“Chú ơi thế là đã được 2 năm rồi từ ngày chú sang Hạ Long nhận nhiệm vụ (1/6/2015-1/06/2017). Cháu chúc chú mạnh khỏe, mọi việc như ý và gặt hái được nhiều thành công hơn nữa để đưa Công ty than Hạ Long vượt qua khó khăn, đi đến sự ổn định và phát triển bền vững; để lương công nhân chúng cháu ổn định rồi tăng ạ. Cháu cảm ơn chú vì những gì chú mang tới cho công nhân chúng cháu, cho Hạ Long trong 2 năm qua”.
“Năm mới, cháu chúc chú mạnh khỏe. Chúng cháu cảm ơn chú vì những gì chú đã làm cho anh em công nhân chúng cháu”.
“Chú ơi, cơm thợ lò bây giờ ngon hơn rồi chú ạ. Cháu cảm ơn chú”…(*)
Trên đây là một vài trong vô số tin nhắn đến điện thoại của Giám đốc Công ty than Hạ Long Bùi Đình Thanh. Ông bảo: “Làm anh giám đốc mỏ, đấy là cái lãi”…
Sinh năm 1963 ở Thanh Chương, Nghệ An, 23 tuổi tốt nghiệp Đại học Mỏ Địa chất; kinh qua nhiều vị trí tại các mỏ than Thống Nhất, Quang Hanh; được điều chuyển sang vị trí Giám đốc tại Công ty than Hạ Long năm 2015 trong thời điểm đơn vị đang có nhiều xáo trộn phức tạp, ở vị trí nào cũng để lại nhiều dấu ấn, thành công nhất định và trong những thành công ấy, theo Ông là “gặt hái không ít tình cảm của anh em thợ lò”. Ông bảo: “Để tiện đối thoại, nhà báo cứ gọi tôi là anh Bùi Đình Thanh, ông Bùi Đình Thanh hay kỹ sư Bùi Đình Thanh, gì cũng được, nhưng đừng thêm cái mác tiến sỹ vào nhé”. (GĐ Bùi Đình Thanh đã bảo vệ luận án tiến sỹ cách đây 2 năm).
“Quang Hanh khó khăn kiểu Quang Hanh, còn Hạ Long lại khó kiểu Hạ Long”, câu chuyện giữa chúng tôi đã bắt đầu như thế. Do điều kiện địa chất biến động, các diện khai thác phải tổ chức lại, thay đổi công nghệ khai thác… đã ảnh hưởng đến tiến độ và sản lượng than hầm lò. Bên cạnh đó là một loạt các khó khăn khác như: Chất lượng than không cao; khu vực Khe Tam, Cẩm Thành cung độ vận tải xa, tuyến đường vận tải xấu đã ảnh hưởng nhiều đến tiêu thụ; các khai trường của Công ty manh mún, nhỏ lẻ… Thêm nữa, lại là một đơn vị khai thác than hầm lò, tiềm ẩn nhiều rủi ro nguy hiểm, độc hại, điều kiện sinh hoạt của công nhân còn nhiều thiếu thốn… Đó chính là những nguyên nhân làm cho Công ty ít có sức hút với người lao động. Trước bài toán khó đó, không gì khác là phải thu hút nguồn nhân lực bởi Ông luôn tâm niệm: Người lao động là trung tâm của sự phát triển.
Ông chia sẻ: “Công ty có phát triển bền vững hay không là phải dựa vào nền tảng phát triển nguồn nhân lực, thu hút lao động và phải để người lao động yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với đơn vị”. Do vậy, Than Hạ Long đã tập trung quan tâm đến điều kiện ăn, ở, đi lại, làm việc và chăm lo sức khoẻ, đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Trong bối cảnh sản xuất, tiêu thụ gặp nhiều khó khăn nhưng Công ty đã kiên quyết không giảm định mức tiền lương sản phẩm của khối trực tiếp sản xuất, nhất là thợ lò mà còn khuyến khích thưởng thêm những phân xưởng khai thác hoàn thành kế hoạch. Công ty cũng đảm bảo thu nhập bình quân của người lao động đạt trên 11,5 triệu đồng/người/tháng.
Đã từng qua lao động trực tiếp dưới hầm lò, thấu hiểu tận cùng sự vất vả của người thợ, ông cùng Ban lãnh đạo Công ty đã tìm mọi cách để cải thiện điều kiện làm việc, duy trì ổn định công ăn việc làm cho người lao động. Ông hiểu, vì làm việc trong lò sâu nên càng đòi hỏi thợ lò phải tỉnh táo, đủ sức khoẻ và nghiêm chỉnh chấp hành các quy trình kỹ thuật. Do đó, việc giữ gìn không gian yên tĩnh, đảm bảo chất lượng giấc ngủ cho thợ lò sau một ca làm việc luôn được đặc biệt quan tâm. Tại khu nhà tập thể 5 tầng ở khu Diêm Thuỷ, phường Cẩm Đông (TP. Cẩm Phả), đơn vị đã không ngừng đầu tư trang bị đầy đủ tiện nghi sinh hoạt cho các phòng ở như: Tivi, điều hoà nhiệt độ, truyền hình cáp, mạng internet không dây… Công ty đã đầu tư một số hạng mục phụ trợ nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của công nhân như: Sân đá bóng, nhà thi đấu thể thao, siêu thị, căng tin…
Nhằm cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, Ông đã chỉ đạo lắp đặt hoàn thiện một số hạng mục như: Hệ thống tời hỗ trợ người đi bộ ở tất cả các khu vực có điều kiện; đầu tư hệ thống tời chở người hiện đại tại khu vực Hà Ráng, Tân Lập; sử dụng xe song loan trong lò tại Hà Ráng, Tân Lập lò tại hệ thống đường lò mức -100 khu vực Tân Lập. Công ty đã đầu tư hệ thống giặt sấy ủng, quần áo và nhà tắm nóng lạnh cho công nhân. Hệ thống nhà ăn được xây dựng khang trang, sạch sẽ đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng bữa ăn cho thợ lò; được lắp đặt điều hoà nhiệt độ, hệ thống camera giám sát, tivi… Đặc biệt, không chỉ bố trí xe ô tô đưa đón CBCN hàng ngày mà còn đưa đón Công nhân về tận quê nhân dịp Tết Nguyên Đán. Đối với thợ lò làm từ 20 công/tháng trở lên, Công ty tạo điều kiện đăng ký nghỉ làm việc liên tục từ 3-5 ngày, có thể nghỉ gộp 2 tháng 1 lần. Ngoài thanh toán chi phí đi lại, Công ty còn hỗ trợ thêm một khoản chi phí hỗ trợ tiền xăng xe từ nơi nghỉ đến bến xe và ngược lại .
An toàn là một tiêu chí rất gắt gao của cả Tập đoàn Công nghiệp Than -Khoáng sản Việt Nam, không những vì lý do nhân văn mà còn là điều sống còn đối với việc bổ sung nguồn nhân lực đang thiếu. Những năm gần đây, Công ty đã tích cực đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật… nhằm tăng cường hiệu quả kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, đảm bảo công tác an toàn vệ sinh lao động, vệ sinh môi trường, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao mức sống cho người lao động… Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2017, Công ty đã thực hiện nhiều hạng mục công trình đầu tư với tổng kinh phí ước đạt trên 462 tỷ đồng.
Trong Tập đoàn các công ty khai thác than, Than Hạ Long không phải là số phận được cưng chiều. Tuy nhiên, điểm lạ là những năm gần đây, công ty vẫn giữ vững được lực lượng lao động công nhân hầm lò hoàn thành toàn diện nhiệm vụ Tập đoàn giao chuẩn bị từng bước cho việc tăng sản lượng trong những năm tiếp theo. Ông bảo, ông chả có bí quyết gì đặc biệt, với ông thì “hữu xạ tự nhiên hương”. Mình cứ hết lòng với người lao động, thực sự trân quý họ thì họ sẽ tìm đến với mình. Đặc biệt với thợ lò, Ông trân trọng và yêu quý họ không chỉ như những đồng nghiệp thông thường mà hơn thế nữa, tình cảm đó xuất phát từ đặc thù nghề nghiệp. Do công nhân, cán bộ của Công ty còn trẻ, còn nghèo nên ông chia sẻ với họ một cách thiết thực nhất với những việc làm cụ thể nhất. Nếu giúp được một gia đình công nhân nào còn khó khăn có thêm việc làm hoặc thu nhập chính đáng chỉ vài trăm nghìn đồng một tháng hay có sự động viên về tinh thần cũng là việc cần làm. Cũng như ngày còn làm Giám đốc mỏ than Quang Hanh, Ông công khai số điện thoại cá nhân cho tất cả anh em thợ lò và tuyên bố nếu có bức xúc gì cần tới sự can thiệp của ông, họ có thể gọi điện hoặc nhắn tin cho ông bất kỳ lúc nào. Ông bảo: “Chưa có một tin nhắn nào của thợ lò mà tôi không trả lời cả”. Tổ chức xe đưa thợ lò về quê, gặp mặt thợ lò, tổ chức văn nghệ nơi khai trường cho thợ lò xem,… ông coi đó đơn giản là những việc bình thường, như một chút tri ân nhỏ với những cộng sự của mình.
Ở Than Hạ Long, hình ảnh Giám đốc mặc quần áo bảo hộ lao động, đi xuống tận gương lò trò chuyện với anh em công nhân hay đến kiểm tra đột xuất chất lượng bữa ăn của anh em không phải là một hình ảnh lạ. Ông bảo, đã làm anh giám đốc mỏ, làm sao có thể chỉ ngồi điều hành trong văn phòng được. Và câu chuyện của tôi và Ông trong buổi chiều chớm đông nhạt nắng tôi biết vẫn chưa kết thúc. Tôi đọc trong mắt Ông vẫn còn đó nỗi canh cánh bên lòng làm sao để hoạt động khai thác mỏ an toàn hơn, năng suất cao hơn, thu nhập cao hơn khiến người lao động an tâm hơn, gắn bó với mỏ hơn, và cao hơn nữa là nảy sinh tình cảm với Mỏ, như là Ông của nhiều chục năm về trước, chọn Quảng Ninh là quê hương thứ 2, để rồi gắn bó cả đời mình với hòn than, với những người thợ mỏ.
(*): Những tin nhắn gửi đến Giám đốc Bùi Đình Thanh, chúng tôi giữ nguyên nội dung, chỉ biên tập lại ngữ pháp và chính tả.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tu-nhung-tin-nhan-den-giam-doc-mo-201711201021307315.htm” button=”Theo vinacomin”]