Giải quyết đầu ra của tro xỉ thải là yêu cầu cấp thiết khi ngày càng có nhiều nhà máy nhiệt điện đốt than được đầu tư xây dựng. Mặc dù chưa phải là đơn vị chủ lực trong ngành sản xuất điện, chỉ sở hữu một số nhà máy nhiệt điện với tỷ lệ nhỏ, nhưng trong hơn một thập kỷ qua, TKV đã chủ động tìm đầu ra của tro xỉ thải các nhà máy nhiệt điện bằng hướng sản xuất vật liệu xây dựng.
Nhiệt điện Cao Ngạn đi đầu
Tại Nhà máy Nhiệt điện Cao Ngạn mặc dù lượng tro xỉ thải ra hàng năm không nhiều, khoảng 200 nghìn tấn, nhưng cũng đã khiến Nhà máy gặp trở ngại vì không tìm được nơi đổ thải, đồng thời là sự lãng phí nguồn nguyên liệu tiềm năng. Chính vì vậy, chỉ sau khi đưa nhà máy đi vào hoạt động một năm, lãnh đạo Tập đoàn đã chủ động đưa ra mục tiêu, phải xử lý được lượng phế thải và tái sử dụng để tránh gây ô nhiễm môi trường, giảm thiểu việc chiếm diện tích đất do phải tồn chứa, tạo thêm sản phẩm mới và việc làm cho xã hội.
Với quan điểm đó, Tập đoàn chỉ đạo Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn ký hợp đồng nghiên cứu sử dụng tro xỉ với Viện Vật liệu xây dựng (VIBM) của Bộ Xây dựng. Năm 2011, Công ty đầu tư dây chuyền sản xuất gạch và thành lập Công ty CP Vật liệu không nung ATK Thái Nguyên chuyên sản xuất gạch không nung xi măng cốt liệu. Bên cạnh việc sản xuất gạch không nung từ tro xỉ, với khoảng 120 nghìn tấn tro bay phát thải mỗi năm, Công ty còn phối hợp với Nhà máy Xi măng La Hiên thực hiện thử nghiệm sản xuất xi măng từ tro bay.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm. Đa phần người dân chưa quen với sản phẩm gạch không nung. Trong khi đó, các sản phẩm gạch nung truyền thống tràn ngập thị trường. Nên dù chi phí cho việc dùng gạch không nung thấp hơn gạch nung truyền thống, nhưng người dân hay các nhà xây dựng vẫn không mặn mà với sản phẩm. Điều này đã khiến Tập đoàn chưa thể nhân rộng hoạt động này ra các nhà máy nhiệt điện khác. Rất cần có cơ chế chính sách để đưa sản phẩm gạch không nung và các sản phẩm xây dựng từ tro xỉ thải nhiệt điện đi vào cuộc sống.
Tháo gỡ từ chính sách
Mới đây, các bộ, ban ngành cùng các nhà khoa học đã ngồi lại tại một hội thảo bàn về vấn đề giải quyết đầu ra của tro xỉ thải các nhà máy nhiệt điện đốt than khi ngày càng có nhiều nhà máy nhiệt điện được đầu tư xây dựng. Điều đó cho thấy vấn đề giải quyết đầu ra của tro xỉ thải đã trở nên cấp thiết. Hiện nay, cả nước có 21 nhà máy nhiệt điện đốt than đang hoạt động, với tổng công suất lắp đặt khoảng 14.310MW, lượng nhiên liệu tiêu thụ khoảng 40 triệu tấn than/năm sẽ phát sinh lượng tro, xỉ thải mỗi năm khoảng 15,8 triệu tấn.
Xỉ thải của các nhà máy nhiệt điện than hiện tại là chất thải rắn thông thường, không nguy hại. Xét về thành phần hóa học, tro xỉ đốt than chủ yếu là các ô xít kim loại như silic, nhôm, titan, sắt, canxi, magie… đều là các thành phần hữu ích để làm vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, việc sử dụng tro, xỉ để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng hiện đang gặp một số vướng mắc. Nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng, gạch không nung và nhiều cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng khác có khả năng sử dụng tro, xỉ làm nguyên liệu nhưng lại không đủ điều kiện tiếp nhận tro, xỉ theo quy định tại Nghị định số 38/2015 của Chính phủ. Do đó, vấn đề xử lý, tiêu thụ tro, xỉ tại các nhà máy nhiệt điện than sẽ được giải quyết sớm nếu các cơ quan chức năng sớm ban hành các quy chuẩn kỹ thuật về tro, xỉ làm vật liệu xây dựng và sử dụng trong công trình xây dựng, cũng như những chính sách đặc thù về quản lý tro, xỉ.
Để giải quyết những vướng mắc đó, Chính phủ đang chỉ đạo các liên Bộ biên soạn các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật cho việc xử lý; sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng, dự kiến sẽ ban hành vào cuối năm 2017, đầu năm 2018. Khi các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn, định mức kinh tế kỹ thuật được ban hành thì những vướng mắc trong việc xử lý, sử dụng tro, xỉ này sẽ được tháo gỡ.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/chu-dong-tim-dau-ra-tro-xi-thai-nhiet-dien-201710311506394597.htm” button=”Theo vinacomin”]