự lạc hậu hay thiếu hiểu biết, hoặc nhận thức không đúng về lý luận chính trị sẽ tạo nên những khác biệt, lúng túng, thiếu thống nhất trong tư tưởng, nhận thức cũng như hành động thực tiễn, thậm chí gây sự hoài nghi về quan điểm, đường lối, mục tiêu của Đảng.
Hai là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nhiệm vụ chính trị (SXKD) của đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp và của Tập đoàn theo đúng chức năng, nhiệm vụ được quy định. Mục tiêu chủ yếu của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng là để hoàn thành nhiệm vụ chính trị với mục tiêu chung “An toàn – Đổi mới – Phát triển”. Xa rời mục tiêu này, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng sẽ không còn hiệu quả. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, các cấp ủy trong Đảng bộ Tập đoàn cần xác định rõ nội dung giáo dục chính trị, tư tưởng đối với từng tập thể, cá nhân trong tổ chức, xác định rõ tính chính trị, tính tư tưởng trong từng nhiệm vụ. Đồng thời cấp ủy lãnh đạo phát động phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị trong, cơ quan, đơn vị. Kết quả lao động, chất lượng sản phẩm, mức độ hoàn thành nhiệm vụ chính trị là tiêu chí quan trọng đánh giá chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng của cấp ủy, tổ chức đảng.
Ba là, cập nhật kiến thức mới, nâng cao trình độ hiểu biết, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, đảng viên, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Đó là những nhận thức mới về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, những quan điểm, chủ trương mới của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những thông tin mới về vấn đề thời đại, về tình hình thời sự trong nước, quốc tế, về chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng lãnh đạo, quản lý…
Bốn là, tăng cường giáo dục những yêu cầu, chuẩn mực đạo đức cách mạng, lối sống trong sạch, lành mạnh cho cán bộ, đảng viên trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, gắn với việc kiểm điểm, đánh giá và biện pháp giải quyết vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng của các cấp ủy theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), tạo niềm tin trong Đảng và trong quần chúng người lao động. Thực hiện yêu cầu này, ở mỗi tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, ban thường vụ cấp ủy, cấp ủy các cấp, ban lãnh đạo các cấp và đồng chí bí thư cấp ủy, người đứng đầu đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp cần chỉ đạo, lựa chọn một số vấn đề bức xúc, nổi cộm thuộc lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, lối sống để chi bộ, đảng bộ bàn biện pháp phấn đấu, khắc phục, tạo chuyển biến, đẩy lùi, tiến tới giải quyết dứt điểm trong một thời hạn nhất định.
Năm là, tuyên truyền, giáo dục để mỗi cán bộ, đảng viên nêu cao vai trò, trách nhiệm, tinh thần gương mẫu thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của Tập đoàn, đơn vị. Nếu cán bộ, đảng viên không có sự chuyển biến nào trong nhận thức và hành động thực tiễn, trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của Tập đoàn và của đơn vị là công tác giáo dục chính trị, tư tưởng không đạt yêu cầu.
Sáu là, đổi mới hình thức, phương pháp học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng sao cho vừa nghiêm túc, vừa khoa học, hiệu quả. Để thực hiện được yêu cầu này, các cấp ủy đảng cần đổi mới thực sự cách thức tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết theo hướng vừa chuẩn hóa, vừa đa dạng hóa và cụ thể hóa, tránh nhận thức một cách giản đơn rằng việc phổ biến, quán triệt nghị quyết của Đảng chỉ là thông tin một chiều những nội dung cơ bản của nghị quyết đến cán bộ, đảng viên, hoặc coi tổ chức được hội nghị quán triệt nghị quyết là xong nhiệm vụ của cấp ủy. Mỗi lần học tập, quán triệt nghị quyết phải được coi là đợt sinh hoạt học tập quan trọng, là đợt sinh hoạt tư tưởng lớn đối với cán bộ, đảng viên; học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng là trách nhiệm và quyền lợi của đảng viên. Chính vì vậy, mỗi đợt học tập, quán triệt nghị quyết phải được chuẩn bị chu đáo cả nội dung, phương pháp truyền đạt.
Bảy là, đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ, đảng bộ sao cho thiết thực, tạo sự hứng khởi và sự tham gia tích cực của đảng viên. Sinh hoạt đảng phải đảm bảo tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu. Bên cạnh các buổi sinh hoạt thường kỳ, các đảng bộ, chi bộ cần tăng cường các hình thức sinh hoạt chuyên đề về học tập, sinh hoạt khoa học, đấu tranh tư tưởng, chống các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, tự phê bình và phê bình, gắn với những yêu cầu, nhiệm vụ của tổ chức đảng trong từng thời điểm cụ thể.
Tám là, chú trọng làm tốt việc nêu gương những người tốt, việc tốt; lấy nhân tố tích cực để đẩy lùi tiêu cực; đồng thời phê phán, đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, vô trách nhiệm, vụ lợi cá nhân, vi phạm những chuẩn mực đạo đức, lối sống… Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Một tấm gương sống còn hơn trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Chính vì vậy, Người đã có ý kiến với Ban Tuyên huấn Trung ương về việc làm và xuất bản loại sách “Người tốt, việc tốt” để tuyên truyền, giáo dục những gương người tốt, việc tốt cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Chín là, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tuyên truyền cổ động, hoạt động văn hóa – văn nghệ, tạo ra những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, có tác dụng định hướng, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức sâu sắc đối với cán bộ, đảng viên, CNVC và người lao động.
Mười là, phát huy vai trò của các cơ quan thông tấn, báo chí tích cực tham gia phản ánh các hoạt động của Tập đoàn. Phát huy vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị trong Tập đoàn tham gia xây dựng Đảng.
Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, góp phần nâng cao nhận thức, niềm tin, lập trường, tư tưởng chính trị của cán bộ, đảng viên, CNVC và người lao động với sự phát triển bền vững của Tập đoàn là cơ sở chính trị quan trọng bảo đảm cho việc xây dựng Đảng bộ Tập đoàn trong sạch, vững mạnh.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/doi-moi-cong-tac-giao-duc-chinh-tri-tu-tuong-gop-phan-xay-dung-dang-bo-tkv-trong-sach-vung-201705201157204992.htm” button=”Theo vinacomin”]