Tập đoàn CN Than – Khoáng sản Việt Nam sẽ giảm tỷ lệ nắm giữ vốn Nhà nước tại Tổng Công ty Điện lực – TKV xuống còn 65%…
Tại hội thảo Cơ hội đầu tư vào Tổng Công ty Điện lực – TKV (Mã DTK – UpCOM) diễn ra ngày 26/7, ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn, cho biết, theo lộ trình, từ nay đến cuối năm, TKV sẽ thoái vốn, giảm tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước tại DTK từ 99,68% xuống còn 65%.
Bám sát chủ trương của Thủ tướng Chính phủ trong Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 2/2/2017 về việc đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2016-2020, HĐTV TKV đã thông qua định hướng, giải pháp tái cơ cấu thuộc TKV đến năm 2020. Tập đoàn cũng đã lập ra tổ công tác triển khai tái cơ cấu góp vốn của TKV tại các doanh nghiệp.
Đối với công tác thoái vốn của TKV tại DTK, việc thoái vốn đang được thực hiện theo đúng chủ trương của Chính phủ cho phép. Hiện, Tập đoàn và Tổng Công ty đang định hướng các nhà đầu tư tiềm năng tập trung vào các tiêu chí bao gồm nhà đầu tư có nhu cầu và năng lực tài chính, ưu tiên các nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp điện, ưu tiên các nhà đầu tư có cam kết bằng văn bản về việc gắn bó lợi ích lâu dài với doanh nghiệp…
Ông Nguyễn Trọng Hùng – Chủ tịch HĐQT DTK:
Kế hoạch trong quý III/2017, TKV và DTK sẽ thực hiện tiếp xúc với các nhà đầu tư và trong quý IV/2017 sẽ thực hiện giao dịch theo hình thức bán lô hoặc thoả thuận.
Chúng tôi mong muốn mang đến cho các Nhà đầu tư một cơ hội lựa chọn đầu tư hiệu quả, kiến tạo những giá trị đích thực, sự ổn định và ngày càng gia tăng cho các cổ đông của Tổng Công ty. Chính những áp lực của thị trường đã giúp cho Tổng Công ty hoàn thiện hơn trong công tác quản trị, quản lý và điều hành kinh doanh, đảm bảo hiệu quả hoạt động và đáp ứng những kỳ vọng của các nhà đầu tư đã dành sự quan tâm đối với cổ phiếu DTK.
Ông Đào Hồng Dương – Giám đốc Trung tâm phân tích chứng khoán PSI:
DTK là đơn vị tiên phong trong đầu tư phát triển nguồn điện cho đất nước và là nhà đầu tư phát triển nguồn điện lớn thứ 3 (sau EVN và PVN) với tổng công suất các nhà máy đạt 1.730 MW. Hàng năm, DTK sản xuất lượng điện từ 8.500-9.500 triệu kWh góp phần quan trọng đảm bảo điện cho phát triển kinh tế đất nước. Mặt khác, DTK có lợi thế về nguồn nhiên liệu trong nước ổn định và liên tục với nguồn than sản xuất tại chỗ, bảo đảm ổn định trong sản xuất, tiết kiệm chi phí vận chuyển, nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị từ khai thác đến sản phẩm điện thương mại.
Về tình hình tài chính, mặc dù các dự án đầu tư nguồn điện cần có nguồn vốn lớn và phải vay nợ nhiều và vay bằng ngoại tệ. Do vậy, những năm đầu xây dựng và vận hành các chi phí thường rất lớn. Đến hết quý II/2017, tỷ lệ nợ phải trả trên tổng nguồn của DTK đang ở mức 74,1% và tiếp tục giảm dần trong các năm tới, hiệu quả kinh doanh sẽ tốt lên cho chi phí tài chính hằng năm giảm nhanh.
Bước tiếp theo trong đề án tái cơ cấu trình Thủ tướng Chính phủ tới đây, TKV sẽ giảm tiếp tỷ lệ nắm giữ vốn Nhà nước tại Tổng Công ty Điện lực – TKV xuống còn 51%. Về sau này, theo chỉ đạo của Chính phủ, sẽ đánh giá xem mục tiêu tiếp theo thoái thế nào cho phù hợp, các cổ đông nếu có mong muốn sở hữu tỷ lệ cao hơn thì cũng sẽ mở rộng.
Vốn điều lệ của DTK hiện nay là 6.800 tỷ đồng, tương ứng với 680 triệu cổ phần, mệnh giá mỗi cổ phần là 10.000 đồng.
Theo kế hoạch thoái vốn, phần nắm giữ của Tập đoàn tại Tổng Công ty này sẽ giảm xuống 65%. Như vậy, số cổ phần sẽ thoái vốn lên tới 235.808.500 cổ phần, tương đương 2.358 tỷ đồng.
Tổng Công ty Điện lực – TKV còn tham gia góp vốn vào 3 nhà máy điện khác có tổng công suất 3.600 MW, với tỷ lệ nắm giữ từ 5 – 10%.Tính đến cuối năm 2016, Tổng Công ty sở hữu 7 nhà máy điện, trong đó có 5 nhà máy trực thuộc có tổng công suất là 1.030 MW và 2 công ty con với 2 nhà máy có tổng công suất là 700 MW.
Như vậy, các nhà máy điện của Tổng Công ty có tổng công suất thiết kế 1.730 MW, tổng sản lượng thiết kế là 10,038 tỷ kWh và hàng năm đã đạt sản lượng thực tế là 9,3-9,5 tỷ kWh.
Năm 2016, Tổng Công ty Điện lực – TKV có lợi nhuận trước thuế là 244 tỷ đồng, và 6 tháng đầu năm 2017 đạt 261 tỷ đồng.Hiện, DTK đang đầu tư Nhà máy nhiệt điện Na Dương 2, công suất 110 MW với dự kiến năm 2020 vào vận hành. Ngoài ra, TKV và DTK đang xem xét triển khai các dự án như Nhiệt điện Quỳnh Lập 1, Hải Phòng 3…
Tiêu chí được Tập đoàn đặt ra để chọn nhà đầu tư cho DTK là khá rộng, từ các công ty, quỹ đầu tư hay các doanh nghiệp sản xuất hoạt động trong lĩnh vực điện.
Hiện, đã có một số nhà đầu tư trong và nước ngoài quan tâm, tìm hiểu thông tin như Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Singapore…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/them-co-hoi-cho-cac-nha-dau-tu-nhiet-dien-than-201708141028254949.htm” button=”Theo vinacomin”]