Ngành Than đang gặp khó. Điều đó đồng nghĩa với gánh nặng cơm – áo – gạo – tiền đang đè nặng lên đôi vai của những người thợ mỏ.
Sau những cơn mưa dầm mùa hè liên miên, năm học mới của các con lại đang bắt đầu, có lẽ đây là một trong những thời điểm mà giọt mồ hôi trên trán họ nặng nề đến thế…
Nồi cá kho của Mai
Ngôi nhà của vợ chồng Chu Thị Mai nằm gọn lỏn trong một ngõ dân sinh phường Cẩm Phú. Con ngõ nhỏ là nơi tập trung của những gia đình thợ lò, người làm Than Hạ Long, người thì Hầm lò 1. Chồng Mai cũng là một thợ lò của Than Dương Huy. Mai kết hôn năm mới tròn đôi mươi. Hai vợ chồng dắt díu nhau từ miền quê xứ Nghệ ra vùng than lập nghiệp. Thuê nhà một thời gian dài, vợ chồng tích góp vay mướn cũng đủ mua một ngôi nhà nhỏ cũ kỹ. Những tưởng bao vất vả nhọc nhằn từ đây có thể vơi bớt. Nhưng không. Trận mưa lũ lịch sử tháng 7 năm 2015 khiến nhà Mai bì bõm trong nước. Con xóm nhỏ ồn ào bởi tiếng hàng xóm, láng giềng chạy qua chạy lại, hối thúc nhau nhanh chóng dọn dẹp đồ đạc cho đôi vợ chồng trẻ. Nhà chỉ có chồng là người kiếm tiền, có ngôi nhà trú chân thì nay dột, mai ngập, vợ chồng Mai bóp miệng vay ngân hàng để có tiền xây nhà mới. Năm ấy, vợ chồng Mai đã có hai bé gái.
Có tiền vay rồi, ước mơ xây ngôi nhà mới đã nằm trong bàn tay. Ngày động thổ cũng là ngày Mai biết mình mang thai đứa trẻ thứ ba. Vỡ kế hoạch, nay mọi thứ chi tiêu lại càng phải tằn tiện hơn. Mỗi tháng, với tiền lương chồng mang về, Mai đã phải dành ra phân nửa để trả nợ ngân hàng. Còn lại là tiền học cho hai đứa lớn, tiền bỉm sữa cho cu bé, tiền sinh hoạt chung cho cả nhà… Cũng bởi thế, đã ngót mấy năm rồi, những đứa trẻ chưa được về quê thăm ông bà.
Năm học mới lại bắt đầu. Bé Hồng Thắm – con đầu lòng nhà Mai dù mới 10 tuổi nhưng đã rất hiểu chuyện. Biết cha mẹ nhọc nhằn, vất vả, ngoài giờ lên trường, Thắm thường phụ mẹ nấu cơm, bế em, tuyệt nhiên không đòi hỏi cái áo hay cái cặp sách mới. Họp phụ huynh đầu năm cho con, bao khoản tiền lại bủa vây. Bà mẹ trẻ không còn cách nào khác, đành nhờ cô giáo ứng tạm số tiền học, cuối kỳ có tiền sẽ gửi lại cho cô. Bé thứ hai – Minh Tâm, năm nay mới 4 tuổi, nhìn lũ trẻ ở lớp mẫu giáo có thứ này thứ kia thì về nhà đòi mẹ. Thương con, Mai dành ra một số tiền nhỏ, mua cho con một đôi dép nhựa mới. Con bé thích lắm, đêm đi ngủ cũng mang dép theo lên giường.
Món cá kho đã quá quen thuộc trong bữa cơm gia đình chị Chu Thị Mai (Ảnh Hùng Mạnh)
Hôm nay, biết nhà có khách, Mai đã vội qua chợ mua chút cá, chút rau. Cầm trong tay những đồng tiền lẻ, ở sạp cá, cô chọn loại cá bạc má – loại cá rẻ nhất – về kho dứa. Còn lại mua một mớ rau muống đem luộc. Mai bảo: “Thỉnh thoảng, ngày nào chồng em muốn cải thiện thì em mua thêm miếng thịt về kho, hoặc nửa con vịt nhỏ đem luộc. Mỗi lần như thế, mẹ con em cũng ké được miếng”.
Tháng vừa rồi, Toàn – chồng Mai đi làm được 26 công, mang về cho vợ 12 triệu. Tháng này, trước khi tham gia chuyến du lịch cùng anh em Công ty, chồng Mai đã dặn: “Tháng này lương mình không cao, hết chuyến nghỉ dưỡng về tôi sẽ đi làm thêm để kiếm công. Mẹ chúng nó ở nhà chi tiêu tiết kiệm hơn nhé”. Mai lại buông một tiếng thở dài, liếc nhìn về góc bếp. Nồi cá bạc má vừa kho kia, chị và các con sẽ phải ăn trong một tuần nữa rồi.
Hy vọng về một ngày mai
Nguyễn Thị Thảo là công nhân thuộc Phân xưởng Đường sắt của Tuyển than Cửa Ông. Tổ đội sửa chữa của Thảo hôm nay nhận nhiệm vụ ở một khung đường tàu, cách nhà Thảo hơn chục cây số. Về đến nhà, chưa kịp thay bộ đồ bảo hộ lao động, Thảo đã tất tả với những công việc không tên. Dọn dẹp xong căn bếp, cắm nhanh nồi cơm, chị lại nhanh chóng qua trường tiểu học, đón con gái thứ hai tan lớp. Chồng Thảo làm ngoài, thu nhập không ổn định. Con trai lớn của chị vừa đỗ Đại học, chuẩn bị ít hôm tới lên Thủ đô nhập trường. Tiền chuẩn bị cho con đi học, Thảo đã dành dụm cất riêng ra. Chị cùng con hoàn thành các thủ tục, giấy tờ còn thiếu và đăng ký cho con một tấm thẻ ATM. Trong khi đợi chồng về ăn cơm tối, chị ra khu vườn nhỏ sau nhà, vãi thóc cho đàn gà ăn. Con nào con đấy mượt mà, béo tốt, vừa là một cách tăng gia, lại vừa là món cải thiện cho bữa cơm gia đình.
Ngoài giờ làm việc, chăn nuôi là một cách tăng gia của chị Thảo
Khác với nhà Thảo, gia đình chị Hoàng Thị Minh Hương lại không có vườn tược để trồng trọt, chăn nuôi. Anh Mười, chồng Hương làm thợ cơ điện của Công ty than Hạ Long khu vực Tân Lập, từ ngày thuyên chuyển lên mặt bằng thì lương dao động chỉ trên dưới năm triệu. Đó cũng là nguồn thu duy nhất của gia đình với bốn miệng ăn. Với bài toán cân đối và tiết kiệm nguồn thu chi, có lẽ Hương là người quen thuộc hơn cả. Mấy đợt mưa lớn vừa qua, mớ rau ngoài chợ tăng giá cũng khiến Hương phải cân nhắc.
May mắn hơn chị Hương, chị Nguyễn Thị Hà lại có công việc ổn định khi làm nhân viên thuộc Phân xưởng chế biến của Công ty than Khe Chàm. Anh trai Hà không may qua đời trong vụ nổ khí metan ở Khe Chàm cách đây gần chục năm, mẹ già lại bị bệnh khớp lâu nay hành hạ nên mẹ con Hà thường ghé qua chăm sóc bà. Anh Hùng, chồng Hà là thợ lò Phân xưởng Khai thác 4 Than Khe Chàm, lại là người chịu thương, chịu khó, giàu ý chí. Sau những giờ phút vất vả dưới lò sâu, Hùng lại xắn tay vào công việc nhà, khi thì sửa cánh cửa, khi cuốc lại mảnh vườn. Tháng này, cu cậu đầu lòng nhà Hùng – Hà sẽ bước vào lớp một. Tính cả tiền học phụ đạo ngoại khóa hè, tiền học bán trú đầu năm, học phí của cậu cả đã “ngốn” của vợ chồng Hà tới sáu triệu đồng. Bỏ qua nỗi lo toan về tiền bạc, bữa tối, cả nhà bốn người lại quây quần bên mâm cơm với bà ngoại. Hai đứa trẻ lại tíu tít tiếng cười.
Nỗi lo cơm – áo – gạo – tiền là điều thường trực với những người lao động. Có những lúc khó khăn đấy, khổ cực đấy, họ vẫn coi đó là chuyện thường ngày và âm thầm vượt qua. Dù cho thời tiết có những chuyển biến thất thường, những giọt mồ hôi không ngừng rơi, họ vẫn không nguôi hy vọng về một ngày mai no ấm, đủ đầy hơn khi hòn than lại khởi sắc…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/quan-quanh-cau-chuyen-com-ao-gao-tien-201709201707065968.htm” button=”Theo vinacomin”]