Dịp cuối năm 2017, khi cái rét giữa Đông đã len lỏi khắp nẻo đường đất mỏ thì tôi có dịp lang bang cùng những đồng nghiệp làm báo của Đài truyền hình Việt Nam đi các mỏ hầm lò để tìm hiểu về đời sống người thợ lò hôm nay ra sao. Vẫn biết và vẫn hiểu, ở mỗi mỏ hầm lò bây giờ là đối mặt với biết bao khó khăn khi việc tuyển dụng thợ lò gắn bó với mỏ với công ty thật khó khăn lắm. Nhưng rồi đã nhận ra một điều khá khả quan về những người thợ mỏ nói chung và thợ lò nói riêng, họ đã và đang có những mùa xuân mới, họ có xe ô tô riêng, lương đã cao gấp nhiều ngày trước…
Những ưu ái cho thợ lò
Về hình ảnh người thợ lò than khi ra khỏi lò luôn là một hình ảnh đen thui mặt mũi, quần áo cũng mang nặng bụi than, hình ảnh đó ăn sâu vào tiềm thức người dân vùng mỏ nói riêng và những ai đã đến và qua vùng mỏ Quảng Ninh là bắt gặp hình ảnh này. Họ ngẫu nhiên là hình ảnh về vùng mỏ Quảng Ninh với hai từ “đen như thợ lò”. Còn nói đến thợ lò thời bây giờ, ai quan tâm đều biết, họ làm việc cực nhọc nhưng đã có được đời sống nhỉnh lên gấp nhiều lần ngày xưa, có thể so sánh thợ lò thời “vì chống lò gỗ” và thời “máy khấu combai” đã một trời một vực. Họ ra khỏi lò không còn ai nhận ra họ là thợ lò than đen nhẻm nữa, không phân biệt được họ là thợ lò hay công chức ngồi bàn giấy nữa, vì những điều kiện cải thiện lao động của ngành mỏ đã quá chu toàn. Với mức lương trên mười triệu/tháng, đủ để họ yên tâm và gắn bó với nghề thợ lò cực nhọc nhất trong các ngành nghề ở mỏ nói riêng và nói chung với các ngành nghề khác. Đến với công ty nào thì việc chăm lo thợ lò luôn được đặc biệt quan tâm, nhà tắm, nhà giặt được trang bị đầu tư rất hiện đại, để mỗi khi tan ca thì cánh thợ lò đã tinh tươm xuống phố đi dự tiệc được. Đến Công ty CP than Hà Lầm tôi ngạc nhiên và sửng sốt bởi anh thợ lò bậc 6/6 Nguyễn Văn Trình đã có đến dăm năm nay có danh sách trong nhóm thợ lò có thu nhập cao trên 300 triệu đồng một năm. Ngạc nhiên hơn là lúc trước vừa gặp chàng thợ lò nhem nhuốc vừa hết ca làm việc dưới lò lên, chỉ sau hơn nửa giờ đồng hồ thì chàng thợ lò đã đĩnh đạc trong bộ quần áo chỉnh tề lái chiếc xe ô tô giá vài trăm triệu về nhà! Thật không thể tin nổi, nhưng tất nhiên là số thợ lò có thu nhập cao như Nguyễn Văn Trình, như Nguyễn Trọng Thái, như Đỗ Văn Hoàng ở Hà Lầm không phải nhiều nhưng đã là những dấu ấn của sự khác biệt, độc đáo của nghề thợ lò đã làm cho tôi và các đồng nghiệp làm báo ở Đài truyền hình Việt Nam thật sự sửng sốt. Biên tập viên Xuân Tùng xòe tay, nhún vai và nhíu mày bảo tôi, chị ơi, thợ lò như anh Trình, anh Hoàng, anh Thái ở Hà Lầm với điều kiện thu nhập và sinh sống như thế này thì nhà đài có lẽ… hết chuyện để nói. Chúng tôi cùng cười vui vì sự so sánh dí dỏm của Tùng, chứ nhìn cách nhóm nhà
đài mất rất nhiều công để quay từng giọt mồ hôi rơi trên gương mặt người thợ, từng mũi khoan của anh thợ lò với gương than kỹ lưỡng thế nào, đủ hiểu họ đã có những đồng cảm sâu sắc với nghề của những thợ lò cả đời “ăn cơm âm phủ, làm việc dương gian” ấy.
Và chúng tôi vẫn đi men theo các nẻo đường phố mỏ trong tiết đông đã bắt đầu đổ về, ngọn rét ngọt ngào không ngăn nổi những bước chân thợ lò vào ca mỗi sáng, mỗi chiều. Và ở đâu cũng thấy một sự chăm lo khá kỹ càng, chu đáo cho những người thợ lò hôm nay. Ở Hà Lầm, Vàng Danh, Thống Nhất và tất cả các công ty than hầm lò của ngàn Than đều rất chú trọng tới điều kiện làm việc và đời sống tinh thần cho thợ lò. Việc cơ giới hóa hầm lò đã ngày một nâng cao và phổ biến ở các công ty này. Ngày trước, nói như thợ lò Nguyễn Trọng Thái, thợ lò bậc 6/6, thu nhập trong tốp trên 300 triệu/năm của Công ty CP than Hà Lầm, anh đã đi qua ba thời kỳ làm thợ lò từ thủ công lò chống gỗ đến khi có đổi mới công nghệ vì chống thủy lực giờ là máy khấu combai thì anh thấy sự đầu tư khai thác hầm lò bằng cơ giới hóa đã giúp cho cánh thợ lò gắn bó hơn với nghề, với mỏ vì họ đỡ tốn sức mà thu nhập lại cao hơn nhiều lần. Với mức lương như các anh đã đạt được là do khâu cơ giới hóa quyết định và tạo điều kiện để các anh có thu nhập cao. Nguyễn Trọng Thái nhiều năm là Chiến sĩ thi đua cấp Tập đoàn, năm tới với thành tích của anh chắc sẽ được cấp trên đồng thuận với danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Gặp Thái, Trình và Hoàng ở Hà Lầm, thấy các anh còn trẻ nhưng họ đã gắn bó cả tuổi thanh xuân tuổi hai mươi với mỏ, niềm vui được gắn bó với nghề hình như đã ngập tràn và chỉ muốn được tiếp tục cống hiến với điều kiện cho phép.
Ở Công ty CP than Vàng Danh thì tôi được gặp thợ lò trẻ Dương Văn Nghĩa, chàng trai bamươi tuổi to cao, sáng sủa đã có vợ và hai con gái nhỏ, anh sống cùng gia đình tại phường Vàng Danh thành phố Uông Bí, thợ lò Nghĩa cũng là một trong những thợ lò thu nhập cao của Công ty CP than Vàng Danh. Khi được hỏi anh tại sao có cơ duyên đến với nghề mỏ nhiều vất vả này, anh bảo, mọi việc tự nhiên thôi. Với công việc cực nhọc như mọi người nói thì thật sự đây là công việc cực nhọc lắm, nhưng đã gắn bó hơn mười năm ở Công ty CP than Vàng Danh rồi, tình yêu gia đình cũng đã đơm hoa kết trái ở nơi đây nên chả biết nói câu gì, chỉ biết là yêu công việc đã và đang và sẽ làm ở mỏ. Chúng tôi đến thăm gia đình Nghĩa, một nếp nhà đơn sơ nhưng ấm cúng giữa khu gia đình thợ mỏ Vàng Danh, nhìn cô vợ trẻ và hai đứa con gái xinh xắn của Nghĩa khi đón chồng, đón cha về nhà đầy rạng rỡ, đủ thấy Nghĩa được nhân lên niềm vui gấp bội phần sau ca làm việc vất vả thế nào. Cũng như các công ty khác, chúng tôi đến thành phố Cẩm Phả, công nhân lò của Công ty than Thống Nhất được bố trí ở hai khu nhà chung cư mới xây đủ tiêu chuẩn sinh hoạt hiện đại. Mỗi khu nhà có trên dưới ba đến bốn trăm thợ lò độc thân (tức là cả độc thân chưa lập gia đình và có vợ con ở quê) được bố trí ở đây. Mỗi phòng có hai hoặc bốn người tùy theo căn phòng rộng, hẹp. Tình cờ ghé vào cậu thợ lò vừa đi ca ba về, dáng người nhỏ thó, em nói quê Thái Bình, cũng đã có dăm năm làm việc ở đây, em nói rằng rất vui vì được Công ty luôn quan tâm giúp đỡ cho anh em thợ lò có điều kiện ăn ở sinh hoạt như thế này. Trong khu nhà ở đó gồm cả nhà ăn, thư viện sách đầy đủ, không chỉ đọc sách giấy mà thợ lò còn được cập nhật vào hệ thống mạng internet được bố trí đầy đủ. Ăn cơm ở trên công trường rồi thì khi về nghỉ ngơi tại đây cũng được chế độ ăn như thế, họ không cần phải lo nấu nướng, bát đũa lỉnh kỉnh, các chế độ này đều được Công ty tổ chức phục vụ miễn phí cho họ, họ chỉ phải đóng tiền nhà, điện, nước theo chế độ ưu đãi. Và, từ Uông Bí đến Hạ Long rồi Cẩm Phả, cả vùng than hiện lên một bức tranh khá hoàn hảo về việc chăm lo cho thợ lò rất tốt trong thời đại ngày nay. Khi nói chuyện bên lề câu chuyện, anh Nguyễn Văn Phượng – Phó giám đốc Công ty than Thống Nhất bảo tôi, ở ta việc chăm sóc điều kiện ăn ở, làm việc cho thợ lò khá kỹ chị ạ, chứ tôi đi thăm quan bên Nhật, mỗi thợ lò mang một balo theo, trong đó họ đã chuẩn bị khẩu phần ăn, nước uống cho bản thân. Tôi bảo, vậy thì có gì đó ở ta ưu đãi cho thợ lò nhiều quá không ạ, anh Phượng bảo, thì đời sống xã hội đã nâng lên, điều kiện làm việc được khoa học kỹ thuật tiên tiến hỗ trợ thì mình cũng phải làm cho công nhân mình tốt lên chứ chị. Và hình như câu hỏi của tôi chưa có lời giải.
Vẫn còn những trăn trở về nghề chọn người và người chọn nghề
Tôi chỉ xin trích đăng báo cáo của Công ty than Thống Nhất khi nói về các học viên nghề thợ lò: “10 tháng của năm 2017 có 70 học sinh bỏ học, trong đó có 36 học sinh bỏ trong khi thực tập…”, một dòng báo cáo này toát lên nhiều ý, việc báo cáo của các công ty thời bây giờ đã báo cáo đúng, nhìn thẳng vào sự thật, báo cáo trung thực đã giúp chúng ta những cái nhìn thấu đáo hơn về thực trạng hiện nay đối với việc thu hút lao động vào làm thợ lò. Nhìn vào con số trung thực đó để phân tích được tại sao người lao động không chọn nghề thợ lò để tìm ra quyết sách đúng đắn hơn trong quá trình tuyển dụng, và khi tuyển dụng rồi thì việc giữ chân họ ra sao cũng là một việc rất cần có chiến lược.
Và, chúng ta hiểu câu chuyện việc ngành Than phải chăm lo cho đội ngũ thợ lò tốt như thế để họ gắn bó với ngành hơn nữa, gắn bó và tận tâm, tận lực cống hiến cho ngành, cho dòng than tuôn chảy đến mọi miền Tổ quốc, vì thế, việc chăm lo cho thợ lò luôn được đặt lên nhiệm vụ hàng đầu của các công ty than hầm lò. Việc xây dựng hàng loạt các chung cư hiện đại nhằm phục vụ cho đối tượng thợ lò đã là động thái tích cực của ngành, của các công ty giúp thợ lò yên tâm công tác. Nhưng như một người bạn nói với tôi, “làm kinh tế như làm phong trào là hỏng”, tôi thấy khá đúng, hình như lâu nay ta không nhận diện được vấn đề đó. Cách tư duy theo thông thường là cứ lo đầu ra mà không lo đầu vào sẽ cho ra kết quả không mong muốn. Công ty kia xây chung cư thì công ty này cũng có chung cư cho thợ lò, nhưng chung cư đó có đáp ứng thực nhu cầu của thợ lò không thì cũng là còn nan giải. Và cái căn nguyên cần giải quyết thấu đáo ở đây không chỉ là chăm lo cho những người lao động hầm lò ấy mà còn phải chú ý đến hậu phương của họ, đó là vợ con họ còn lay lắt với cuộc sống khi thiếu vắng chồng, cha của họ. Khi mà các khu công nghiệp mọc lên nhan nhản khắp các tỉnh thành, với thu nhập mươi triệu/tháng của hai vợ chồng thôi, họ sẽ lựa chọn làm ít tiền nhưng được ở bên nhau, hơn là chồng một nơi, vợ một nẻo. Và nên chăng, ngành Than, các công ty trong ngành đã chăm lo đến họ thì tại sao không tạo một đà mới, xây chung cư cho gia đình họ, cách mua trả góp chung cư mà các doanh nghiệp khác đã làm thành công, thì với ngành mỏ cũng cần có một chiến lược như thế để mong gắn giữ thợ mỏ với ngành nghề của mình. Có vẻ như nghịch lý khi ta ngược về thời bao cấp ngày xưa, các khu tập thể mỏ từ chỗ tập thể của các thanh niên, thanh nữ đến mỏ làm việc đã dần thay thế vào đó là những gia đình thợ mỏ đông đúc, và thế hệ hôm nay đang là lực lượng lao động nòng
cốt của các mỏ là kết quả của những năm tháng tưởng là rất “phong trào” ấy…
Năm kế hoạch 2017 đã đi qua, hy vọng những người thợ mỏ nói chung được tiếp tục cống hiến cho dòng than chảy mãi, và những người thợ lò nói riêng vẫn tiếp tục được mang trên vai những mùa xuân mới bền vững với thu nhập cao, với những ích lợi từ việc cơ giới hóa khai thác hầm lò của ngành, với những điều kiện tốt nhất trong lao động của riêng cánh thợ lò quanh năm “làm việc âm phủ, ăn cơm dương gian”. Mong là như thế khi mùa xuân đang về, mùa của những hy vọng…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/mua-xuan-moi-voi-nguoi-tho-lo-201802081807030357.htm” button=”Theo vinacomin”]