Chiếc xe gầm cao đen bóng đưa chúng tôi vượt quãng đường gập ghềnh đến với moong than Cao Sơn. Trời có chút nắng nhẹ nhưng cơn giông từ phía vịnh Bái Tử Long đang cuồn cuộn kéo về như chực đổ mưa. Phía dưới lòng đường chúng tôi đi, những dòng nước nhỏ vàng vọt vẫn róc rách chảy lên vết hằn lốp xe, là dư âm của những cơn mưa trải trên moong than vài ngày trước…
Ở lòng chảo khổng lồ
Phải ước chừng 20 phút băng qua những cung đường gập ghềnh sỏi đá, chúng tôi có mặt ở moong Đông Nam Cao Sơn. Độ cao nơi này cách mặt nước biển tầm 180 mét. Trong làn hơi sương vẫn còn vương vấn, thu vào tầm mắt tôi là một bức tranh lao động đồ sộ. Ở đó có những nét phác họa uốn lượn, quanh co của những cung đường vận tải. Nhìn từ trên cao, những chiếc xe tải đất đá bé xíu như những hộp diêm con vuông vắn, từ từ lăn bánh trên những lộ trình quen thuộc. Kỳ thực, “những hộp diêm bé xíu” ấy lại đang gồng mình gánh hàng tấn khối đất đá. Tiếng máy khoan xoay cầu, tiếng máy xúc bốc đất đá, tiếng gầm gừ của những chiếc xe trọng tải lớn… tất cả cứ hòa vào nhau một cách thật tự nhiên, âm vang rộn ràng. Tôi tự hỏi, liệu có phải chính địa hình lòng moong như một lòng chảo khổng lồ đã khiến cho những giai điệu của bài ca lao động ấy càng thêm âm vang?
Vừa chỉ đạo sản xuất trên khai trường, Phó Giám đốc Công ty Nguyễn Văn Sinh không quên giới thiệu: “Khai trường của Công ty anh giáp với bên Đèo Nai. Càng phải xuống sâu mới có than đẹp. Em thấy làm than có vất vả không?”. Tôi nhoẻn cười rồi gật đầu công nhận.
Ngước nhìn bầu trời với đám mây trắng bàng bạc, trong tôi đang quẩn quanh với hai câu thơ tinh nghịch: “Có đám mây mùa hạ – Vắt nửa mình sang…moong”. Bỗng những hạt mưa bắt đầu nhỏ xuống. Chúng tôi vội vã lên xe. Chả mấy chốc, một cơn mưa rào ào ạt kéo về, dội vào lòng moong. Trước “gáo nước” bất chợt của mẹ thiên nhiên, mọi hoạt động của xe cộ đang nhộn nhịp trên moong bỗng chốc khựng lại. Ngồi trong xe, Phó Giám đốc Sinh lại buông một hơi thở dài: “Mưa lớn, đường trơn lại không làm được gì rồi”. Chợt nhớ tới mục tiêu của Công ty là 2,9 triệu tấn than đang đè nặng, tôi không khỏi suy nghĩ: Rồi đây, Than Cao Sơn sẽ phải làm gì?
Giải pháp trọng tâm và sứ mệnh của “Con rết khổng lồ”
Đem câu hỏi trên đến gặp Bí thư Đảng ủy Công ty Phạm Hồng Lương, anh đã cho tôi một câu trả lời không thể thỏa mãn hơn. “Than Cao Sơn đã được trên phê duyệt giảm 200.000 tấn than chính vỉa” – anh Lương cho biết. Nếu với kế hoạch sản xuất trước đây là 2 triệu 9 trăm ngàn tấn than nguyên khai, Công ty đã có kế hoạch tăng sản lượng bóc đất do thuê các đơn vị ngoài tham gia. Tuy nhiên, do được Tập đoàn đồng ý với phương án giảm sản lượng, Công ty tiến hành dừng toàn bộ hoạt động thuê ngoài để anh em Cao Sơn trực tiếp chạy khối lượng còn lại.
Vậy, “con rết khổng lồ” có mối liên hệ như thế nào đến câu chuyện này? Thưa rằng, “con rết” tôi đang muốn nói ở đây chính là hệ thống băng tải đảm nhận vận chuyển đất đá đổ ra khu vực bãi thải. Lý do tôi so sánh với con rết, một là bởi suốt quãng đường hơn ba cây số, hệ thống có rất nhiều chân đỡ. Thứ nữa là vì, từ dưới mặt đường dân sinh nhìn lên, đường băng tải giống hệt như một con rết trắng đang trườn bò trên đồi thải.
Hệ thống tự động hóa này do Công ty Cổ phần Tân Phú Xuân trúng thầu và đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa. Có thể nói, nó phù hợp với sự phát triển bền vững của ngành Than, nhất là với các mỏ lộ thiên, nơi có chi phí vận tải luôn chiếm một con số không nhỏ. Từ quá trình thử nghiệm cho đến chạy thương mại từ đầu tháng 2 vừa qua, bên cạnh một số những điểm còn hạn chế trên thực tế, hệ thống băng tải đã chứng tỏ được hiệu quả trông thấy. Nó không những giúp giảm được chi phí đầu tư xe vận tải lớn cho mỏ Cao Sơn nói riêng mà còn tiết kiệm chi phí vận tải (Ở Cao Sơn, cung độ vận chuyển từ máy xúc ra đầu đường xa nhất đến 10 cây số). Thứ nữa là ý nghĩa của nó với công tác môi trường. Dọc tuyến băng là hệ thống mái che chắn liên tục cho đến vị trí đổ thải, hoàn toàn không phân tán bụi ra ngoài môi trường. Bên cạnh những lúc trục trặc như quay trơn do mưa, răng nghiền hư hỏng, không thể phủ nhận những kết quả khả quan nó mang lại cho Công ty. “Con rết” và Than Cao Sơn là một mối quan hệ không thể tách rời.
Mối liên hệ được lý giải khi anh Phạm Hồng Lương phân tích: Hệ thống băng nếu hoạt động ổn định có thể đạt năng suất 20,4 triệu tấn mỗi năm. Do mới được hoạt động thương mại từ ngày 1/2/2017, hoạt động tháng ổn tháng chưa, dự kiến đến hết năm 2017 lẽ ra phải đạt 15 triệu m3 đất đá. Nhưng thực tế, băng chỉ tải được đến 13 triệu m3. Sự thiếu hụt 2 triệu m3 đất đá đó lại chính bằng số đất đá Than Cao Sơn được cắt giảm là 1,9 triệu, tương ứng với 200.000 tấn than nguyên khai! Do đó, lãnh đạo Công ty đã có quyết định dừng toàn bộ hoạt động thuê ngoài, dành khối lượng công việc cho chính anh em công nhân của Cao Sơn. Đây cũng là giải pháp trọng tâm mà Công ty đề ra. “Chúng tôi hiện đang tiến hành cải tạo mở rộng để nâng cao năng suất, sản lượng đáp ứng nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao. Không chỉ đảm bảo ổn định công ăn việc làm, nếu phấn đấu nâng cao được năng suất thì thu nhập còn thể tăng nữa” – anh Lương phấn khởi cho hay.
Vậy là vấn đề ổn định việc làm cho người lao động đã được giải quyết. Song song với đó, Than Cao Sơn sẽ tập trung quản trị chi phí chặt chẽ, công tác điều hành sản xuất phải hợp lý hơn, tạo mọi điều kiện nâng cao năng suất thiết bị để giải bài toán về đảm bảo tài chính và khoán quản trị chi phí, đảm bảo lợi nhuận định mức.
Sau cơn mưa trời lại hửng sáng. Tiếng máy, tiếng xe lại rền vang trên mỗi cung đường mỏ. “Con rết khổng lồ” ngoài kia vẫn đang ro ro cuộn mình, ngấu nghiến những tấn đất đá. Thêm một lần nữa, tôi lại được cảm nhận ý chí và nghị lực ngun ngút giữa lòng moong này. Dẫu mưa nắng cứ ẩm ương, vách đá rắn rỏi như thách thức thì những người con sống với mỏ vẫn kiên cường cùng nhau vượt qua, từng ngày, từng giờ…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/giua-long-moong-cao-son-201710211648490091.htm” button=”Theo vinacomin”]