Doanh nghiệp có vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế, là bộ phận chủ yếu tạo ra tổng sản phẩm trong nước (GDP). Trước những luồng ý kiến khác nhau về kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân, tại lớp tập huấn công tác quản trị doanh nghiệp năm 2017 dành cho giám đốc các công ty, đơn vị trực thuộc TKV được tổ chức đầu tháng 5 vừa qua, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đặng Thanh Hải cũng có đề cập đến vai trò và vị trí của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Vai trò của doanh nghiệp nhà nước
Theo kinh nghiệm của nhiều nước, kể cả các nước phát triển, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) bao giờ cũng lao vào những lĩnh vực mạo hiểm. Những lĩnh vực tư nhân không chịu bỏ vốn vào thì DNNN bỏ vốn “gây dựng”. Từ thực tế ở nước ta sau chiến tranh, tư nhân ít vốn, chúng ta chủ trương phát triển kinh tế thị trường với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế theo định hướng XHCN, trong đó kinh tế Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, là mục tiêu hết sức quan trọng. Do vậy DNNN có nhiệm vụ, trước hết phải có tác động lan tỏa, tạo điều kiện cho khu vực kinh tế khác phát triển; có nhiệm vụ phát triển những ngành, đòi hỏi vốn lớn và công nghệ cao, DN FDI và tư nhân không muốn đầu tư, vì lợi nhuận không cao thời gian thu hồi vốn lâu. Ngoài ra, DNNN còn có nhiệm vụ quan trọng hơn, đó là chức năng phúc lợi, an sinh xã hội.
Hoạt động của các DNNN ở Việt Nam trong thời gian qua cho thấy, mô hình này đã đạt được những kết quả nhất định. Về cơ bản, các DNNN đã nắm giữ những ngành, lĩnh vực then chốt trong nền kinh tế, quy mô vốn liên tục tăng, khẳng định vai trò cụ thể của mình trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội đất nước. Về đóng góp cho nền kinh tế, mặc dù số lượng chiếm tỷ lệ rất nhỏ về số lượng trong khu vực doanh nghiệp (khoảng 0,67%), nhưng DNNN vẫn là nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước. Tốp 5 doanh nghiệp đóng góp thuế nhiều nhất trong các năm gần đây thì đều là doanh nghiệp nhà nước, hoặc có vốn Nhà nước chi phối. Bên cạnh đó, các DNNN không chỉ mang lại lợi ích kinh tế lớn cho đất nước; góp phần quan trọng vào tăng trưởng và phát triển kinh tế mà còn góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao mức sống cho nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh…
Tầm quan trọng của TKV đối với kinh tế nước nhà
Là một ngành kinh tế chủ lực quan trọng của nước ta, những năm qua TKV đã thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm nhiên liệu cho sản xuất các ngành công nghiệp quan trọng như sản xuất điện, thép, xi măng, phân bón…; thu hút lượng lớn lao động và đem lại nguồn lợi nhuận không nhỏ cho đất nước. Về đóng góp cho ngân sách, số liệu thống kê cho thấy, nộp ngân sách nhà nước từ năm 1995 trở lại đây đã tăng từ 120 tỷ đồng lên 16.150 tỷ đồng năm 2011. Từ năm 2012 đến nay, do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế nên chỉ số này có thấp hơn nhưng vẫn ở mức trên 12.000 tỷ đồng/năm. Không chỉ có vậy, nhiều năm trở lại đây, TKV đã tham gia chương trình 30a của Chính phủ giúp đỡ 3 huyện nghèo thuộc các tỉnh Hà Giang, Bắc Kạn và Lâm Đồng. Ngoài ra TKV còn tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, văn hóa xã hội khác ở Quảng Ninh và và các địa phương khác với kinh phí hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Để giữ vững vai trò là một Tập đoàn kinh tế hàng đầu của đất nước, một trong ba trụ cột đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, nhất là trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay, theo ông Đặng Thanh Hải – Tổng Giám đốc TKV trong thời gian tới, TKV sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư các dự án trọng điểm, tăng cường ứng dụng công nghệ khai thác hiện đại, từng bước hướng tới ứng dụng các giải pháp của công nghiệp 4.0 trong ngành mỏ; đẩy mạnh tái cơ cấu mô hình tổ chức sản xuất; đổi mới quản trị doanh nghiệp tiên tiến nhằm nâng cao năng suất lao động, nâng cao sức cạnh tranh, hội nhập quốc tế…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/vai-tro-cua-dnnn-trong-nen-kinh-te-quoc-dan-201706301717383989.htm” button=”Theo vinacomin”]