Là một trong 24 tiết khí một năm theo lịch các nước Đông Á, Cốc Vũ – mưa rào đánh dấu thời điểm lượng mưa bắt đầu tăng, sương mù tan, nhiệt độ cũng lên trông thấy. Do vậy, tranh thủ thời tiết khô ráo trước mùa mưa rào, khắp các khai trường lộ thiên đang rạo rực những tiếng máy khoan, máy xúc, những chuyến xe ầm ào nối đuôi nhau quanh moong chở những tấn than đen óng.
Quan sát moong Đèo Nai từ trên cao
Theo chân những người làm công đoàn ở vùng than Cẩm Phả, 9h sáng, chúng tôi có mặt ở Trung tâm chỉ huy sản xuất của Công ty CP than Đèo Nai. Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty Lê Vinh Trung đưa chúng tôi đến điểm ngắm nhìn khai trường lồng lộng gió, thấy dưới lòng chảo -175 là những điểm vàng nhỏ li ti. Đó là những chiếc xe tải HD đang từ từ cõng những khối đất đá bò quanh lòng moong, là những chiếc máy khoan xoay cầu như những cột cờ tí hon đặt trên mô hình sa bàn vùng mỏ. Về Phân xưởng Vận tải 4 – Phân xưởng chủ lực – của Than Đèo Nai, chiếm 64% sản lượng vận chuyển đất đá toàn mỏ với 26 xe CAT và HD, Quản đốc Đinh Khoát Đạt chia sẻ, như bao đơn vị vận tải, chi phí lớn nhất luôn luôn là dấu liệu và lốp xe. Ghi lời Bác dạy năm xưa, thợ mỏ Đèo Nai luôn thực hiện “Muốn làm người chủ xứng đáng thì phải thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm…”. Những câu chuyện xoay quanh chủ đề khoán quản trị chi phí, câu chuyện về đời sống những người thợ trên khai trường khiến cho phòng tiếp khách của Phân xưởng cứ râm ran không ngớt.
Theo dõi hoạt động của hệ thống máy nghiền và băng tải đá Cao Sơn
Rời Khu di tích Bác Hồ, điểm đến kế tiếp của đoàn chính là Trạm nghiền – băng tải mức +50 của Công ty CP than Cao Sơn. Cung đường mỏ vẫn gập ghềnh thế, nhưng chẳng thể làm nao lòng người thợ. Không khó để tìm đến trạm nghiền đá của Cao Sơn. Đi theo một chiếc HD 777D, chẳng mấy chốc đoàn đã dừng chân tại điểm đích. Tiếng gầm của hệ thống răng nghiền khiến chúng tôi phải nói thật to mới nghe được tiếng nhau. Tại đây, Phó Giám đốc Than Cao Sơn Phạm Quốc Việt đã trực tiếp giới thiệu về hoạt động của “bộ hàm khổng lồ” đang nghiến ngấu những tấn đá đủ kích thước từ chính những chiếc xe như HD 777D hay HD 785 chở từ khai trường về. Hệ thống phun nước dập bụi quanh miệng hàm nghiền liên tục hoạt động. “Toàn bộ quá trình tại trạm được theo dõi bằng camera điều hành hệ thống, giúp nắm bắt kịp thời mọi hoạt động của các khâu và xử lý được các sự cố nếu có” – Chủ tịch Công đoàn Công ty Đặng Đình Sông cho biết. Những khối đá lớn đủ kích thước ban đầu, được qua hàm nghiền sẽ bị nghiền vụn, chuyển thẳng lên băng tải mà chúng tôi đã có dịp kể với bạn đọc trong những số Tạp chí trước đây. Tôi có nghe được thông tin băng tải đá Cao Sơn đang phải ngừng hoạt động để bảo dưỡng, nhưng xem chừng, thông tin ấy của tôi là sai rồi. Tạm biệt trạm nghiền +50, chúng tôi nán lại bên một góc moong Cao Sơn để một lần nữa thu vào tầm mắt bức tranh sản xuất nhộn nhịp nơi đây.
Bốc than tại đáy moong -225 Cọc Sáu
Điểm dừng cuối trên hành trình hôm ấy là khai trường của Công ty CP than Cọc Sáu. Lần này, chúng tôi quyết định đi tận xuống đáy -225. Bước xuống xe, dưới chân chúng tôi chính là than rồi. Đây cũng là lần đầu tiên tôi được “chạm đáy” moong than gần đến thế. Trước mắt đoàn, những chiếc máy xúc cò KOMATSU đang mải miết xúc rồi rót, than cứ óng ánh tuôn chảy từ gàu xúc vào khoang tải của xe. Ngay cạnh đó là hệ thống bơm đáy moong, nơi những cô công nhân mỏ Cọc Sáu luôn phải nói chuyện to mỗi khi máy bơm hoạt động.
-Làm việc ở đây lâu sẽ mệt lắm – Chủ tịch Công đoàn Công ty Lưu Hoàng Sinh giới thiệu – là do khí metan sục lên, nên những người chưa quen mà làm ở đây lâu sẽ rất mệt.
-Cọc Sáu mình cũng đang “gồng mình” để kịp tiến độ như các mỏ khác chứ ạ? – Tôi hỏi
-Đúng vậy, tranh thủ nắng đẹp, bùn đang khô nên tất cả mọi thứ đều phải được đẩy nhanh, tranh thủ tối đa trước 20/4 âm lịch. Cọc Sáu “lấy” ngang Đèo Nai, tầm 5-6 ngàn tấn. Dẫu “vái giời là chính” đấy nhưng Than Cọc Sáu cũng đã cho anh em diễn tập sự cố mùa mưa, đảm bảo an toàn cho người và thiết bị.
Để ý đồng hồ cây số trên xe mới biết, từ trên mặt bằng xuống đến đáy moong này, lòng vòng cũng mất đến 4 cây số. Một chiếc xe tải xuống đến đáy moong và chở đầy những khối than lên mặt đất đã ngót đến 8 cây. Theo lời gợi ý của Trưởng đoàn, Phó Chủ tịch Công đoàn TKV Nguyễn Xuân Hán, tôi quyết định đặt tên cho bài viết này “Trước mùa Cốc Vũ”, để thấy rằng, nghề làm than đâu có dễ dàng như ai kia nói “chỉ đào lên mà bán” đâu. Rõ ràng, đó là kết quả của cả một dây chuyền, một hệ thống đang “đồng tâm, hiệp lực”, tận dụng từng chút thời cơ, thuận lợi dù là nhỏ nhất để tiếp sức cho than bật lên khỏi lòng đất.
Kết thúc quý đầu năm này, tập trung vào công tác lấy than dưới moong trong điều kiện thời tiết chiều lòng người, các đơn vị khai thác khối lộ thiên đã góp phần không nhỏ cho con số hoàn thành chỉ tiêu than nguyên khai chung của toàn vùng là trên 26%. Vẫn còn đó những khối vàng đen đang chờ những người thợ mỏ khai phá. Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa, với những yếu tố đó, việc thực hiện mục tiêu mà đồng chí Chủ tịch HĐTV Lê Minh Chuẩn yêu cầu, là phấn đấu đạt mục tiêu đạt từ 52 đến 55% KHN với thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, hẳn sẽ nằm trong tầm tay…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/truoc-mua-coc-vu-201805041455241254.htm” button=”Theo vinacomin”]