Với vóc dáng nhỏ nhắn, nhưng Nguyễn Tân An, thợ lò bậc 5/6 Công ty than Dương Huy, luôn lao động cần mẫn, trở thành thợ lò có ngày công và năng suất cao…
Thợ lò vào ca
Nguyễn Tân An sinh ra và lớn lên tại Hải Dương. Tuổi thơ của An chỉ quen với ruộng đồng, nhưng anh sớm được tiếp xúc với cuộc sống của những người thợ mỏ từ người cha của mình – ông Nguyễn Tân Đạt, nguyên thợ mỏ Xí nghiệp Xây lắp mỏ Mông Dương, sau chuyển về Công ty than Dương Huy. Học xong phổ thông, sau nhiều lần ra đất mỏ thăm cha, An thổ lộ mong muốn được nối nghiệp cha. Lúc đầu, ông Đạt nhất định cản con bước vào nghề thợ lò vì lo ngại với tình trạng sức khỏe của An sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu của nghề mỏ. Nhưng sau những quyết tâm của An, ông buộc phải đồng ý. “Ngày đó, ông nhà tôi lo ngại và tìm mọi cách ngăn cản tôi bước vào nghề thợ lò, nhưng khi tôi nhất quyết đi theo nghề thì chính ông lại là người có nhiều tâm sự và truyền đạt cho tôi những kinh nghiệm quý báu trong nghề”. – Nguyễn Tân An tâm sự.
Trái lại với những lo lắng ban đầu của cha và gia đình cũng như bạn bè, Nguyễn Tân An đã làm cho mọi người đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Tháng nào An cũng đảm bảo bình quân từ 24 – 25 ngày công trở lên. Có những tháng do phải làm đúp ca, An đạt tới 30, thậm chí vượt 30 ngày công. Thu nhập của An luôn đạt mức bình quân 14-15 triệu đồng/tháng, có tháng đạt trên 20 triệu đồng. Ngoài việc chăm chỉ lao động đảm bảo ngày công, trong sản xuất, An cũng là người luôn có nhiều giải pháp để lao động đảm bảo năng suất cao và an toàn. An có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu và an toàn bảo hộ lao động. Nhiều thiết bị cũ được An tổ chức cùng các đồng nghiệp sửa chữa, cải tiến trở lên có giá trị. Đặc biệt trong việc thu hồi vì chống cũ, An luôn nêu cao ý thức thu hồi triệt để, tiết kiệm cho Công ty hàng chục triệu đồng.
Với giọng nói nhỏ nhẹ, An cho biết, đặc điểm nghề thợ lò vất vả, vậy nên trong những điều kiện khó khăn, phải tận dụng mọi yếu tố kỹ thuật chứ không chỉ dùng sức khỏe. Phải xác định đúng vị trí của mình là công nhân kỹ thuật và triển khai công việc hài hòa, đảm bảo các yêu cầu về quy trình kỹ thuật, quy phạm an toàn mới có năng suất cao và đảm bảo an toàn; tuyệt đối tránh tình trạng làm bừa, làm ẩu, chỉ có như vậy mới có thể vừa điều tiết sức khỏe, đi làm đủ ngày công. “Yếu tố ngày công là rất quan trọng để có thu nhập cao. Hơn nữa, nếu hay nghỉ thì sẽ sinh ra tính lười. Hôm nay nghỉ, ngày mai lại muốn nghỉ. Thiếu ngày công thì thu nhập thấp. Thu nhập thấp lại thường hay chán làm. Đó thực sự là một cái vòng luẩn quẩn cần tránh…” – An chia sẻ.
Nhờ lao động chăm chỉ và luôn có ngày công, thu nhập cao, chỉ sau hơn 5 năm làm nghề, An đã mua được một mảnh đất, xây được một ngôi nhà hai tầng rộng rãi, khang trang trên địa bàn TP. Cẩm Phả. Tuy không được ở trung tâm nhưng cũng tiện vì gần chợ và bến xe đi làm. An đưa vợ từ quê ra buôn bán để kiếm thêm thu nhập cũng như hợp lý hóa gia đình… Chia sẻ của Nguyễn Tân An cũng là kinh nghiệm quý mà các thợ lò trẻ cần trang bị cho mình trước khi bước vào nghề.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tiep-buoc-cha-201712011000544108.htm” button=”Theo vinacomin”]