Mặc dù mới kết thúc hai phần ba chặng đường của năm 2019, nhưng các con số ấn tượng đã cho thấy TKV đang có những tăng trưởng mạnh mẽ so với những năm gần đây.
Năng suất lao động tăng 10%
Trong chiến lược phát triển của ngành Than giai đoạn 2016-2020, TKV đặt mục tiêu năng suất lao động tăng 4%/năm, thu nhập bình quân của người lao động tăng 3%/năm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, năng suất lao động đã tăng cao hơn nhiều do chương trình ứng dụng công nghệ cơ giới hóa, tin học hóa, tự động hóa đã phát huy hiệu quả. Chẳng hạn như, chỉ tính từ đầu năm đến nay, với nhiều giải pháp nâng cao năng suất lao động, năng suất lao động của các đơn vị sản xuất, tiêu thụ than đã tăng 10% so với cùng kỳ năm 2018. Cụ thể, theo tổng hợp, năng suất lao động tính theo sản lượng than tiêu thụ quy đổi của các đơn vị trong khối sản xuất, kinh doanh than tính đến hết tháng 8/2019 đạt 331 tấn/người, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2018. Năng suất lao động tính theo doanh thu của các đơn vị trong khối sản xuất than 8 tháng đầu năm 2019 đạt 0,68 tỷ đồng/người, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2018. Do vậy, tiền lương bình quân 2 năm nay đều tăng mỗi năm trên 5%.
Khai thác than lò chợ cơ giới hóa đồng bộ tại Công ty CP than Hà Lầm (ảnh Hùng Mạnh)
Nhìn lại những năm 2010 trở về trước, công tác vận tải chủ yếu là xe goòng, máng cào kết hợp thủ công, nhưng giờ đã có hệ thống băng tải than tự động thay thế, máy xúc trong lò thay thế xúc thủ công… nên năng suất lao động đạt cao hơn. Các đơn vị khai thác than hầm lò đã tích cực chỉ đạo chuyển đổi công nghệ khai thác hầm lò theo hướng áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, hiện đại, có công suất lớn. Công tác cơ giới hóa trong khai thác, đào lò được đặc biệt quan tâm thúc đẩy nhằm cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo an toàn, tăng năng suất, chất lượng. Các đơn vị khai thác than lộ thiên đã tập trung chỉ đạo điều hành ổn định hệ số bóc đất, thực hiện các giải pháp đồng bộ để giảm tổn thất tài nguyên, tích cực đầu tư thêm các phương tiện công suất lớn để tăng năng lực bốc xúc và vận tải mỏ… Về nhân lực, trước đây, cùng một vị trí làm việc mỗi tổ phải huy động 30-40 công nhân hợp tác mới đảm bảo chỉ tiêu phân xưởng giao. Nay nhờ có thiết bị máy móc hiện đại hỗ trợ, số lao động mỗi tổ đã giảm tới một nửa, nhưng năng suất công cao hơn. Do vậy, tính theo đầu người, năng suất lao động sẽ tăng cao.
Ngoài ra, năng suất lao động tăng nhanh còn do Tập đoàn cũng chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh sản xuất kinh doanh theo hướng chuyển đổi từ sản xuất – tiêu thụ sang sản xuất – kinh doanh, nên năng suất lao động tính theo doanh thu cũng tăng đáng kể. Đây là kết quả của hướng tư duy phù hợp với nền kinh tế thị trường.
Sản lượng cơ giới hóa chiếm 13%
Từ đầu năm đến nay, các đơn vị trong khối sản xuất than hầm lò đã đạt sản lượng khai thác than bằng công nghệ cơ giới hóa và cơ giới hóa đồng bộ trên 2,5 triệu tấn, chiếm 13% tổng sản lượng khai thác than hầm lò toàn Tập đoàn. Theo thống kê, những năm gần đây, sản lượng khai thác than bằng công nghệ cơ giới hóa của Tập đoàn đều tăng đáng kể, chiếm từ dưới 10% lên đến 13% tổng sản lượng khai thác hầm lò. Trong tổng sản lượng khai thác bằng công nghệ cơ giới hóa và cơ giới hóa đồng bộ của toàn Tập đoàn hiện nay, Công ty CP than Hà Lầm là đơn vị có điều kiện thuận lợi nhất về địa chất và tính chất vỉa than. Công ty này đang khai thác 1 lò chợ có công suất kỷ lục là 1,2 triệu tấn/năm và 1 lò chợ công suất 600 ngàn tấn/năm bằng công nghệ cơ giới hóa đồng bộ. Hai lò chợ này cho năng suất lao động tăng 3,39 lần so với lò chợ công nghệ giá xích, tăng 4,41 lần so với lò chợ giá XDY; đồng thời nâng cao mức độ an toàn, giảm nhân công.
Không riêng Công ty CP than Hà Lầm, tùy vào điều kiện địa chất của từng mỏ, một số đơn vị như: Công ty CP than Vàng Danh, Công ty than Nam Mẫu, Công ty than Dương Huy… cũng đã và đang tăng cường đầu tư cơ giới hóa cho những lò chợ khấu than bằng máy công suất 450.000- 600.000 tấn/năm. Bên cạnh đó, các đơn vị ngành Than còn áp dụng chống lò bằng các loại giá thủy lực, giá khung di động, giàn chống tự hành hiện đại… dần thay thế lao động thủ công và nâng cao chỉ số an toàn cho người lao động.
Tiếp tục tạo đột phá từ công nghệ
Theo mục tiêu, kế hoạch, trong những năm tới, TKV sẽ tiếp tục đầu tư ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa; cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo toàn diện đến đời sống của công nhân, nhằm tạo ra đột phá giúp ngành Than tăng trưởng nhanh và bền vững. Trước mắt, những tháng còn lại của năm 2019, toàn bộ các đơn vị khai thác than trong khối khai thác than hầm lò sẽ phấn đấu đạt sản lượng cả năm đạt trên 4 triệu tấn than khai thác bằng công nghệ cơ giới hóa và cơ giới hóa đồng bộ. Đồng thời, các đơn vị trong khối khai thác hầm lò sẽ tích cực đẩy mạnh công tác đào lò xây dựng cơ bản, tạo diện sản xuất, tăng cường nghiên cứu áp dụng công nghệ khai thác cơ giới hóa và cơ giới hóa đồng bộ theo điều kiện địa chất phù hợp từng khu vực, vỉa than trong khai thác than hầm lò. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có 12 lò chợ CGH đồng bộ với tổng công suất khai thác bằng công nghệ cơ giới hóa và cơ giới hóa đồng bộ lên 6,58 triệu tấn than khai thác/năm, chiếm khoảng 20% tổng sản lượng than khai thác hầm lò, và sẽ tiếp tục tăng dần vào các năm sau. Hiện nay, mỗi năm, Tập đoàn đầu tư từ 15.000-20.000 tỷ đồng cho việc mở rộng sản xuất và sẽ tiếp tục được đầu tư. Trong đó, những dự án, công trình cơ giới hóa sẽ là động lực chính giúp TKV nâng cao năng suất và sản lượng khai thác than cho các mỏ, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập và đời sống cho người lao động.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nhung-con-so-an-tuong-201910221618204863.htm” button=”Theo vinacomin”]