Muốn ăn cơm trắng cá trê
Muốn đội nón tốt thì về làng Chuông.
Xuôi theo câu ca dao thân thương gần gũi và cũng đầy mời gọi ấy, tôi tìm về với làng Chuông (thuộc huyện Thanh Oai, Hà Nội), nơi có những phiên chợ rất đặc biệt, chợ Nón. Nó đặc biệt ở chỗ là trong chợ chỉ bán duy nhất một mặt hàng là nón lá và các nguyên vật liệu để làm nón.
Chợ họp từ sớm tinh mơ và chỉ kéo dài khoảng 3,4 giờ đồng hồ khi nắng lên là vãn chợ. Những người bán mua trong chợ hầu hết là phụ nữ và một điều rất đặc biệt nữa là người ta có thể mua ở đầu chợ rồi đem bán ngay ở cuối chợ. Ở đây, đủ thứ liên quan đến cái nón được bày bán. Từ những chiếc nón đã hoàn chỉnh đến những bó lá để lợp nón, những chiếc khuôn, những vòng tre đã được uốn sẵn, những con chỉ màu, cước để khâu nón… Người bán lá mua khuôn, mua nan, người bán nan, bán chỉ lại mua lá, cứ như thế người này mua của người kia để rồi tạo nên một khung cảnh mua bán tấp nập, nhộn nhịp.
Vì hầu hết đều là người cùng thôn xóm nên những người bán mua ở cái chợ này đều quen biết nhau, hiểu rõ về nhau. Bên cạnh việc trao đổi mua bán, họ còn trò chuyện, thăm hỏi nhau rất thân tình. Người dân nơi đây coi việc làm nón chỉ là nghề phụ làm những lúc nông nhàn. Từ trẻ con đến người già, nam hay nữ đều có thể làm được.
Giờ đây các cô gái không còn mặn mà với những chiếc nón lá nữa. Thế nhưng, chính hình ảnh những vành nón lá che nghiêng cùng với tà áo dài đã góp phần làm nên nét tha thướt yêu kiều của các thiếu nữ; được bè bạn khắp năm châu bốn bể biết đến và trở thành biểu tượng rất đỗi tự hào của người con gái Việt Nam.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/cho-non-lang-chuong-201712041353227797.htm” button=”Theo vinacomin”]