GEOSIMCO
  • Trang chủ
  • Giới Thiệu
  • Tin tức
  • Đời sống
  • Tài chính
Không có kết quả
Xem tất cả kết quả
GEOSIMCO
Không có kết quả
Xem tất cả kết quả
topforexviet.com
Trang chủ Tin tức

Cập nhật Hai dự án bô xít thí điểm ở Tây Nguyên: “Vạn sự khởi đầu nan” –

17/02/2025
trong Tin tức
0

Related posts

Nguyên nhân tái cận thị sau mổ lasik

Cập nhật Tái Cận Thị Sau Mổ Lasik Và Những Điều Bạn Nhất Định Phải Biết

17/02/2025
0
Cận thị giả có nên đeo kính không

Cập nhật Cận Thị Giả Là Gì? Cận Thị Giả Có Nên Đeo Kính Không?

17/02/2025
0

1.Quá trình ra đời trắc trở, kéo dài

Hai dự án bô xít: Dự án Tổ hợp Bô xít – Nhôm Lâm Đồng và Dự án Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ (Đắk Nông) vừa là hai dự án đầu tiên ở nước ta, đồng thời là hai dự án thí điểm, cho nên quá trình hình thành, ra đời của chúng hết sức gian nan.    

  1. a) Dự án Tổ hợp Bô xít – Nhôm Lâm Đồng

Thực hiện chủ trương của Đảng về công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, ngày 14/9/1995 nguyên Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt và Phó Thủ tướng Trần Đức Lương cùng các bộ, ngành liên quan đã làm việc với lãnh đạo Bộ Công nghiệp nặng về quy hoạch công nghiệp khai thác bô xít và luyện nhôm. Tại Thông báo của Văn phòng Chính phủ số 126/TB ngày 19/9/1995 đã nêu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó yêu cầu “phải khẩn trương phát triển công nghiệp khai thác bô xít và luyện nhôm càng sớm càng tốt để đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu khi có điều kiện”, theo đó giao “Bộ Công nghiệp nặng chủ trì phối hợp với các ngành liên quan xây dựng dự án chi tiết và lập tờ trình xin ý kiến Bộ Chính trị về chủ trương phát nhôm triển ngành công nghiệp luyện theo mô hình “Tổ hợp Thủy điện – Mỏ – Nhà máy luyện nhôm” … Có thể tính toán xem xét, chọn một trong hai mỏ: Đắk Nông (tỉnh Đắk Lắc) và Tân Rai (tỉnh Lâm Đồng) để xây dựng khu công nghiệp luyện nhôm”.

Thực hiện chủ trương nêu trên, từ năm 1997 Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam (VIMICO) đã tiến hành lập “Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (NCTKT) Tổ hợp Bô xít – Nhôm Lâm Đồng”. Năm 2000 NCTKT dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Văn bản số 303/CP-CN ngày 29/3/2000.

Tiếp theo VIMICO đã tiến hành lập Báo cáo nghiên cứu khả thi (NCKT) dự án. Báo cáo được “Hội đồng Thẩm định Nhà nước về các dự án đầu tư” thẩm định, được Thủ tướng Chính phủ thông qua tại Văn bản số 808/TTg-CN ngày 17/6/2005 và số 389/TTg-CN ngày 08/3/2006. Trên cơ sở đó VIMICO đã quyết định đầu tư dự án với công suất 600.000 tấn alumin/năm theo Quyết định số 305/QĐ-HĐQT ngày 20/03/2006.

Để đẩy nhanh việc thực hiện đầu tư dự án, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận việc chuyển Chủ đầu tư dự án từ VIMICO sang Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) theo Văn bản số 929/TTg-CN, ngày 16/6/2006. Trên cơ sở đó, Hội đồng quản trị TKV (HĐQT) đã có Quyết định số 1377/QĐ-HĐQT ngày 28/6/2006 chuyển Chủ đầu tư dự án từ VIMICO sang TKV. Tiếp đó, HĐQT TKV đã có Quyết định số 1396/QĐ-HĐQT ngày 30/6/2006 đầu tư dự án (kế thừa và thay thế Quyết định đầu tư dự án của VIMICO). Trên cơ sở đó Dự án bắt đầu được khởi công xây dựng từ năm 2006. Như vậy, kể từ khi có chủ trương năm 1995 đến khi khởi công xây dựng năm 2006 quá trình ra đời dự án kéo dài tới 11 năm với lộ trình hết sức thận trọng.

  1. b) Dự án Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ

Dự án Nhà máy alumin Nhân Cơ (Đắk Nông) công suất 300.000 tấn/năm:

Ngày 11/10/2005, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 190/TB-VPCP Thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Phan Văn Khải về Quy hoạch Bô xít và các dự án đầu tư khai thác bô xít, sản xuất alumin và luyện nhôm tại Tây Nguyên, trong đó có các nội dung:

– Bộ Tài nguyên và Môi trường làm thủ tục giao cấp mỏ bô xít Đắk Nông (toàn bộ các mỏ ở Đắk Nông) cho Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) để TKV chủ động thăm dò, lập dự án và đàm phán với các đối tác nước ngoài.

– Cho phép TKV được khai thác quặng bô xít trong Cụm Công nghiệp Nhân Cơ để đầu tư dự án Nhà máy sản xuất alumin quy mô nhỏ 100.000 tấn/năm tại Cụm Công nghiệp Nhân Cơ, tỉnh Đắk Nông. Dự án thực hiện theo hình thức Việt Nam tự đầu tư.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, TKV đã tiến hành đấu thầu quốc tế để lựa chọn đối tác thực hiện dự án Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ công suất 100.000 tấn/năm. Tuy nhiên do quy mô dự án quá nhỏ, các đối tác nước ngoài không tham gia nên đã không lựa chọn được nhà thầu để thực hiện.

TKV đã có các văn bản số 2462/TT-HĐQT ngày 14/4/2006 và số 3854/CV-HĐQT ngày 13/6/2006 đề nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh nâng công suất dự án lên 300.000 tấn alumin/năm cho phù hợp với mô đun của dự án Tổ hợp Bô xít – Nhôm Lâm Đồng (2 x 300.000 tấn alumin/năm) và chỉ định thầu cho Viện Nghiên cứu Cơ khí (Narime) lập Dự án đầu tư xây dựng công trình (ĐTXDCT) để đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư dự án và tạo điều kiện phát triển cho tư vấn của Việt Nam trong lĩnh vực mới này.

Ngày 16/6/2006 Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 929/TTg-CN với nội dung:

– Đồng ý điều chỉnh công suất dự án Nhà máy tuyển quặng và sản xuất alumin Nhân Cơ, tỉnh Đắk Nông lên 300.000 tấn alumin/năm, có xem xét đến khả năng mở rộng lên 600.000 tấn alumin/năm. TKV tiếp thu ý kiến các bộ liên quan, tiến hành lập Báo cáo đầu tư dự án, trình duyệt theo quy định.

– Giao Bộ trưởng Bộ Công nghiệp xem xét quyết định việc lựa chọn nhà thầu tư vấn lập Dự án Nhà máy tuyển quặng và sản xuất alumin Nhân Cơ theo quy định hiện hành.

Ngày 28/11/2006 Bộ Công nghiệp đã có Quyết định số 3386/QĐ-BCN phê duyệt kết quả chỉ định thầu gói thầu tư vấn lập Dự án đầu tư xây dựng công trình Nhà máy tuyển quặng bô xít và sản xuất alumin Nhân Cơ. Nhà thầu trúng thầu là Liên danh giữa Narime, Viện Nghiên cứu Mỏ & Luyện kim và Công ty CP Tư vấn đầu tư Mỏ & Công nghiệp.

Ngày 05/12/2006 TKV đã ký Hợp đồng lập dự án với Liên danh trên. Dự án với công suất 300.000 tấn alumin/năm đã được Liên danh hoàn thành vào tháng 5/2007.

Ngày 16/3/2007 HĐQT TKV đã có Quyết định số 584/QĐ-HĐQT chuyển giao dự án cho Công ty CP Alumin Nhân Cơ – TKV (Công ty con cổ phần của TKV).

Ngày 15/6/2007 HĐQT Công ty CP Alumin Nhân Cơ-TKV có Quyết định số 28/QĐ-HĐQT phê duyệt đầu tư Dự án Nhà máy tuyển quặng bô xít và sản xuất alumin Nhân Cơ công suất 300.000 tấn alumin/năm, có xem xét khả năng mở rộng lên 600.000 tấn alumin/năm.

Sau khi quyết định đầu tư dự án, Công ty CP Alumin Nhân Cơ – TKV đã tổ chức đấu thầu quốc tế gói thầu: “Lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu EPC nhà máy alumin Nhân Cơ” (công suất 300.000 tấn alumin/năm) từ tháng 7/2007 đến tháng 5/2008.

Tuy nhiên giá chào thầu của các nhà thầu đều quá cao, dẫn đến suất đầu tư cao (cao hơn Dự án Tổ hợp Bô xít – Nhôm Lâm Đồng) và không đảm bảo hiệu quả dự án. HĐQT TKV đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình đấu thầu hai gói thầu EPC Nhà máy Alumin Nhân Cơ và Tân Rai (Lâm Đồng) (CV số 73/BC-HĐQT ngày 16/04/2008) và đề nghị Thủ tướng cho phép TKV đầu tư ngay giai đoạn 2 của dự án Alumin Nhân Cơ, tức là nâng ngay công suất từ 300.000 tấn/năm lên 600.000 tấn/năm để đàm phán với nhà thầu CHALIECO trên cơ sở sử dụng kết quả đấu thầu Dự án Tổ hợp Bô xít – Nhôm Lâm Đồng có công suất 600.000 tấn/năm (nhà thầu đã chào thầu với suất đầu tư thấp hơn khá nhiều).

Trước đó, dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ công suất 300.000- 600.000 tấn/năm đã được đưa vào “Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bô xít giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 167/2007/QĐ-TTg ngày 01/11/2007.

Ngày 02/5/2008 Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo 2728/VPCP-QHQT, trong đó có nội dung: Thủ tướng Chính phủ đồng ý nâng công suất dự án Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ lên 600.000 tấn/năm.

Điều chỉnh Dự án Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ 650.000 tấn alumin/năm:

Sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép nâng công suất dự án lên 600.000 tấn/năm, Công ty CP Alumin Nhân Cơ đã ký hợp đồng (số 02-2008/VNAC-NARIME ngày 9/10/2008) với Narime lập điều chỉnh dự án Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ từ 300.000 tấn alumin/năm lên 650.000 tấn alumin/năm.

Thiết kế cơ sở của dự án đã được Bộ Công Thương thẩm định (Thông báo kết quả thẩm định TKCS số 87/TB-BCT ngày 02/3/2009). Hiệu quả kinh tế của dự án cũng đã được Bộ Công Thương thẩm định, báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý thông qua (Thông báo số 44/TB-VPCP ngày 10/02/2010). 

Trên các cơ sở đó, HĐQT Công ty CP Alumin Nhân Cơ đã ra quyết định (số 04/2010/QĐ-HĐQT ngày 26/02/2010 phê duyệt điều chỉnh dự án Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ công suất 650.000 tấn alumin/năm với tổng mức đầu tư là 11.624,2 tỷ đồng.

Dự án được bắt đầu khởi công từ ngày 28/2/2010 và gói thầu Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ theo Hợp đồng EPC với nhà thầu CHALIECO (Trung Quốc) là 24 tháng tính tiến độ kể từ ngày 18/10/2010.

Như vậy, kể từ khi có chủ trương năm 2005 đến khi khởi công xây dựng năm 2010 quá trình hình thành, ra đời dự án kéo dài tới 5 năm, trong đó nhờ có kinh nghiệm từ dự án Tổ hợp Bô xít – Nhôm Lâm Đồng.

2.Ra đời trong bối cảnh đầy sóng gió

Bối cảnh quốc tế và trong nước đầy biến động phức tạp, khó lường kéo theo sự thay đổi để ứng phó trong đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế – xã hội nói chung và ngành công nghiệp bô xít – alumin – nhôm nói riêng.

Bối cảnh quốc tế:

Trên thế giới từ trước đến nay có 5 cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất thì có đến 2 cuộc xảy ra trong giai đoạn từ năm 1997 đến 2007, đó là Khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 xảy ra ở Thái Lan và lan rộng đến các nước Đông Á, thị trường tài chính châu Á trở nên hỗn loạn, nhanh chóng kéo theo hàng triệu USD đầu tư nước ngoài ồ ạt rút đi; Khủng hoảng tài chính Hoa Kỳ 2007-2009 đã khiến cho Ngân hàng Lehman Brothers (một trong những ngân hàng đầu tư lớn nhất thế giới) phá sản, kéo theo hàng loạt những doanh nghiệp và thể chế tài chính chủ chốt đứng trên bờ vực sụp đổ cùng sự suy thoái kinh tế của Mỹ và nhiều nước trên thế giới.

Đặc biệt, bước vào năm 2008 kinh tế thế giới bị tác động bởi 3 cuộc khủng hoảng: tài chính, năng lượng và lương thực; giá dầu thô và giá nhiều loại nguyên liệu, hàng hoá khác trên thị trường thế giới tăng mạnh trong những tháng giữa năm; lạm phát xảy ra tại nhiều nước trên thế giới; đến cuối quý 3/2008 khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra gay gắt làm cho kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng sâu rộng chưa từng có kể từ sau cuộc đại khủng hoảng kinh tế 1929-1933. Giá dầu thô và thị trường tiêu thụ nhiều loại hàng hóa suy giảm mạnh. Các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, v.v. tăng trưởng chậm, thậm chí rơi vào suy thoái. Chính phủ nhiều nước đã quyết định bơm hàng ngàn tỉ đô la để cứu vãn sự sụp đổ của hệ thống tài chính và nền kinh tế. Hội nghị Thượng đỉnh G-20 tại Mỹ và Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Peru từ ngày 23-24/11/2008 đã tuyên bố chung sức đối phó với khủng hoảng và cần khoảng 18 tháng để thoát ra khỏi khủng hoảng.

Ngoài ra, trên thế giới đã xảy ra hàng trăm cuộc xung đột, chiến tranh giữa các sắc tộc, tôn giáo, giữa các nước trong khu vực với sự can thiệp của các thế lực nước ngoài do tranh giành ảnh hưởng dẫn đến kinh tế thế giới phục hồi chậm; khủng hoảng chính trị, bất ổn xã hội ở nhiều nơi, nhiều nước; cạnh tranh về nhiều mặt ngày càng quyết liệt giữa các nước lớn tại các khu vực; diễn biến phức tạp trên Biển Đông, Trung Đông…

Trong ngành bô xít – alumin – nhôm thế giới cũng có nhiều biến động lớn và sự cố. Do tác động của khủng hoảng kinh tế nên trong từng giai đoạn nhu cầu nhôm và alumin bị tăng, giảm mạnh, dẫn đến mất cân đối cung – cầu làm cho giá nhôm, alumin biến động lớn. Chẳng hạn giá nhôm LME 3M đã tăng liên tục từ 1.388 USD/tấn năm 1999 lên 2.661 USD/tấn năm 2007, sau đó suy giảm và đến năm 2009 xuống còn 1.699 USD/tấn; tiếp theo lại phục hồi, năm 2010 đạt 2.199 USD/tấn và 2011 lên 2.422 USD/tấn, nhưng từ 2012 bắt đầu giảm cho đến 2016 chạm đáy với mức bình quân 1.604 USD/tấn [1].

Đặc biệt, sự cố vỡ hồ bùn đỏ xảy ra tại nhà máy alumina Ajkai Timföldgyár tại làng Ajka, hạt Veszprém, ở phía tây Hungary vào lúc 12h25 giờ địa phương ngày 4/10/2010, khoảng một triệu mét khối chất thải lỏng bùn đỏ đã tràn xuống, gây ngập lụt các địa phương lân cận. Trong 7 tiếng bùn đỏ đã lan xa khoảng 32km, bao phủ một diện tích khoảng 400 km2. Bùn đã tràn đến sông Đa-nuýp vào ngày 7/10/2010. Đã có 10 người chết và 122 người bị thương, thiệt hại về vật chất; 261 căn nhà bị phá hủy, khoảng 1.364 ha đất đai bị phủ bùn đỏ dày từ 3cm đến vài mét. Ước tính giá trị thiệt hại lên đến hàng trăm triệu USD.

Bối cảnh trong nước:

Thời kỳ 2001 – 2005 Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân năm là 7,5% và hai năm 2006 – 2007 đạt tốc độ tăng trưởng GDP trên 7%. Sau đó khủng hoảng kinh tế toàn cầu tác động đến nền kinh tế Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, làm tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm, lạm phát, tỷ giá, lãi suất vay vốn tăng cao, gây khó khăn về việc làm, đời sống, huy động vốn, v.v… Các năm từ 2008 – 2013, trừ 2 năm 2010-2011 có tốc độ tăng trưởng 6,42% và 6,24%, còn lại đều dưới 6% (2008: 5,66%; 2009: 5,40%; 2012: 5,25%; 2013: 5,42%). Chỉ số CPI tăng: 2008: 22,97%; 2009: 6,88%; 2010: 9,19%; 2011: 18,58%; 2012: 9,21%. Tỷ giá USD/VND tăng: 2008: 6,31%; 2009: 9,17%; 2010: 7,63%; 2011: 8,47%. Lãi suất cơ bản từ ngày 05/8/2000: 8%/năm; từ tháng 6/2008: 14%/năm (theo đó các tổ chức tín dụng có thể quyết định mức lãi suất cho vay của mình cao tới 21%/năm); năm 2009: 7-8%; từ cuối năm 2010: 9% [2].

Tình hình trên Biển Đông và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, không những tác động đến nền kinh tế nước ta mà còn trực tiếp tới tiến độ thực hiện đầu tư các dự án bô xít.

Do trong nước chưa có kinh nghiệm thực tế về khai thác, chế biến bô xít, sản xuất alumin, hơn nữa hai dự án bô xít thí điểm lại triển khai thực hiện trên địa bàn Tây Nguyên có nhiều vấn đề nhạy cảm, cho nên dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đến hai dự án thí điểm là điều tất yếu, trong đó có nhiều ý kiến lo ngại, phản đối, kiến nghị dừng dự án của một số nguyên lãnh đạo cao cấp, đại biểu Quốc hội, các nhân sỹ, trí thức, nhà khoa học, nhất là sau sự cố vỡ hồ bùn đỏ ở Hungary. Chính vì vậy việc triển khai hai dự án bô xít thí điểm phải thực hiện hết sức thận trọng, đặc biệt quan tâm về sử dụng công nghệ, bảo vệ môi trường, hoàn thổ, trồng rừng, đền bù tái định cư, những vấn đề xã hội, bảo đảm đời sống cho đồng bào thuộc diện phải thu hồi đất, quản lý tốt lao động nước ngoài, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội trong vùng dự án và hiệu quả kinh tế – xã hội.    

Trong bối cảnh quốc tế và trong nước nêu trên, Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp để ứng phó trong phát triển kinh tế – xã hội nói chung và trong lĩnh vực công nghiệp bô xít – alumin – nhôm nói riêng.

Riêng trong lĩnh vực công nghiệp bô xít – alumin – nhôm, ngoài chủ trương đề ra trong 3 Nghị quyết của 3 Đại hội Đảng IX (2001), X (2006) và XI (2011), chỉ tính từ năm 2006 đến 2014 Bộ Chính trị đã ra 1 Nghị quyết (Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25/4/2011), 4 văn bản kết luận (Thông báo số 14-TB/TW ngày 15/8/2006; TB số 72-TB/TW ngày 09/5/2007; Thông báo số 245- TB/TW ngày 24/4/2009; Thông báo số 5920/CV-VPTW ngày 8/7/2013). Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 1 Nghị quyết (Nghị quyết số 775/NQ-UBTVQH13 ngày 23/6/2014). Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ từ năm 1995 đến 2015 đã ban hành 30 văn bản gồm các quyết định và các thông báo kết luận, ý kiến chỉ đạo. Ngoài ra còn có hàng chục văn bản của Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương liên quan.

Do sự biến động mạnh, phức tạp của bối cảnh trong nước và trên thế giới nên chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về ngành công nghiệp bô xít – alumin – nhôm cũng có sự thay đổi mau chóng để ứng phó. Điển hình là:

Nghị quyết Đại hội X trong phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2006 – 2010 đã xác định “Nhà nước tập trung đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư để phát triển những sản phẩm quan trọng của nền kinh tế, như: lọc hoá dầu, khai thác quặng và luyện thép, phân bón, hoá chất, xi măng, khai thác bô xít và sản xuất alumin, bột giấy gắn với trồng rừng, một số sản phẩm cơ khí chế tạo”.

Thông báo số 14-TB/TW ngày 15/8/2006 Kết luận của Bộ Chính trị về dự án khai thác bôxit, sản xuất alumin tại Đắk Nông, trong đó nêu rõ Bộ Chính trị tán thành triển khai dự án và yêu cầu “Các nhà máy chế biến alumin và luyện nhôm cần đặt tại tỉnh Đắk Nông để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân Tây Nguyên nói chung và Đắk Nông nói riêng”. 

Thông báo số 72-TB/TW ngày 09/5/2007 Kết luận của Bộ Chính trị về quy hoạch các dự án bô xít-alumin-nhôm tại Tây Nguyên và dự án sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh), trong đó khẳng định rằng đó là những dự án khai thác, chế biến khoáng sản lớn, triển khai cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội X của Đảng về khai thác quặng gắn và đặt ra yêu cầu phải đảm bảo thực hiện có hiệu quả kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường; đồng thời giao Chính phủ chỉ đạo xây dựng và thông qua Quy hoạch phát triển công nghiệp bô xít, alumin, nhôm.

Trên cơ sở này Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo lập và phê duyệt “Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng bô xít giai đoạn 2007 – 2015 có xét đến năm 2025” tại Quyết định số 167/QĐ – TTg ngày 01/11/2007.

Thông báo số 245-TB/TW ngày 24/4/2009 Kết luận của Bộ Chính trị về Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng bô xít giai đoạn 2007-2015, có xét đến 2025, trong đó khẳng định tiếp tục thực hiện hai dự án bô xít Tân Rai và Nhân Cơ với yêu cầu lựa chọn công nghệ hiện đại, đảm bảo hiệu quả và thực hiện nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ môi trường; giao Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, điều chỉnh Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bô xít phù hợp với tình hình mới.

Trên cơ sở này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương lập quy hoạch điều chỉnh “Quy hoạch thăm dò, khai thác và chế biến quặng bô xít giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030” tại Công văn số 650/TTg-KTN ngày 29/4/2009. Theo đó, Bộ Công Thương đã tổ chức lập, thông qua và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt “Quy hoạch thăm dò, khai thác và chế biến quặng bô xít giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030”.

Công văn số 5920-CV/VPTW ngày 08/7/2013 Thông báo ý kiến của Bộ Chính trị về tình hình thực hiện các dự án thí điểm khai thác, chế biến bôxit ở Tây Nguyên, trong đó nêu rõ từ nay đến năm 2020 trên cơ sở kết quả triển khai có hiệu quả hai dự án chế biến bô xít Tân Rai và Nhân Cơ, Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo xây dựng đề án tổng thể quy hoạch khai thác, chế biến quặng bô xít và xây dựng ngành công nghiệp alumin – nhôm, trình Bộ Chính trị xem xét.

Tuy nhiên, đối với hai dự án bô xít thí điểm Đảng vẫn luôn “vững tay chèo” trong bối cảnh sóng to gió lớn.

3.Vừa đi vừa mở đường và ứng phó với biến động

Do là hai dự án đầu tiên triển khai trong bối cảnh nêu trên nên quá trình thực hiện đầu tư xây dựng trải qua nhiều lần điều chỉnh.

Dự án “Tổ hợp Bô xít – Nhôm Lâm Đồng:

Sau khi khởi công trong quá trình thực hiện đầu tư dự án, do biến động giá, tỷ giá, phát sinh thêm một số khối lượng… Chủ đầu tư TKV đã tiến hành điều chỉnh dự án như sau:

– Quyết định số 2157/QĐ-HĐQT ngày 05/10/2006 “Điều chỉnh quyết định đầu tư xây dựng  công trình Tổ hợp Bô xít -Nhôm Lâm Đồng”.

– Quyết định số 1339/QĐ-HĐQT ngày 07/6/2007 “Phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình: Tổ hợp Bô xít – Nhôm Lâm Đồng“.

– Quyết định số 1126/QĐ-HĐQT ngày 28/5/2009 “Về việc phê duyệt điều chỉnh Thiết kế cơ sở và Tổng mức đầu tư phần Mỏ – Tuyển  thuộc dự án đầu tư XDCT: Tổ hợp Bô xít – Nhôm Lâm Đồng”.

– Quyết định số 1953/QĐ-HĐQT ngày 04/9/2009: “Về việc phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình: Tổ hợp Bô xít – Nhôm Lâm Đồng”.

– Quyết định số 2034/QĐ-VINACOMIN ngày 22/10/2013: “Về việc phê duyệt điều chỉnh một số nội dung của Quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình: Tổ hợp Bô xít – Nhôm Lâm Đồng”.

Dự án Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ:

Trong quá trình thực hiện đầu tư dự án, do biến động về tổ chức, giá, tỷ giá, phát sinh thêm một số khối lượng… Chủ đầu tư TKV đã tiến hành điều chỉnh dự án như sau:

Ngày 11/3/2010 HĐQT TKV đã có Nghị quyết về phê duyệt Đề án tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức và quản lý Tập đoàn để trình Thủ tướng Chính phủ, trong đó có nội dung: Tổ chức lại Công ty CP Alumin Nhân Cơ thành Công ty TNHH MTV Nhôm Nhân Cơ do TKV sở hữu 100% vốn điều lệ.

Ngày 26/7/2010 Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 1317/TTg-ĐMDN “V/v phê duyệt Đề án hoàn thiện cơ cấu tổ chức của TKV”, trong đó có nội dung: Việc tổ chức lại Công ty CP Alumin Nhân Cơ TKV thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Ngày 22/12/2010 HĐTV TKV có các quyết định:

– Quyết định số 2953/QĐ-HĐTV: Giải thể Công ty CP Alumin Nhân Cơ-TKV, doanh nghiệp do TKV đã mua lại 100% vốn điều lệ, kể từ ngày 01/01/2011.

– Quyết định số 2954/QĐ-HĐTV: Thành lập Ban QLDA Nhà máy alumin Nhân Cơ – TKV trực thuộc TKV, kể từ ngày 01/01/2011.

Ngày 24/02/2011 HĐTV TKV có Quyết định số 349/QĐ-HĐTV Chuyển 06 dự án đầu tư của Công ty CP Alumin Nhân Cơ – TKV về TKV để Tập đoàn làm Chủ đầu tư, trong đó có Dự án Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ.

Quyết định số 193/QĐ-TKV ngày 14/02/2014 về điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ tại Quyết định số 04/2010/QĐ-HĐQT ngày 26/02/2010.

Ngoài ra, sau hơn 5 năm triển khai và 1 năm tạm dừng đầu tư xây dựng, do nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân quy mô sản xuất alumin ở Tây Nguyên còn quá nhỏ (chỉ 1,3 triệu tấn/năm), nên TKV đã kiến nghị Chính phủ xem xét dừng dự án đầu tư xây dựng cảng Kê Gà với mục đích phục vụ vận chuyển cho các dự án bô xít Tây Nguyên có công suất lên đến 35 triệu tấn/năm và đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận vào đầu năm 2014.

4.Những “sự cố” trong thuở ban đầu khai phá đường đi [3] 

Cả hai dự án đã có những sự cố xảy ra như sau.

1)Chậm tiến độ:

Dự án Tổ hợp Bô xít – Nhôm Lâm Đồng: tiến độ nhà máy tuyển chậm khoảng 1,5 năm và nhà máy alumin chậm hơn 2 năm. Dự án Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ: chậm hơn 4 năm.

Việc chậm tiến độ của hai dự án do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.

  1. Về khách quan

– Cả hai Dự án là dự án có quy mô vốn đầu tư lớn, kỹ thuật và công nghệ phức tạp, lần đầu tiên xây dựng ở Việt Nam, tại địa bàn Tây Nguyên đặc biệt khó khăn, nhạy cảm và phức tạp về tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội, cơ sở hạ tầng và môi trường.

– Tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng bị chậm mặc dù chính quyền địa phương đã hết sức tích cực phối hợp với Chủ đầu tư, nhưng do diện tích đền bù lớn, ảnh hưởng đến nhiều hộ dân, trong quá trình giải phóng mặt bằng có sự thay đổi về chính sách đất đai, nhiều mảnh đất đã qua nhiều lần thay đổi chủ sử dụng…; các dự án triển khai ở khu vực Tây Nguyên nhạy cảm về chính trị, một bộ phận người dân khu vực là người dân tộc thiểu số, nên việc áp dụng biện pháp cưỡng chế hết sức hạn chế, chủ yếu là vận động, tuyên truyền và thuyết phục. Thực tế đối với mặt bằng Nhà máy alumin Tân Rai bàn giao chậm tiến độ 2 tháng, Nhà máy tuyển quặng chậm 6 tháng; hồ bùn đỏ (khoang số 2) đến tháng 8/2011 hộ dân cuối cùng mới di chuyển ra khỏi khu vực thi công.

– Tác động của dư luận xã hội đối với việc tiếp tục hay dừng triển khai các dự án bô xít Tây Nguyên (đặc biệt sau sự cố vỡ hồ bùn đỏ ở Hungary), cũng như việc số lượng lớn các đoàn công tác của các cơ quan quản lý Trung ương và địa phương, tổ chức xã hội và cơ quan báo chí đến kiểm tra, giám sát, tìm hiểu thông tin về dự án… cũng đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai thực hiện dự án.

– Việc thi công hồ bùn đỏ bị kéo dài do phải rà soát, thẩm định và tái thẩm định thiết kế kỹ thuật và bổ sung các giải pháp an toàn sau sự cố vỡ hồ bùn đỏ ở Hungary theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đã làm chậm tiến độ khoảng 7 tháng.

– Thời tiết, khí hậu Tây Nguyên những năm gần đây diễn biến phức tạp, không theo quy luật, có biểu hiện của tác động biến đổi khí hậu dẫn đến mưa gió bất thường, lượng mưa lớn kéo dài ảnh hưởng rất lớn đến công tác vận chuyển nguyên vật liệu, thiết bị và tổ chức thi công xây dựng và lắp đặt (Dự án Tổ hợp Bô xít – Nhôm Lâm Đồng thời gian phải ngừng thi công do thời tiết bình quân khoảng 4 tháng/năm).

– Chất lượng đường giao thông tại khu vực đã thấp lại xuống cấp nghiêm trọng, nhiều đèo dốc, cầu cống chỉ đảm bảo lưu thông được cho xe trọng tải đến 25 tấn, vì vậy, việc vận chuyển các thiết bị siêu trường, siêu trọng về công trường gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vào mùa mưa.

– Tình trạng mất điện xảy ra thường xuyên (không phải do thiếu nguồn cung cấp, chủ yếu do điều kiện kỹ thuật của hệ thống đường dây và trạm biến thế cung cấp còn hạn chế), ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công dự án (Dự án Tổ hợp Bô xít – Nhôm Lâm Đồng tổng cộng thời gian bị mất điện bình quân 01 tháng/năm).

  1. Về chủ quan

– Năng lực và kinh nghiệm quản lý, điều hành của Chủ đầu tư còn hạn chế đối với dự án quy mô lớn, phức tạp, lần đầu tiên thực hiện và thi công trong điều kiện khó khăn.

– Nhà thầu EPC CHALIECO (Trung Quốc) lần đầu tiên đảm nhận thi công dự án tại Việt Nam, còn lúng túng trong một số khâu công việc mang tính thủ tục như thực hiện các thủ tục nhập cảnh, đăng ký lao động, thủ tục nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành, v.v.

– Tính chuyên nghiệp của liên danh nhà thầu Việt Nam (liên danh 4 nhà thầu) thi công gói thầu EPC Nhà máy tuyển và tuyến băng tải còn hạn chế, vì vậy, nhiều hạng mục do các nhà thầu Việt Nam đảm nhận bị chậm tiến độ; Hợp đồng EPC Nhà máy alumin Tân Rai có 216 thiết bị dành cho các nhà thầu Việt Nam chế tạo theo chủ trương việc gì Việt Nam làm được thì ưu tiên cho doanh nghiệp Việt Nam, nhưng sau thời gian dài (hơn 1 năm) khảo sát, đàm phán các nhà thầu Việt Nam đã từ chối thực hiện do không thể đáp ứng được về tiến độ, giá cả, vì thế Nhà thầu CHALIECO phải chuyển sang phương án nhập khẩu.

– Chủ đầu tư và các nhà thầu Trung Quốc và Việt Nam không lường hết được những khó khăn phát sinh như tăng cường đảm bảo môi trường, dư luận xã hội, hạ tầng cơ sở (cung cấp điện, giao thông mùa mưa…).

– Chủ đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước ở giai đoạn đầu chưa thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền, giải thích làm cho một bộ phận dư luận xã hội chưa đồng thuận với việc triển khai Dự án, nên ở giai đoạn đầu của quá trình thi công có một số hạng mục đã phải tạm giãn tiến độ chờ xem xét.

2) Tổng vốn đầu tư tăng

Dự án Tổ hợp Bô xít – Nhôm Lâm Đồng: Tổng mức đầu tư gồm VAT tăng từ 11.353 tỷ đồng lên 15.414 tỷ đồng, tăng 4.061 tỷ đồng, tương ứng 35,8%.

Nguyên nhân tăng tổng mức đầu tư gồm nguyên nhân khách quan làm tăng 2.804,8 tỷ đồng, chiếm 69,1% (do tăng: tỷ giá 643,9 tỷ đồng; lãi vay 1.449,4 tỷ đồng; chi phí đền bù GPMB 539,8 tỷ đồng; VAT 171,7 tỷ đồng) và nguyên nhân chủ quan làm tăng 1.256,5 tỷ đồng, chiếm 30,9% (do tăng: Chi phí thu xếp vốn 321,0 tỷ đồng; chi phí vật tư, nguyên liệu chạy thử và vốn lưu động 671,6 tỷ đồng; điều chỉnh kết cấu một số công trình 141,3 tỷ đồng; một số chi phí khác 92,6 tỷ đồng; chi phí QLDA và tư vấn đầu tư 110,0 tỷ đồng; chi phí dự phòng giảm 80,0 tỷ đồng).

Dự án Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ: Tổng mức đầu tư gồm VAT tăng từ 11.624 tỷ đồng lên 16.822 tỷ đồng, tăng 5.198 tỷ đồng, tương ứng 34,7%.

Nguyên nhân tăng tổng mức đầu tư gồm nguyên nhân khách quan làm tăng 4.287,8 tỷ đồng, chiếm 71,9% (do tăng: tỷ giá 1.149,6 tỷ đồng; lãi vay 1.589,0 tỷ đồng; chi phí đền bù GPMB 119,5 tỷ đồng; VAT 879,17 tỷ đồng) và nguyên nhân chủ quan làm tăng 1.460,2 tỷ đồng, chiếm 28,1% (do tăng: Chi phí thu xếp vốn 362,2 tỷ đồng; chi phí vật tư, nguyên liệu chạy thử 270,03 tỷ đồng; điều chỉnh kết cấu một số công trình 550,55 tỷ đồng; một số chi phí khác 149,249 tỷ đồng; chi phí QLDA và tư vấn đầu tư 165,6 tỷ đồng; chi phí dự phòng giảm 37,363 tỷ đồng).

3) Xảy ra một vài sự cố môi trường

Dự án Tổ hợp Bô xít – Nhôm Lâm Đồng:

Ngày 08/10/2014 sạt lở đê phụ hồ chứa quặng đuôi số 5 (của nhà máy tuyển), khu vực sạt lở có chiều dài khoảng 5m, chiều cao khoảng 1m, lượng nước bùn tràn ra khoảng 5.000 m3, phần lớn là nước phía trên mặt hồ có kèm theo một lượng nhỏ bùn đất, không có hóa chất và thành phần chất gây hại. Nguyên nhân là do mưa lớn nhiều ngày, cửa xả bị bùn bồi lấp hạn chế thoát lũ, đê phụ mới đắp chưa ổn định nên dẫn đến bị sạt lở.

Ngày 13/2/2016 đường ống dẫn nước bơm từ hồ bùn đỏ của nhà máy alumin về nhà máy tuyển có chứa kiềm (xút) bị vỡ khiến nước chảy tràn ra ngoài. Nguyên nhân được xác định là do khớp nối bị “lão hóa” dẫn tới bục đường ống.

Cả hai sự cố nêu trên đều được TKV xử lý kịp thời, không gây thiệt hại về vật chất và môi trường, không ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân trong khu vực.

Dự án Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ:

Vào lúc 8 giờ 14 phút ngày 23/7/2016 tại mặt bằng nhà máy alumin xảy ra sự cố vỡ cổ ống đẩy của máy bơm kiềm S002b. Sự cố xảy ra trong 4 phút và đã được khắc phục kịp thời không có thiệt hại về người, chỉ làm một lượng nước có chứa kiểm khoảng 20 m3 thoát ra ngoài, hầu hết đã được thu hồi; chỉ có khoảng 6,5m3 chảy tràn trên bề mặt nền đất cạnh khu vực để máy bơm ra đường giao thông nội bộ rồi chảy xuống hệ thống thu hồi nước mưa và thoát ra cửa xả số 3 (cửa xả nước mưa chảy tràn) ra suối Đắk Yao.

Tối ngày 27/6/2017, tại khu vực lò nung hydrat đang tiến hành xả đáy lò nung tại 2 đường ống xả V21, V22, sản phẩm alumin xả đáy được chứa trong bể chứa hở (kích thước: 3,8×4,2×0,85m). Do gặp gió lớn đã làm phát tán bột alumin xả đáy ra một vài hộ dân cách Nhà máy khoảng 700m theo hướng gió. Nguyên nhân do khu vực chứa sản phẩm alumin xả đáy không được che chắn kín, trong quá trình xả đáy xuất hiện gió lớn làm bột alumin phát tán ra bên ngoài. Chủ đầu tư đã kịp thời thực hiện các giải pháp khắc phục, phòng ngừa.

Từ các sự cố nêu trên, TKV không những đã có giải pháp khắc phục kịp thời mà còn rút kinh nghiệm và bổ sung một loạt các giải pháp tăng cường bảo vệ môi trường, loại trừ và phòng ngừa mọi sự cố tương tự cũng như các sự cố khác có thể xảy ra.

Tóm lại, tuy cũ người nhưng mới ta, giống như bao dự án “đầu lòng” của các ngành, lĩnh vực khác trong nước, hai Dự án bô xít thí điểm ở Tây Nguyên cũng không tránh khỏi những trắc trở ban đầu. Song với bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh Việt Nam, cả hai Dự án đã vượt qua bao gian nan, thử thách và cập bến vinh quang.

Tài liệu tham khảo:

  1. HARBORaluminum.com và World Bank.
  2. Niên giám thống kê Việt Nam 2013-2015, các quyết định về lãi suất cơ bản của NHNN.
  3. Các báo cáo của TKV về kết quả thực hiện hai dự án bô xít Tân Rai và Nhân Cơ.

Tóm tắt: Bài báo trình bày những khó khăn, thách thức, sự cố và nguyên nhân của hai dự án bô xít thí điểm ở Tây Nguyên trong toàn bộ quá trình đầu tư dự án từ khi có chủ trương đầu tư, hình thành dự án, đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động.

Summary: This article presents the difficulties, challenges, problems/incidents and their causes of the two pilot bauxite projects in the Central Highlands during the entire project investment process since investment policy, formulation of projects, construction investment and put into operation.

Từ khóa: Tổ hợp Bô xít – Nhôm Lâm Đồng, Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ, Dự án bô xít thí điểm.

[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/hai-du-an-bo-xit-thi-diem-o-tay-nguyen-van-su-khoi-dau-nan-201801081119287114.htm” button=”Theo vinacomin”]

Bài trước

Cập nhật Vị thế mới ngành Than với an ninh năng lượng lâu dài –

Bài sau

Cập nhật Rộn ràng khai trường Than Hà Tu –

Bài sau

Cập nhật Rộn ràng khai trường Than Hà Tu –

Chuyên mục

  • Ẩm thực (94)
  • Ăn Ăn Uống Uống (1)
  • Android (1)
  • Chưa phân loại (1)
  • Chuyện lạ (229)
  • Du lịch (1)
  • Đời sống (156)
  • Gia đình (411)
  • Giới trẻ (200)
  • iOS (1)
  • Khoa học thường thức (1)
  • Mẹo vặt (3)
  • Tài chính (66)
  • Tâm sự (109)
  • Thể thao (10)
  • Tin tức (5.048)

Tin phổ biến

Plugin Install : Popular Post Widget need JNews - View Counter to be installed
GEOSIMCO

Ngày 25/6/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 989/QĐ-TTg về việc chuyển Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.

Chuyên mục

  • Ẩm thực
  • Ăn Ăn Uống Uống
  • Android
  • Chưa phân loại
  • Chuyện lạ
  • Du lịch
  • Đời sống
  • Gia đình
  • Giới trẻ
  • iOS
  • Khoa học thường thức
  • Mẹo vặt
  • Tài chính
  • Tâm sự
  • Thể thao
  • Tin tức
  • Privacy Policy

LIÊN KẾT

Bitcoin news Vay tiền online

© 2020 - 2024 by GEOSIMCO.VN

sancrypto.net
Không có kết quả
Xem tất cả kết quả
  • Home

© 2020 - 2024 by GEOSIMCO.VN

apkfrlegends.com igram.dev