Chuyến đi thăm miền Tây lần này mang lại thật nhiều cảm xúc. Quen đấy mà cũng lạ đấy, quen là bởi những vùng đất, những địa danh đó tôi đã từng đi qua, đã từng được trải nghiệm và cũng lạ là bởi vẫn những vùng đất đó bây giờ khác xưa nhiều quá. Khác đến ngỡ ngàng. Từ Tiền Giang Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang đến Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng rồi Cần Thơ, Vĩnh Long… Đâu đâu cũng đổi thay, những con đường trải nhựa phẳng lỳ,những cây cầu vắt ngang sông Tiền, sông Hậu cực kỳ đẹp đẽ và hiện đại. Trong các thành phố, thị xã là những tòa nhà cao tầng mọc lên san sát. Những khu nghỉ dưỡng lấn xa ra biển, những làng bè nổi, những khu du lịch, khu vui chơi giải trí được đầu tư, quy hoạch rất bài bản và hoành tráng… Tất cả những điều đó nói lên rằng cuộc sống của người dân vùng sông nước đã khác xưa rất nhiều, tốt đẹp hơn rất nhiều. Hình ảnh những cô gái miền Tây áo bà ba khăn rằn quấn cổ chèo xuồng ba lá, hay những cây cầu khỉ vắt vẻo qua các dòng kinh giờ đây không còn dễ kiếm tìm (có chăng là chỉ ở các khu du lịch).
Tuy vậy miền Tây vẫn giữ được dáng vẻ của một vùng sông nước hiền hòa, những kênh rạch chằng chịt len lỏi qua các khu rừng tràm, rừng đước, những cù lao mướt xanh một màu của những vườn cây ăn trái. Những cánh đồng lúa rộng bao la cò bay mỏi cánh.Và một điều đặc biệt đã đi vào tâm thức của mỗi người khi nói về vùng sông nước đó chính là hình ảnh của những chiếc xuồng ghe trở nặng nông sản hoa trái, bán mua tấp nập ở chợ nổi trên các dòng sông. Người miền Tây vẫn vậy vẫn phóng khoáng, vẫn hiền hòa vô tư vui vẻ say mê lao động bên những câu hò, điệu lý, những câu ca cổ. Đến với miền Tây ta như được trải lòng, được hết mình chìm đắm vào miền không gian văn hóa sông nước thanh bình hết sức đa dạng và hơn tất cả là được trò chuyện, được sống, được trải nghiệm cùng những người dân hết sức đáng yêu nơi đây. Có ai đó đã nói rằng: “Cuộc đời là một cuốn sách và mỗi nơi ta đến là một trang sách”… Vậy, hãy đi và cảm nhận.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/ve-mien-tay-201705291133578357.htm” button=”Theo vinacomin”]