LTS: Bài báo đề cập chủ trương của Đảng và định hướng của Nhà nước về phát triển đồng bộ công nghiệp bô xít – alumin – nhôm của Việt Nam, tình hình thực hiện trong thời gian qua, đặc biệt là những mục tiêu chủ yếu trong giai đoạn thí điểm đến năm 2020, trên cơ sở đó đánh giá đã đến lúc đủ điều kiện đẩy mạnh phát triển đồng bộ ngành công nghiệp bô xít – alumin – nhôm Việt Nam và đề xuất một số nhiệm vụ cấp bách trước mắt cần thực hiện.
- Chủ trương của Đảng và định hướng của Nhà nước về phát triển ngành công nghiệp bô xít – alumin – nhôm
Đảng ta đã có chủ trương phát triển ngành công nghiệp khai thác và chế biến bôxít được thể hiện nhất quán trong văn kiện Đại hội Đảng IX (năm 2001) và X (năm 2006) và Kết luận số 14/TB-TW ngày 15/8/2006 của Bộ Chính trị.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo lập và phê duyệt “Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng bô xít giai đoạn 2007 – 2015 có xét đến năm 2025” tại Quyết định số 167/QĐ – TTg ngày 01/11/2007. Trong đó đã đề ra định hướng và mục tiêu phát triển ngành công nghiệp bô xít – alumin – nhôm như sau:
– Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông bao gồm cả đường sắt nối từ vùng mỏ Đắk Nông xuống vùng mỏ Lâm Đồng đến cảng biển tại Bình Thuận;
– Đẩy mạnh công tác thăm dò nâng cấp trữ lượng tài nguyên bô xít đảm bảo độ tin cậy cho việc khai thác;
– Đầu tư khai thác bô xít và sản xuất alumin để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và cung cấp nguyên liệu cho điện phân nhôm ở trong nước với mục tiêu: Dự kiến sản lượng alumin năm 2010: 0,7-1,0 triệu tấn/năm; năm 2015: 6,0-8,5 triệu tấn/năm; năm 2025: 13-18 triệu tấn/năm; trong đó giai đoạn trước năm 2015 dự kiến xuất khẩu; giai đoạn sau 2015 cung cấp cho điện phân nhôm trong nước và xuất khẩu;
– Sản xuất hydroxit nhôm phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Dự kiến sản lượng năm 2010 khoảng 0,65 triệu tấn;
– Đầu tư nhà máy điện phân nhôm cung cấp nhôm kim loại cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Dự kiến sản lượng giai đoạn trước 2015 khoảng 0,2-0,4 triệu tấn, sau năm 2015 tăng sản lượng theo nhu cầu thị trường và khả năng cân đối điện.
Trong quá trình thực hiện Quy hoạch nêu trên do có nhiều biến động về kinh tế – xã hội, thị trường trong nước và trên thế giới, đặc biệt là tài nguyên bô xít trong nước đã được điều tra, đánh giá và xác định có trữ lượng tăng đáng kể so với số liệu trong Quy hoạch trước, thị trường alumin và nhôm thay đổi do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế – xã hội; vấn đề môi trường, hiệu quả kinh tế được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Trước tình hình đó Bộ Chính trị đã ra Kết luận số 245- TB/TW ngày 24/4/2009 về Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bô xít giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025; trong đó yêu cầu Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của cả nước và khu vực Tây Nguyên trong từng thời kỳ; gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội, phù hợp với nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế. Cụ thể là “Việc phát triển ngành công nghiệp khai thác bô xít, chế biến alumin, nhôm phải bảo đảm lợi ích trước mắt, lâu dài và bền vững của đất nước; có bước đi thích hợp, từ nhỏ đến lớn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bảo đảm hiệu quả kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, an ninh, quốc phòng. Trong giai đoạn đầu sản xuất alumin, cần khẩn trương đẩy mạnh xây dựng các dự án thủy điện, cung cấp một phần cho việc luyện nhôm để nâng cao giá trị nguồn tài nguyên bô xít phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu”.
Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương lập quy hoạch điều chỉnh thành “Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bô xít giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030” tại Công văn số 650/TTg-KTN ngày 29/4/2009 về việc phát triển ngành công nghiệp khai thác bô xít, sản xuất alumin.
Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ Công Thương đã tổ chức lập “Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bô xít giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030”. Bản Quy hoạch được xây dựng trên cơ sở đề cương dự án “Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bô xít giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030” được phê duyệt tại Quyết định số 4911/QĐ-BCT ngày 05/10/2009 của Bộ Công Thương và đã được Bộ Công Thương thông qua và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bản Quy hoạch mới đã định hướng việc xây dựng và phát triển ngành công nghiệp bô xít với bước đi thận trọng, từ nhỏ đến lớn. Mục tiêu sản lượng alumin từng giai đoạn đều được điều chỉnh giảm mạnh so với Quy hoạch 167/2007, cụ thể: đến năm 2015 chỉ tập trung hoàn thành đầu tư và đưa vào sản xuất ổn định hai Dự án thí điểm Tân Rai và Nhân Cơ để đánh giá và rút kinh nghiệm; đến năm 2020 dự kiến tăng gấp đôi công suất chế biến alumin (từ 1,3 triệu tấn lên 2,6 triệu tấn) nếu đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng, thị trường và hiệu quả kinh tế. Ưu tiên đầu tư dự án điện phân nhôm để sử dụng alumin sản xuất trong nước và đáp ứng nhu cầu nhôm của nền kinh tế. Giai đoạn sau năm 2020, tập trung đầu tư tuyến đường sắt từ Tây Nguyên đến cảng biển để tạo điều kiện phát triển các dự án chế biến bô xít tại Tây Nguyên nói riêng và phát triển kinh tế – xã hội toàn vùng Tây Nguyên nói chung.
Tuy nhiên vào thời kỳ đó do tác động của nhiều biến cố, kể cả dư luận xã hội, nhất là những sự cố về môi trường trong ngành bô xít – alumin – nhôm thế giới, việc phê duyệt Quy hoạch nêu trên tạm thời dừng lại và theo ý kiến của Bộ Chính trị tại Thông báo số 5920/CV-VPTW ngày 8/7/2013 của Văn phòng TƯ Đảng trong thời gian “đến năm 2020 trên cơ sở kết quả triển khai có hiệu quả hai dự án chế biến bô xít và sản xuất alumin tại Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông), Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo xây dựng đề án quy hoạch tổng thể khai thác, chế biến quặng bô xít và xây dựng ngành công nghiệp alumin – nhôm, bảo đảm từng bước, thận trọng, có xem xét đầy đủ và toàn diện các yếu tố liên quan đến hiệu quả kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng và môi trường, gắn với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, hướng tới phát triển bền vững trình Bộ Chính trị xem xét”.
Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng và phê duyệt “Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” theo Quyết định số 2427/2011/QĐ-TTg ngày 22/12/2011; trong đó đề ra định hướng đối với quặng bauxite: “Hoàn thành công tác thăm dò các mỏ bauxite vùng Tây Nguyên, Bình Phước đã được điều tra, đánh giá. Triển khai hoạt động khai thác mỏ Tân Rai, mỏ Nhân Cơ phục vụ nguyên liệu cho 02 dự án sản xuất alumin tại Lâm Đồng, Đắk Nông. Việc triển khai các dự án khai thác, sản xuất alumin khác tại Lâm Đồng, Đắk Nông chỉ thực hiện sau khi 02 dự án trên đi vào hoạt động và được đánh giá hiệu quả kinh tế. Nghiên cứu khả thi dự án sản xuất nhôm tại Việt Nam để triển khai sau năm 2015”.
Qua các nội dung nêu trên cho thấy chủ trương của Đảng và định hướng của Nhà nước về phát triển đồng bộ ngành công nghiệp bô xít – alumin – nhôm theo hướng hiện đại là hết sức cẩn trọng, có lộ trình, bước đi thích hợp, nhất quán, kiên quyết nhằm khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản bô xít dồi dào phục vụ phát triển kinh tế – xã hội trên cơ sở đảm bảo hiệu quả kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng và môi trường. Trong đó mục tiêu chính đến năm 2020 là hoàn thành hai dự án chế biến alumin thí điểm và triển khai dự án sản xuất nhôm.
- Tình hình thực hiện chủ trương của Đảng và định hướng của Nhà nước về phát triển ngành công nghiệp bô xít – alumin – nhôm
Về công tác điều tra, đánh giá và thăm dò: Đã hoàn thành điều tra, đánh giá tổng thể bô xít trên cả nước; hoàn thành công tác thăm dò các mỏ bô xít ở Việt Bắc và Tây Nguyên đề ra trong Quy hoạch 167/2007, bao gồm mỏ bô xít Táp Ná, mỏ Đại Tổng và Ma Lip (Cao Bằng), các mỏ bô xít ở Tây Nguyên: 1-5, Đông Bắc và Tây Nam mỏ 1-5, Nhân Cơ, Gia Nghĩa, Bắc Gia Nghĩa, Gia Nghĩa 2, Tây Tân Rai, Bảo Lộc, Đồi Thắng Lợi, Kon Hà Nừng, Đắk Song, Thống Nhất, Quảng Sơn, Tuy Đức v.v…
Về dự án chế biến alumin thí điểm: Hai Dự án Alumin Tân Rai và Nhân Cơ có cùng công suất 650.000 tấn alumin/năm là 2 dự án thí điểm, thực hiện theo chủ trương của Bộ Chính trị và Quy hoạch 167/2007. Kết quả thực hiện đến nay như sau [1]:
Dự án Tân Rai có tổng mức đầu tư được duyệt 15.414 tỷ đồng, đã đi vào vận hành, sản xuất thương mại từ 01/10/2013. Năm 2016 đạt công suất 600.000 tấn và năm 2017 đạt công suất thiết kế 650.000 tấn/năm. Hiện nay, công trình đã được nghiệm thu, đưa vào sử dụng, các bên đang thực hiện các bước lập hồ sơ quyết toán hợp đồng. Sản phẩm alumin/hydrat của Dự án đã được bán tại các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Thái Lan, dự kiến trong thời gian tới sẽ mở rộng sang các thị trường Trung Đông, Malaysia.
Đặc biệt, chủ đầu tư dự án TKV đã có nhiều nỗ lực trong việc áp dụng các giải pháp cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa dây chuyền sản xuất, nâng cao sản lượng và quản trị chi phí, nhờ đó đã giảm giá thành sản phẩm alumin từ 5,81 triệu đồng/tấn năm 2014 xuống còn 4,107 triệu đồng/tấn năm 2016. Năm 2017, giá thành bình quân dự kiến giảm còn 3,935 triệu đồng/tấn (tương đương khoảng 171 USD/tấn), bằng 76% so với giá thành thời điểm ban đầu sản xuất năm 2014. Với giá xuất khẩu alumin trên thị trường hiện nay trên 300 USD/tấn, thời gian lỗ kế hoạch dự kiến của Dự án Tân Rai không bị tăng mà còn giảm, sau 3 năm lỗ kế hoạch Dự án bắt đầu tự cân đối thu chi và có lãi ngay từ năm 2017, trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế ước đạt trên 60 tỷ đồng. Đến nay Dự án cũng đã nộp ngân sách địa phương khoảng 2.235 tỷ đồng và đảm bảo việc làm ổn định cho khoảng 1.700 lao động.
Dự án Alumin Nhân Cơ (Đắk Nông) có tổng mức đầu tư được duyệt là 16.821 tỷ đồng, đến nay đã cơ bản hoàn thành công tác đầu tư xây dựng. Từ ngày 30/9/2016, Nhà máy đã được đưa vào chạy thử có tải đồng bộ và ngày 16/12/2016 đã ra sản phẩm alumin đầu tiên. Tính đến ngày 03/7/2017 sau 5 tháng đi vào hoạt động đạt sản lượng trên 30% công suất thiết kế, sản xuất được 32.891 tấn hydrat và 163.663 tấn alumin đảm bảo chất lượng theo thiết kế. Nhờ rút kinh nghiệm từ Dự án Tân Rai nên Dự án Nhân Cơ mau chóng đi vào sản xuất ổn định. Trong 6 tháng cuối năm 2017 sẽ điều hành tăng sản xuất alumin tại Nhà máy Nhân Cơ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm, phấn đấu thực hiện tăng thêm 100.000 – 150.000 tấn.
Để chuẩn bị cho việc bàn giao Nhà máy Alumin Nhân Cơ đi vào vận hành thương mại từ tháng 7/2017, đã thực hiện quá trình vận hành thử nghiệm tính năng hai lần.
Tóm lại, 2 dự án Alumin Tân Rai và Nhân Cơ đang thu được kết quả kinh doanh ngày càng tốt hơn. Về hiệu quả kinh tế, Dự án Tân Rai năm 2017 đã bắt đầu có lãi và cắt lỗ trước kế hoạch 1 năm. Giá thành sản xuất có sức cạnh tranh… Quan trọng hơn cả là qua hai dự án thí điểm này TKV nói riêng và ngành khai thác bô xít – chế biến alumin Việt Nam nói chung đã thu được nhiều kinh nghiệm quý báu từ công tác tư vấn, thiết kế, đầu tư, xây dựng, làm chủ công nghệ, quản lý, vận hành, kinh doanh, thị trường, đào tạo phát triển nguồn nhân lực để làm nền tảng cho giai đoạn phát triển mới.
Về Dự án điện phân nhôm: Thực hiện chủ trương của Chính phủ về xây dựng và phát triển Đắk Nông thành Trung tâm khai thác bô xít, sản xuất alumin và nhôm của Việt Nam, trên cơ sở được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư và cho phép lập dự án đầu tư xây dựng công trình (FS) Dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông (tại Công văn số 10203/CV/VPCP-KTN ngày 13/12/2012) và phê duyệt cơ chế, chính sách áp dụng đối với Dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông theo Quyết định số 822/QĐ-TTg ngày 30/5/2014, Công ty Luyện kim Trần Hồng Quân (LKTHQ) đã lập, quyết định đầu tư dự án với công suất 450 ngàn tấn nhôm/năm và tổng mức đầu tư khoảng 700 triệu USD với công nghệ điện phân dòng điện 500kA – là công nghệ hiện đại nhất hiện nay. Dự án được khởi công xây dựng từ tháng 2/2015 tại Khu công nghiệp Nhân Cơ, xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông (ngay cạnh Nhà máy Alumin Nhân Cơ của TKV).
Đến tháng 10/2016, Dự án đã hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành Khu văn phòng – nhà ở, tạo điều kiện làm việc và sinh hoạt cho lực lượng lao động của Chủ đầu tư và chuyên gia nước ngoài. Phần xây dựng nhà xưởng cũng đã cơ bản hoàn thành; dự kiến sau khi tỉnh Đắk Nông bàn giao cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Nhân Cơ phục vụ Nhà máy, LKTHQ sẽ bàn giao nhà xưởng cho các nhà thầu nước ngoài để triển khai lắp đặt thiết bị. Giá trị đầu tư đã thực hiện đến tháng 8/2017 đạt khoảng 1.700 tỷ đồng. Nếu tỉnh Đắk Nông hoàn thành và bàn giao cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Nhân Cơ vào đầu năm 2018 thì dự kiến cuối năm 2019 LKTHQ sẽ hoàn thành và đưa Nhà máy Điện phân nhôm phân kỳ 1 vào sản xuất.
Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Nhân Cơ do tỉnh Đắk Nông làm chủ đầu tư gồm các nội dung: giải phóng và san lấp mặt bằng, đường ô tô nối quốc lộ 14a đi vào Khu công nghiệp, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp (đường ô tô nội bộ, hệ thống thoát nước, cấp nước, hệ thống điện chiếu sáng v.v.). Tổng mức đầu tư dự án được phê duyệt là 1.658 tỷ đồng, trong đó ngân sách TƯ hỗ trợ 875 tỷ đồng, còn lại ngân sách tỉnh tự lo. Đến nay Dự án đã thực hiện đạt giá trị khoảng 800 tỷ đồng (trong đó TƯ cấp 380 tỷ đồng), dự kiến đầu năm 2018 sẽ hoàn thành và bàn giao các hạng mục cấp bách của Khu công nghiệp cho LKTHQ với giá trị thực hiện ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng. Như vậy, tiến độ thực hiện của Dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông sẽ tùy thuộc vào tiến độ thực hiện Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Nhân Cơ. Ngoài ra, hiện nay Dự án đang gặp vướng mắc về việc thực hiện chính sách giá điện đã được phê duyệt trong Quyết định số 822/2014/QĐ-TTg, theo đó trong 10 năm đầu kể từ khi Dự án đi vào hoạt động giá điện cấp cho Dự án ở cấp điện áp 220 kV với mức ổn định là 5,0 cent/kWh, là mức giá đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xem xét hết sức cẩn trọng, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, ngành điện và Dự án. Tuy nhiên, có thể tin chắc rằng mọi việc sẽ được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết ổn thỏa theo đúng tinh thần thông điệp của Thủ tướng Chính phủ là “Chính phủ kiến tạo, Chính phủ hành động, Chính phủ phục vụ, Chính phủ liêm chính” và Dự án sẽ hoàn thành đúng tiến độ, đi vào hoạt động có hiệu quả.
Tiếp theo, một số điều kiện quan trọng khác phục vụ cho phát triển ngành công nghiệp bô xít – alumin – nhôm đã từng bước được đáp ứng. Cụ thể là:
Về hệ thống giao thông ở Tây Nguyên: Chỉ riêng từ năm 2010 đến nay, Nhà nước đã đầu tư trên 64.069 tỷ đồng (trong đó các công trình do Trung ương quản lý khoảng 45.347 tỷ đồng, các công trình địa phương quản lý khoảng 18.722 tỷ đồng) để xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông vùng Tây Nguyên, tăng 1,62 lần so với giai đoạn 2006-2010.
Nhiều công trình giao thông trọng yếu của vùng Tây Nguyên như đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, Quốc lộ 19, 20, 24, 25, 27, 28… cũng đã được tập trung đầu tư, một số tuyến đã hoàn thành đưa vào sử dụng góp phần làm thay đổi diện mạo Tây Nguyên.
Bộ Giao thông Vận tải cũng đã tiếp tục hoàn thiện 8 dự án đường bộ, với tổng kinh phí khoảng 15.692 tỷ đồng, tổng chiều dài quốc lộ được nâng cấp, cải tạo khoảng 681km bằng các nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, xã hội hóa…[3].
Về nguồn điện: Tổng công suất nguồn điện cả nước hoàn thành trong giai đoạn 2011-2015 là 9.852 MW, bằng 125% so với mục tiêu đề ra trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh (theo Quyết định số 428/2016/QĐ-TTg). Tính đến cuối năm 2016, tổng công suất nguồn điện trên cả nước là 42.135 MW, trong đó EVN sở hữu 25.884 MW, chiếm 61,4% [4]. Để phục vụ điện phân nhôm tại Tây Nguyên, riêng TKV đã xây dựng, hoàn thành và đưa vào hoạt động từ cuối năm 2015 Nhà máy thủy điện Đồng Nai 5 công suất 150 MW. Quy mô hệ thống điện của Việt Nam được đánh giá đứng thứ 2 khu vực ASEAN và thứ 30 trên thế giới.
- Đã đến lúc đẩy mạnh phát triển công nghiệp bô xít – alumin – nhôm
Trước hết, qua những kết quả đạt được nêu trên cho thấy đã có đủ điều kiện cần thiết theo yêu cầu để tiếp tục đẩy mạnh phát triển đồng bộ ngành công nghiệp bô xít – alumin – nhôm trên mọi cấp độ, cụ thể là đã có đủ nguồn tài nguyên bô xít đã được điều tra, đánh giá phục vụ cho tiếp tục công tác thăm dò và nguồn tài nguyên bô xít đã được thăm dò phục vụ cho mở rộng khai thác; các dự án chế biến alumin thí điểm đã hoàn thành đáp ứng các yêu cầu, đảm bảo đủ điều kiện thực tiễn cho việc mở rộng quy mô công suất và tiếp tục triển khai các dự án đầu tư mới; dự án sản xuất nhôm đã được triển khai thực hiện và đang có triển vọng thành công tốt đẹp mở ra một ngành kinh tế mới – ngành luyện nhôm Việt Nam, đồng thời cũng là bước cuối cùng hình thành đồng bộ ngành công nghiệp bô xít – alumin – nhôm Việt Nam. Như vậy có thể nói mục tiêu chủ yếu đề ra đến năm 2020 trong chủ trương của Đảng và định hướng của Nhà nước về phát triển ngành công nghiệp bô xít – alumin – nhôm đã hoàn thành thắng lợi.
Ngoài ra, một số tình hình sau đây đòi hỏi khẩn trương thúc đẩy phát triển mạnh ngành công nghiệp bô xít – alumin – nhôm Việt Nam, đó là:
– Nhu cầu nhôm kim loại của Việt Nam tăng cao, năm 2015 nhập khẩu 1.512,9 ngàn tấn (tương ứng với giá trị khoảng 3 tỷ USD)(); trong đó riêng nhôm thỏi 360,1 ngàn tấn. Dự báo nhu cầu nhôm thỏi đến năm 2020 sẽ lên tới khoảng 0,75 triệu tấn và năm 2030 khoảng 1,6 triệu tấn. Đến nay Việt Nam chưa có cơ sở luyện nhôm nào và toàn bộ nhu cầu nhôm đều được đáp ứng từ nguồn nhập khẩu với giá trị lên tới nhiều tỷ USD mỗi năm.
– Tình hình kinh tế – xã hội ở Tây Nguyên còn nhiều khó khăn, bất cập và hạn chế: mặc dù là vùng giàu tài nguyên, nhất là tài nguyên bô xít và được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm đầu tư phát triển, tuy đến nay đã có sự cải thiện đáng kể so với trước, hình thành được những ngành hàng nông nghiệp quy mô lớn tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu như cà phê, hồ tiêu, cao su… đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu cũng như vị thế Việt Nam trên thế giới, nhưng nhìn chung tình hình kinh tế – xã hội ở Tây Nguyên vẫn thuộc diện nghèo, kém phát triển(). Về kinh tế chủ yếu là nông nghiệp(); về trình độ dân trí vẫn còn thấp; về văn hóa bản địa đã, đang có nguy cơ bị thu hẹp, thậm chí mai một; về chính trị xã hội đã, đang luôn tiềm ẩn những bất ổn(); về môi trường đã, đang bị tàn phá nặng nề, nhất là môi trường rừng, ô nhiễm nguồn nước và có nguy cơ thiếu nước tưới; về hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là GTVT, điện, cấp nước vẫn còn yếu kém; hàng năm ngân sách nhà nước vẫn phải hỗ trợ đáng kể cho các địa phương(). Tình hình trên do nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân gốc rễ là do kinh tế kém phát triển và nghèo đói.
– Tình hình ngành công nghiệp bô xít – alumin – nhôm thế giới đã và đang có những diễn biến thuận lợi cho sự phát triển của công nghiệp bô xít – alumin – nhôm Việt Nam. Cụ thễ là giá alumin và giá nhôm sau thời kỳ đỉnh cao 2010-2011 từ năm 2012 giảm dần và đến năm 2016 chạm đáy; tuy nhiên, theo dự báo của Focuseconomics 5/2016 và của WB tháng 4/2017 từ năm 2017 sẽ bắt đầu phục hồi và đến năm 2020 sẽ có sự gia tăng đáng kể so với mức giá năm 2016(). Giá nhôm bình quân 8 tháng đầu năm 2017 đạt 1.915 USD/tấn, đặc biệt giá nhôm LME 3M ngày 22/9/2017 đạt 2.159 USD/tấn. Sản lượng alumin và nhôm ngày càng tăng cao, đặc biệt là của Trung Quốc(). Tuy nhiiên, sự tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến alumin & nhôm của Trung Quốc và Trung Đông đang giảm dần sự tích hợp theo chiều dọc (khai thác bô xít, chế biến alumin, luyện nhôm; tức là mỏ bô xít – nhà máy alumin – nhà máy luyện nhôm nằm trong một dây chuyền khép kín) do các mỏ trực tiếp cung cấp bô xít đã bị khai thác cạn kiệt trữ lượng. Vì vậy, những nhà sản xuất alumin hiện thiếu nguồn cung bô-xít, đang phụ thuộc nhiều vào nguồn cung bô-xít vận chuyển bằng đường biển từ bên thứ 3. Đặc biệt, phần lớn các nhà sản xuất alumin lớn đang rất thiếu nguồn cung bô xít có chất lượng cao và dự kiến sẽ càng thiếu hụt hơn trong những năm tới do sản lượng alumin tăng và nguồn tài nguyên bô xít suy giảm. Ngược lại, nguồn cung bô xít chất lượng cao đang giảm dần, ngày càng khó mua và việc cấp phép khai thác các mỏ mới ngày càng khó khăn hơn.
Những nhiệm vụ cấp bách trước mắt cần thực hiện để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bô xít – alumin – nhôm trong nước là:
– Khẩn trương xây dựng đề án quy hoạch tổng thể khai thác, chế biến quặng bô xít và xây dựng ngành công nghiệp bô xít – alumin – nhôm theo ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị nêu trong Thông báo số 5920/CV-VPTW ngày 8/7/2013.
– Cho phép và tạo điều kiện cho Tập đoàn TKV trước mắt nâng công suất 2 Nhà máy alumin Tân Rai và Đắk Nông tối thiểu gấp đôi công suất hiện nay lên 1,3 triệu tấn/năm/nhà máy (bằng công suất kinh tế) nhằm giảm chi phí cố định và các chi phí khác có liên quan đến công suất, tăng sản lượng đáp ứng nhu cầu alumin của Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông và xuất khẩu để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
– Hỗ trợ tỉnh Đắk Nông, kể cả cấp vốn ngân sách TƯ đã cam kết để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Nhân Cơ hoàn thành đúng thời hạn, tạo điều kiện cho Dự án Điện phân nhôm Đắk Nông – LKTHQ hoàn thành xây dựng và đi vào sản xuất theo đúng kế hoạch đề ra, chậm nhất vào năm 2019.
– Tạo điều kiện thuận lợi, kể cả thực hiện đầy đủ các cơ chế, chính sách đã được ban hành trong Quyết định số 822/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với Dự án Điện phân nhôm Đắk Nông – LKTHQ nhằm hỗ trợ, khuyến khích Dự án đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sớm hoàn thành và đi vào hoạt động sản xuất có hiệu quả.
– Hiện nay, hạ tầng giao thông ở Tây Nguyên mới chỉ chủ yếu phát triển đường bộ, đường hàng không. Do vậy Nhà nước cần sớm đầu tư vào xây dựng đường sắt, đường thủy góp phần phát triển vận tải đa phương thức, giảm chi phí vận tải, tạo điều kiện thuận lợi trong hội nhập quốc tế và thu hút đầu tư nói chung và phát triển công nghiệp bô xít – alumin – nhôm nói riêng để Tây Nguyên cất cánh và phát triển bền vững.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/da-den-luc-day-manh-phat-trien-dong-bo-nganh-cong-nghiep-bo-xit-alumin-nhom-201710261216484526.htm” button=”Theo vinacomin”]