Thực hiện Đề án tái cấu trúc doanh nghiệp theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, TKV sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu Tập đoàn giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2025 theo hướng tiếp tục giảm tỷ lệ sở hữu tại các đơn vị thuộc các khối điện, khoáng sản và công nghiệp phụ trợ. Để phù hợp với mục tiêu chung và thực hiện theo đúng lộ trình đã được phê duyệt, Tập đoàn sẽ thoái vốn để giảm tỷ lệ sở hữu tại Tổng Công ty Khoáng sản TKV – CTCP (VIMICO) và Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV – CTCP (VVMI).
Cụ thể, tại VIMICO, tỷ lệ thoái vốn của đơn vị này là 33,06%, tương ứng 66.117.900 cổ phần; tỷ lệ sở hữu sau khi thoái vốn là 65%. Còn tại VVMI, tỷ lệ thoái vốn là 33,19%, tương ứng 34.849.500 cổ phần; tỷ lệ sở hữu sau khi thoái vốn là 65%.
Cả hai Tổng Công ty trên đều là những đơn vị có vai trò và vị trí quan trọng trong TKV. VIMICO (mã chứng khoán: KSV) là một trong những đơn vị trụ cột của Tập đoàn, hoạt động chính trong lĩnh vực khai thác và chế biến kim loại màu. VIMICO cổ phần hóa và chính thức hoạt động theo hình thức Công ty cổ phần từ 6/10/2015, đồng thời chính thức đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCOM từ 28/07/2016. VIMICO hiện đang khai thác nhiều mỏ khoáng sản với danh mục sản phẩm đa dạng, bao gồm các loại tinh quặng vàng, bạc, đồng, sắt, thiếc, chì, kẽm,… Trong số này, đồng là sản phẩm vượt trội hơn cả. VIMICO là một trong số rất ít công ty được quyền khai thác đồng và cũng là đơn vị đứng đầu cả nước về sản lượng khai thác đồng, với thế mạnh là sở hữu quyền khai thác tại mỏ đồng Sin Quyền – mỏ đồng đa kim có trữ lượng lớn nhất Việt Nam: 231 nghìn tấn đồng kim loại, 8,80 tấn vàng, 15,00 tấn bạc kim loại, 3 triệu tấn quặng sắt…
Cuối năm 2016, giá kim loại đồng trên thế giới bất ngờ phục hồi do nhu cầu từ Trung Quốc – quốc gia đứng đầu thế giới về tiêu thụ đồng, tăng nhanh trở lại; trong khi nguồn cung lại sụt giảm do ảnh hưởng từ các sự kiện kinh tế – xã hội như đình công tại mỏ đồng lớn nhất thế giới tại Chile, chính sách cấm xuất khẩu quặng thô tại Indonesia – quốc gia sở hữu mỏ đồng lớn thứ hai thế giới… Nhờ các yếu tố thuận lợi trên, cùng với sự chỉ đạo sát sao của Ban lãnh đạo cũng như sự nỗ lực của toàn thể cán bộ nhân viên, VIMICO đã ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc trong nửa đầu năm 2017 với doanh thu hợp nhất đạt 2.576 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 100 tỷ đồng. Năm 2017, VIMICO phấn đấu đạt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận hợp nhất lần lượt 5.000 tỷ đồng và 250 tỷ đồng. Nếu hoàn thành kế hoạch, đây sẽ là năm đánh dấu sự tăng trưởng bứt phá của VIMICO về kết quả sản xuất – kinh doanh.
Còn VVMI (mã chứng khoán: MVB), tiền thân là Công ty Than III, được thành lập vào ngày 1/7/1980. VVMI chính thức hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần với mức vốn điều lệ 1.050 tỷ đồng vào năm 2015. Đến nay, VVMI chuyên hoạt động trong lĩnh vực khai thác chế biến than, sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng, sản xuất cơ khí và kinh doanh tổng hợp. Trong lĩnh vực chính khai thác và kinh doanh than, VVMI sở hữu 3 mỏ lớn bao gồm mỏ than Na Dương, mỏ than Khánh Hòa, mỏ than Núi Hồng thuộc địa bàn Thái Nguyên và Lạng Sơn – chiếm 2/3 tổng trữ lượng của thềm than nội địa Việt Nam. VVMI có thị trường thuận lợi khi các đơn vị tiêu thụ sản phẩm than của Tổng Công ty nằm trong Tập đoàn và Tổng Công ty. Hàng năm, sản phẩm than của VVMI được tiêu thụ tại Nhà máy nhiệt điện Na Dương, Nhà máy nhiệt điện Cao Ngạn và Nhà máy nhiệt điện An Khánh chiếm 70-80%; cung ứng cho Nhà máy xi măng La Hiên, Quán Triều và Tân Quang từ 10-15% sản lượng sản xuất ra…
Theo Quyết định 403/QĐ-TTg của Thủ tướng ngày 14/3/2016 về việc “Phê duyệt quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030”, nhu cầu tiêu thụ than sẽ liên tục gia tăng và nguồn cung than nội địa được dự báo sẽ không đủ đáp ứng cầu. Với lợi thế sẵn có là thị trường tiêu thụ than ổn định, sở hữu trữ lượng than lớn, VVMI là điểm sáng lớn trong bối cảnh giá than phục hồi từ cuối năm 2016 đến nay.
Tại Hội thảo, có rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã quan tâm đưa ra những câu hỏi để tìm hiểu kỹ hơn về hoạt động của hai Tổng Công ty này.
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Nguyễn Văn Biên: Việc huy động nguồn lực của các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước đầu tư vào VIMICO, VVMI nhằm tạo sự thay đổi cơ bản về phương thức quản lý, từng bước đổi mới công nghệ, phát triển quy mô thông qua các công trình dự án mới; nâng cao năng lực tài chính, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của hai đơn vị này trong tương lai.
Trưởng phòng Tư vấn Tài chính doanh nghiệp Công ty Chứng khoán Vietcombank Trần Anh Tuấn: Tiềm năng phát triển của hai Tổng Công ty là rất tốt, có các mặt hàng kinh doanh hấp dẫn và sở hữu những mỏ khai thác với trữ lượng lớn, thời gian khai thác dài. Bên cạnh đó, hai Tổng Công ty đang có những kế hoạch tái cấu trúc để tập trung đầu tư vào những hoạt động cốt lõi nhằm mang lại doanh thu và lợi nhuận tốt nhất. Có thể đánh giá đây là “hai mỏ vàng đầy tiềm năng” của TKV, rất đáng để các nhà đầu tư quan tâm đến.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/hai-co-hoi-dau-tu-vao-tkv-20171021163628971.htm” button=”Theo vinacomin”]