Hội nghị tiếp tục thực hiện một số giải pháp nhằm tăng cường đào tạo, thu hút người lao động làm việc trong hầm lò của TKV diễn ra mới đây đã có rất nhiều ý kiến tham gia với những góc cạnh và màu sắc khác nhau. Cả Tập đoàn đều đã và đang vào cuộc quyết liệt bởi từ đầu năm 2017 đến nay, tỷ lệ thợ lò bỏ việc tính trên số tuyển mới có xu hướng tăng đột biến với tỷ lệ lên tới xấp xỉ 100%. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cân đối lao động của các công ty, đặc biệt từ cuối năm 2018 khi nhu cầu than tăng trở lại. Vì vậy, đảm bảo không thiếu thợ lò là nhiệm vụ đặt ra cấp bách với TKV trong thời gian tới.
Bí thư Đảng uỷ – Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Lê Minh Chuẩn: Từ Tập đoàn đến các đơn vị thời gian tới cần phải thay đổi tư duy, phải tiếp cận ngày càng gần hơn theo xu hướng của thế giới đó là mỏ hiện đại, mỏ xanh, mỏ sạch và có điều kiện làm việc an toàn nhất. Các đơn vị phải tập trung giải quyết triệt để 5 vấn đề: Thứ nhất và quan trọng hàng đầu là phải cải thiện điều kiện làm việc, tạo ra một môi trường làm việc hấp dẫn để bản thân thợ lò thấy rằng – đó là nơi đáng làm việc, đáng cống hiến hết mình. Thứ hai, trả mức lương xứng đáng cho thợ lò, phù hợp với cống hiến của họ. Thứ ba, làm sao thúc đẩy và chăm lo cho đời sống của thợ lò cũng như gia đình họ ngày càng khấm khá hơn. Thứ tư, luôn tôn trọng, bình đẳng với người thợ nhưng vẫn phải đảm bảo những nguyên tắc nhất định; phải đặc biệt quan tâm đến việc ứng xử sao cho phù hợp với thợ lò và hài hoà mối quan hệ lao động trong đơn vị. Thứ năm, cần từng bước xây dựng được văn hoá cộng đồng với những nét riêng cho thợ lò.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Đặng Thanh Hải: Dù là áp dụng giải pháp gì để thu hút và giữ chân thợ lò thì cũng phải “thấm” quan điểm xuyên suốt của lãnh đạo Tập đoàn: Thợ lò luôn là số 1, tất cả vì người thợ; việc thu hút, đào tạo, giữ chân thợ lò luôn là quan tâm hàng đầu của lãnh đạo Tập đoàn. Để tập trung triển khai thu hút thợ lò một cách hiệu quả thời gian tới đây, Ban TCNS Tập đoàn và Trường Cao đẳng TKV phải tiếp tục giữ vai trò chủ chốt. Cùng với đó, phải đặc biệt quan tâm và quyết liệt nâng cao trách nhiệm của các công ty, nhất là người đứng đầu các đơn vị cần thực sự vào cuộc để có các giải pháp đồng bộ và căn cơ trong công tác này, chứ không chỉ hô hào khẩu hiệu chung chung, làm hời hợt. Về lâu dài phải làm sao tạo ra và củng cố sự khác biệt của TKV về môi trường làm việc, sự quan tâm, chăm lo… để thu hút và giữ chân thợ lò một cách bền vững khi họ thực sự mong muốn gắn bó với Tập đoàn chứ tuyệt đối không vì cạnh tranh lao động mà bằng giá nào cũng chạy theo các doanh nghiệp khác.
Chủ tịch Công đoàn TKV Lê Thanh Xuân: Công đoàn sẽ vào cuộc tích cực hơn nữa cùng chuyên môn để tăng cường tuyên truyền, tham gia với chuyên môn cải thiện điều kiện làm việc cũng như an toàn lao động cho người thợ; chống thất thoát và đảm bảo tiền lương cho thợ lò. Sắp tới đây, Công đoàn TKV sẽ xây dựng một quy chế cụ thể về giải thưởng để động viên những thợ mỏ có thành tích tốt, năng suất cao trong nhiều năm, những gia đình thợ lò có nhiều đời làm mỏ…
Đồng chí Trần Văn Cừ – Trưởng ban Tổ chức nhân sự Tập đoàn: Để đẩy mạnh thu hút thợ lò cần thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp trọng tâm như: Tiếp tục thực hiện nghiêm túc 5 nhóm giải pháp thu hút người lao động làm việc trong hầm lò đã được ban hành tại Chỉ thị 118 ngày 23/6/2014 về thực hiện các giải pháp thu hút NLĐ làm việc trong hầm lò, trong đó đặc biệt ưu tiên triển khai giải pháp đẩy mạnh cơ giới hoá, tự động hoá trong đào lò và khai thác than. Đổi mới phương thức truyền thông về nghề mỏ hầm lò theo phương thức truyền thông tự thân, nghĩa là để chính người trong cuộc (thợ lò) tuyên truyền về những ưu việt của nghề cho người thân và bạn bè họ. Điều chỉnh phương thức đào tạo thợ lò theo hướng: các doanh nghiệp thành viên cân đối lại kế hoạch đào tạo thợ lò giai đoạn 2017 – 2020, nếu điều kiện sản xuất và khả năng tổ chức lao động cho phép thì được chuyển một số chỉ tiêu đào tạo thợ lò trình độ trung cấp sang đào tạo trình độ sơ cấp; thay đổi hình thức đào tạo theo hai giai đoạn với các quy trình được điều chỉnh cho phù hợp; tiếp tục điều chỉnh giảm thời gian đào tạo và điều chỉnh kết cấu môn học và bằng các giải pháp hạn chế học sinh bỏ học trong quá trình học tập làm lãng phí chi phí đào tạo của các doanh nghiệp. Tiếp tục nghiên cứu triển khai chế độ bảo hiểm hưu trí bổ sung đối với thợ lò để tăng sức hấp dẫn nghề nghiệp. Đồng thời, tiếp tục tăng tiền lương để giữ và thu hút thợ lò.
Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và giới thiệu việc làm – Trường Cao đẳng TKV Vũ Văn Thịnh: Vì đặc thù làm công tác tuyển sinh nên tôi đã đi nhiều nơi, hầu như địa phương nào cũng đã đặt chân tới. Theo tôi, trong rất nhiều giải pháp để tuyển sinh được nhiều thợ lò thì quan trọng nhất chính là phải làm sao tạo ra thế kiềng ba chân vững chãi, kết nối giữa trường – doanh nghiệp – địa phương cùng có trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, tuyển sinh, đào tạo và giải quyết việc làm ngay sau khi các em ra trường – có thể nói đây là giải pháp mang tính chiến lược dài hơi. Còn giải pháp trước mắt là phải tiếp tục mở rộng địa bàn tuyển sinh đến cả các huyện vùng sâu vùng xa, nhất là tại các tỉnh miền núi phía Bắc.
Giám đốc Công ty CP than Vàng Danh Phan Xuân Thuỷ: Trong các nhóm giải pháp chính của Chỉ thị 118, Than Vàng Danh chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc tăng cường cải thiện điều kiện làm việc cho thợ lò. Với một đơn vị lâu năm, truyền thống như Than Vàng Danh, tôi thấy rằng ngoài nỗ lực chăm lo tối đa các điều kiện cho thợ lò từ chế độ lương khuyến khích, nhà ở tập thể khang trang… thì thiết thực cải thiện điều kiện làm việc cho thợ lò chính là điểm mấu chốt để thu hút thợ lò và giữ chân họ. Công ty cũng đề xuất, nên chăng thời gian tới Tập đoàn có định hướng cụ thể hơn sản lượng khai thác than từ 3-5 năm, từ đó giúp các đơn vị khai thác mỏ hầm lò có những tính toán, chủ động chuẩn bị nguồn nhân lực cho phù hợp và dài hơi hơn.
Giám đốc Công ty CP than Núi Béo Ngô Thế Phiệt: Mỗi tháng, chúng tôi duy trì tổ chức đối thoại, gặp gỡ trực tiếp các học sinh đang thực tập tại Than Núi Béo một lần. Thành phần gồm có cả Giám đốc và Chủ tịch Công đoàn Công ty. Tôi thấy cách làm này khá hiệu quả giúp chúng tôi “gần” các thợ lò tương lai hơn để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và cả những trăn trở của các em, từ đó có những điều chỉnh cho phù hợp và kịp thời. Quan điểm của lãnh đạo Công ty CP than Núi Béo là phải chú trọng tuyên truyền giáo dục tác phong làm việc, nét văn hoá thợ mỏ riêng của Than Núi Béo… ngay từ những ngày đầu các em tiếp xúc với công việc ở mỏ.
Giám đốc Công ty than Thống Nhất Phạm Đức Khiêm: Tăng cường phối hợp chặt chẽ, kịp thời giữa Trường Cao đẳng TKV và các đơn vị trong việc tuyển sinh bằng nhiều hình thức thiết thực theo chúng tôi là một giải pháp quan trọng để chuẩn bị nguồn thợ lò được đào tạo và về làm việc ở các đơn vị, giúp các đơn vị giảm bớt áp lực khi phải đảm bảo cân đối lao động trong khi thợ lò đang ngày càng thiếu hụt nghiêm trọng như hiện nay. Ở Than Thống Nhất, với những thợ lò về thực tập hay những thợ lò mới về làm việc ở Công ty, chúng tôi chủ trương không đưa ngay về các phân xưởng có điều kiện làm việc quá khó khăn dễ khiến họ có tâm lý chán nản; song song với đó trong khả năng có thể, phù hợp với đặc thù của đơn vị, Than Thống Nhất luôn nỗ lực để tạo những điều kiện làm việc và chăm lo tốt nhất cho thợ lò để họ yên tâm gắn bó lâu dài.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/thu-hut-tho-lo-muon-mau-y-kien-201710031718173727.htm” button=”Theo vinacomin”]