Trong số các đơn vị sản xuất than hầm lò trực thuộc Tập đoàn, Công ty than Uông Bí là đơn vị gặp nhiều khó khăn hơn cả. Diện sản xuất của Công ty phân tán tại nhiều khu vực từ Tràng Bạch, Tràng Khê đến Đồng Vông và sang cả khu vực Hạ My, Hoành Bồ. Các vỉa than mỏng, địa chất phức tạp khó khăn cho công tác đầu tư áp dụng các tiến bộ kỹ thuật hiện đại vào khai thác. Ngoài ra, chất lượng các vỉa than xấu chiếm tỷ trọng lớn nên giá bán thấp… Vậy Uông Bí đã vượt qua như thế nào?
Giải pháp căn cơ
Lãnh đạo Công ty đã đưa ra các giải pháp quản lý căn cơ. Trước hết, Công ty tập trung quản lý chi phí đầu vào để tiết giảm chi phí. Đối với vật tư, nhiên liệu đầu vào, Công ty chủ động tìm kiếm nguồn hàng đảm bảo chất lượng, giá cả cạnh tranh. Công ty chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác thu hồi sử dụng lại vì chống, vật tư cũ; đồng thời tính toán giảm một số thiết bị chưa thực sự cần thiết. Nhằm hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất, công tác duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị được Công ty thực hiện vào các ngày nghỉ. Ngoài ra, Công ty tiến hành quy hoạch lại kho bãi, nhà xưởng các diện sản xuất đảm bảo thuận lợi trong khâu cấp phát, giảm chi phí bốc xếp, vận chuyển vật tư, vật liệu. Trong điều hành sản xuất, Công ty chú trọng công tác điều chuyển nhân lực, thiết bị. Mọi hoạt động đều được tính toán, lên phương án cụ thể chi tiết và thành lập ban chỉ đạo để tổ chức thực hiện nhằm giảm chi phí phát sinh, tránh ách tắc ảnh hưởng đến sản xuất cũng như việc làm của người lao động.
Không ngừng sáng tạo
Mặc dù khó khăn về tài chính nhưng Công ty vẫn chủ động cân đối các nguồn lực, đầu tư các dự án mang lại hiệu quả lớn về kinh tế, xã hội và kỹ thuật. Những sáng tạo không ngừng của công nhân, cán bộ Công ty luôn được coi là nguồn nội lực để đưa Công ty vượt khó, vươn lên phát triển bền vững. Chẳng hạn, Dự án đầu tư nâng cấp trạm quạt gió chính +320 Hạ My có tổng mức đầu tư là 16 tỷ đồng. Dự án bao gồm các hạng mục: Xây dựng nhà vận hành trạm quạt; lắp đặt điều khiển, áp tô mát phòng nổ, biến áp chiếu sáng phòng nổ và vật tư, phụ kiện, thiết bị đồng bộ; thi công kè đá, bờ kè, rãnh nước… Dự án hoàn thành đã đáp ứng yêu cầu thông gió phục vụ diện sản xuất mức +131/+320 vỉa 7, vỉa 8, khu IV Đồng Vông và khu Hạ My, cải thiện điều kiện làm việc của CNLĐ, nâng cao công tác an toàn. Hay Công ty đang thi công Dự án cải tạo, nâng cấp lò vận chuyển than từ Đồng Vông sang Nhà máy tuyển II Vàng Danh; lắp đặt bổ sung giàn mềm ZRY tại phân xưởng khai thác 3 để kéo dài lò chợ từ 110m lên 150m để tăng năng suất lò chợ; thay thế vẹt gỗ bằng vẹt bê tông đường sắt tại đường lò XV+131 để nâng cao năng lực chạy tàu… Trước đó, Dự án nối đường lò xuyên vỉa từ khu vực Hạ My (Hoành Bồ) sang khu vực Đồng Vông (Uông Bí) cũng đã được Công ty hoàn thành, góp phần giảm chi phí đi lại và vận chuyển than, thiết bị giữa hai khu vực. Dự án này được lãnh đạo Tập đoàn đánh giá cao và khen thưởng… Các dự án đã góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao, giảm giá thành khai thác, giảm các chi phí vận chuyển, đi lại hay các chi phí khác…
Ngoài ra, Công ty cũng có cơ chế khuyến khích kịp thời những công nhân, cán bộ có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, góp phần tiết kiệm vật tư, nguyên, nhiên vật liệu, đảm bảo an toàn, hợp lý hóa trong sản xuất. Do vậy, từ đầu năm đến nay, toàn bộ các công trường, phân xưởng trong Công ty đã có nhiều đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, làm lợi hàng trăm triệu đồng. Trong đó, tiêu biểu nhất là sáng kiến cải tiến máy khoan JUMBO đưa vào thi công phục vụ đào lò đá xuyên vỉa 7/8 Đồng Vông/Hạ My, cải tiến gia công lắp ghép búa khí nén cầm tay có chân ben…, giải phóng sức lao động, cải thiện điều kiện làm việc cho người thợ, nâng cao năng suất lao động…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/bat-dau-tu-noi-luc-201801111021091761.htm” button=”Theo vinacomin”]