Phân hiệu Đào tạo Cẩm Phả, Trường Cao đẳng Than – Khoáng sản Việt Nam là một trong các cơ sở đào tạo lớn, là “cái nôi” đào tạo hàng vạn thợ mỏ cho ngành Than. Trong những năm qua, Phân hiệu đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu sản xuất của doanh nghiệp.
Học sinh nghề Khai thác mỏ hầm lò thực hành tay nghề cơ bản tại Trung tâm đánh giá kỹ năng nghề Quốc gia – Vinacomin
Để đáp ứng cho công tác đào tạo nói chung và đào tạo các nghề mỏ cho Tập đoàn, Phân hiệu được Nhà trường đầu tư, trang bị đồng bộ, hiện đại cơ sở vật chất đào tạo, trang thiết bị dạy học như nhà hiệu bộ, nhà lớp học, ký túc xá, xưởng thực tập…, đặc biệt là đầu tư cho đào tạo các nghề mỏ hầm lò, thực hiện nhiệm vụ chính của Nhà trường.
Trung tâm Đánh giá kỹ năng nghề Quốc gia – Vinacomin tại Phân hiệu vừa là nơi cho học sinh các nghề mỏ hầm lò thực tập tay nghề cơ bản, vừa tổ chức đánh giá kỹ năng nghề cho 3 nghề mỏ hầm lò gồm Kỹ thuật Khai thác mỏ hầm lò, Kỹ thuật Xây dựng mỏ hầm lò và Kỹ thuật Cơ điện mỏ hầm lò theo tiêu chuẩn kỹ năng nghề Quốc gia của Bộ Công Thương ban hành. Trung tâm được trang bị đầy đủ các thiết bị, công nghệ hiện đang được sử dụng trong sản xuất hầm lò như máy đào lò liên hợp Combai AM-50Z, máy khấu than, máy khoan cần, máy xúc lật hông VMC E500-1, giá khung thủy lực liên kết xích XDY, giá di động GK, ZH…
Thầy Ngô Xuân Khoa, Trưởng Phân hiệu cho biết: “Năm học 2017-2018, Phân hiệu được giao đào tạo trên 1.800 học sinh các ngành nghề, trong đó học sinh các nghề mỏ hầm lò là trên 1.300 học sinh, chiếm hơn 72%. Thực hiện nhiệm vụ đào tạo các nghề mỏ hầm lò các hệ sơ cấp và trung cấp, ngoài việc học lý thuyết, các khoa nghề chú trọng đào tạo thực hành tay nghề cơ bản cho học sinh tại Trung tâm đánh giá kỹ năng nghề Quốc gia. Đồng thời, không ngừng đổi mới phương pháp dạy học, giúp học sinh tiếp thu kiến thức một cách nhanh nhất với các bài thực tập sát với thực tế sản xuất của các doanh nghiệp và tăng cường đào tạo các công nghệ, thiết bị mới, hiện đại đang được áp dụng như thiết bị lò chợ cơ giới hóa, tự động hóa, đào chống lò bằng vì neo…”.
Quá trình học tập, học sinh được đào tạo theo 3 giai đoạn gồm: giai đoạn 1 – học các môn lý thuyết cơ sở và chuyên môn; giai đoạn 2 – học các môn môđun chuyên ngành và thực hành tay nghề cơ bản; giai đoạn 3 – thực tập sản xuất tại doanh nghiệp. Cùng với đó, chú trọng đào tạo sâu các môn học kỹ thuật an toàn, kỹ năng phòng tránh tai nạn trong mỏ hầm lò; thực hành sử dụng thành thạo các thiết bị an toàn cấp cứu mỏ, sơ cấp cứu ban đầu. Trong thực tập sản xuất, Phân hiệu phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp đảm bảo hoàn thành quá trình thực tập theo các giai đoạn để học sinh làm quen dần từ dễ đến khó, đến thành thạo…
Tại Trung tâm đánh giá kỹ năng nghề Quốc gia, thầy và trò Khoa Hầm lò 1 đang trong giờ thực hành: “Vận hành giá thủy lực di động liên kết xích ZH 1600”. Em Ngọc Văn Thượng, quê huyện Lộc Bình, Lạng Sơn, học sinh Lớp HTC1- Khóa 42, hệ Trung cấp nghề Khai thác mỏ hầm lò chia sẻ: “Cùng với nhiều học sinh trong huyện về đây học, được các thầy cô tận tình truyền đạt, hướng dẫn các kiến thức, kỹ năng, chúng em hoàn toàn yên tâm khi được học tập, rèn luyện trong môi trường đào tạo tại Phân hiệu và mong muốn ra trường có việc làm, thu nhập ổn định”.
Với những nỗ lực phấn đấu không ngừng của thầy và trò Phân hiệu Đào tạo Cẩm Phả – Trường Cao đẳng TKV, chất lượng đào tạo ngày càng được nâng lên, học sinh khi ra trường đáp ứng được công việc, nhiều người trở thành những thợ giỏi, thợ lành nghề, góp phần xây dựng lực lượng lao động có trình độ, kỹ năng, tác phong công nghiệp phục vụ cho sự phát triển của ngành Than.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/ghi-o-cai-noi-dao-tao-tho-mo-201708261646049177.htm” button=”Theo vinacomin”]