Phải đến lần thứ ba hẹn gặp, tôi mới có thể ngồi trò chuyện cùng anh. Trước hiên nhà, bên những chén trà nồng đượm cuối chiều, anh kể tôi nghe những câu chuyện nghề thật giản dị, chân phương như chính bản chất người thợ lò.
Thợ lò Bùi Hải Nam sinh năm 1977 và lớn lên ở miền quê Hải Dương. Sau khi theo học khóa đào tạo nghề mỏ, năm 1996, anh về làm việc tại Công trường Khai thác 1 thuộc Công ty than Khe Chàm. Hiện anh Nam là tổ trưởng một tổ sản xuất thuộc Công trường Khai thác 4 với 40 thành viên, tính cả cánh thợ lò và cơ điện. Mỗi ngày, anh Nam đảm nhận nhiệm vụ tổ chức, đôn đốc anh em cùng nhau xuống diện khai thác than dưới lò chợ. Có những khi trong thời gian nghỉ lễ, chỉ cần báo có việc, anh cùng các đồng nghiệp lại sẵn sàng tất tả lên đường xuống lò.“Với hình thức khoán, lương ăn theo sản phẩm, bình quân mỗi công làm việc của mình cũng như của anh em trong Công trường dao động từ 750-800 nghìn đồng” – Anh Nam hồ hởi chia sẻ.
Hơn 20 năm làm thợ lò, nhiều câu chuyện xoay quanh cuộc sống người thợ được anh tâm sự. Trước đây, khi còn chống lò bằng vì gỗ, áp lực lớn có nguy cơ đổ lò. Lúc ấy những người công nhân già, có kinh nghiệm nhắc nhở anh em trẻ phải củng cố lò từ ngoài vào. Đó là điều cơ bản cần bảo để anh em nắm được. Nghề thợ lò luôn tiềm ẩn những tai nạn ập đến nhanh và bất ngờ nên sự quan sát, nhận định của những người đi trước lại càng quan trọng hơn nữa. Anh còn nhớ, khoảng thời gian năm 2002, các anh được giao nhiệm vụ làm giá. Lúc đó, do chưa có kinh nghiệm nên khi sự cố lò bị phá hỏa xuống triệt để xảy ra đã khiến vách cơ bản sập xuống, làm đổ mười mấy giá liên tiếp. Anh em trở tay không kịp. May mắn là không có thiệt hại gì về người. Nhưng nhiều thiết bị chống giữ đi kèm lại thiệt hại nặng. Từ đó anh càng nâng cao kiểm soát, để ý dấu hiệu báo áp lực lò gia tăng. Bụi đất lở trước gương hay văng nhả, đó là hiện tượng dự báo trước. Đó cũng là điều Bùi Hải Nam muốn chia sẻ với các đồng nghiệp trẻ: “Làm thợ lò ngoài sức khỏe ra còn phải có kỹ năng quan sát. Nhiều khi nhận định một sự cố, quan sát có thể nhận ra sự cố báo trước để giảm thiểu xảy ra tai nạn trực tiếp cho mình và đồng đội”.
Từ khi Công trường Khai thác 4 được Công ty “cơ giới hóa” bằng máy khấu than hiện đại, sản lượng than khai thác tăng cao lại đỡ vất vả, anh em phấn khởi lắm. Trước đây khi chưa có máy khấu than, mọi người làm thủ công nên sản lượng thấp, sức người bỏ ra lớn lại mất nhiều thời gian. Nay đã làm “nhàn” hơn rồi, tình cảm cánh thợ lại càng khăng khít hơn. Thợ lò mỗi người một miền quê, tất cả quy tụ về đây thêm gắn bó,điều đó thôi thúc anh sống khác hơn thời ở một mình ở quê nhà. Những lúc rảnh rỗi anh thường tham gia đá bóng, gắn kết tình cảm với anh em. Khi tan ca, anh trở về tổ ấm nhỏ thân thương nằm trong con ngõ nhỏ của làng mỏ Mông Dương, bên mâm cơm chị Nguyễn Thị Hương – vợ anh đã chuẩn bị, nơi có tiếng cười đùa của hai cô con gái nhỏ Minh Thu và Ánh Ngọc trong ngôi nhà vẫn thơm mùi vôi mới. Với anh Nam, vợ hiền đảm đang, con cái ngoan ngoãn mới là niềm cổ vũ lớn nhất để anh tích cực đi làm thêm nhiều ngày công cao.
Được thông báo mình nằm trong danh sách một trong những thợ lò ngày công cao được đi gặp mặt và tuyên dương ở Ninh Bình, cả gia đình anh đều bất ngờ và mừng rỡ. Đây cũng là một vinh dự, trở thành nguồn động lực để anh tiếp tục theo đuổi nghề tốt hơn nữa. Bùi Hải Nam gửi gắm đến các đồng nghiệp điều anh hằng tâm niệm: “Bất cứ mình làm gì, ngoài thu nhập để phục vụ gia đình, mình nên có một sự đam mê. Phải có sự thích thú với công việc thì mới có động lực để đi làm. Khi đó thì chẳng có gì là không thể”.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/duong-lo-co-anh-201706060905419576.htm” button=”Theo vinacomin”]