“… Than Phấn Mễ, thiếc Cao Bằng
Phố phường như nấm như măng giữa trời…” (Tố Hữu)
Nằm lặng lẽ giữa trùng điệp núi cao của dãy Phia Oắc (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), có một thị trấn nhỏ gắn liền với vùng mỏ quý: Thiếc Tĩnh Túc.
“Thị trấn thiếc” Tĩnh Túc đẹp mê hồn trong sương chiều…
Ngược theo QL34, từ TP. Cao Bằng, băng qua những con đường đèo dốc ngoằn ngoèo với nhiều khúc cua tay áo chừng 45 ki lô mét là đến trung tâm thị trấn Tĩnh Túc – cái tên phố thị gắn liền với mỏ quý thiếc Tĩnh Túc.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, cùng với cả nước, quân và dân Cao Bằng cùng nhau bắt tay vào việc khôi phục, xây dựng phát triển kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh của địa phương. Với nguồn tài nguyên phong phú và quý hiếm như: Vàng, mangan, thiếc, vonfram…, cùng các khai trường, hầm mỏ do thực dân Pháp để lại, Cao Bằng được Trung ương định hướng tập trung vào ngành công nghiệp khai khoáng luyện kim màu.
Khai trường mỏ thiếc
Được sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô (cũ), tháng 10/1955, Mỏ thiếc Tĩnh Túc được thành lập và tiến hành tổ chức, xây dựng đội ngũ công nhân, cải tạo lại các cơ sở, hầm mỏ sản xuất… Đúng một năm sau, Xí nghiệp sản xuất Mỏ thiếc Tĩnh Túc được khánh thành và đi vào hoạt động. Mỏ thiếc Tĩnh Túc chính là “đứa con đầu lòng” và đặt nền móng cho ngành khai khoáng kim loại màu Việt Nam. Công trình khi đó có quy mô lớn nhất Đông Nam Á, góp phần thắt chặt tinh thần hữu nghị Việt – Xô.
Tôi may mắn được gặp bà Đặng Ngọ – Dân tộc Tày, năm nay bà vừa trong 80 tuổi. Bà kể, năm 18 tuổi, bà được tuyển vào làm công nhân khai thác thiếc. Hồi ấy, để làm ra hạt quặng ở Tĩnh Túc, người thợ mỏ phải vượt qua không biết bao khó khăn, gian khổ. Đường sá xa xôi, rừng núi âm u. Đấy là chưa kể đến những thiếu thốn về trang thiết bị, nguồn thực phẩm, cùng sự khắc nghiệt của thời tiết… Nhưng với khẩu hiệu: “Tất cả vì Tổ quốc XHCN”, “Vì miền Nam thân yêu”, toàn thể CBCN mỏ thiếc đã đồng tâm, vượt khó, họ đã tự làm ra những thỏi thiếc đầu tiên trong niềm vui vô bờ, làm nức lòng không chỉ với nhân dân các dân tộc Cao Bằng mà còn với cả đồng bào chiến sĩ cả nước. Cũng từ ngày ấy, thị trấn Tĩnh Túc gắn liền với tên mỏ thiếc, đồng thời ngày càng được mở rộng ra và phát triển cho đến tận ngày nay.
Bút tích của Bác Hồ tặng đồng bào Cao Bằng khi Bác về thăm lại Cao Bằng vào đầu xuân 1961: “Chúc đồng bào pi mư đạy lai (tiếng Tày nghĩa là: Chúc đồng bào năm mới nhiều tốt đẹp). Cao Bằng phải cao bằng những tỉnh tốt nhất, tốt nhất là Cao Bằng vượt mức cao không ai bằng”.
Với tầm quan trọng là “đứa con đầu lòng” của ngành khai khoáng kim loại màu Việt Nam, nên dù bận trăm công, nghìn việc, ngày 15/9/1958, Bác Hồ đã về thăm và động viên CBCN Mỏ thiếc Tĩnh Túc. Thể theo nguyện vọng của toàn thể CBCNVC, ngày 20/8/2008, HĐQT (nay là HĐTV) Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam có Quyết định số 1940/QĐ-HĐQT, lấy ngày 15/9 hằng năm làm ngày truyền thống ngành Khoáng sản; đồng thời HĐQT (nay là HĐTV) Tổng Công ty Khoáng sản – Vinacomin có Nghị quyết số 1416/NQ-HĐQT, ngày 10/9/2008 lấy ngày 15/9 hằng năm là ngày truyền thống của đơn vị.
Dãy nhà công nhân trong lòng thị trấn – niềm tự hào của người dân Tĩnh Túc
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thiếc Tĩnh Túc đã bước vào tuổi 63. Hơn sáu thập niên nơi thâm sơn cao vút, dãy Phia Oắc đã chứng kiến bao nốt thăng, trầm trong bản trường ca của vùng mỏ quý – Thiếc Tĩnh Túc. Trong thanh âm vang vọng giữa đại ngàn của cánh cung Ngân Sơn, vẫn còn nghe thấy hào khí của thiếc Tĩnh Túc những ngày gian khổ năm xưa.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/xuan-nay-ve-thi-tran-thiec-tinh-tuc-201804090940052666.htm” button=”Theo vinacomin”]