Đầu tháng 4 vừa qua, tên gọi Công ty CP Than Núi Béo – Vinacomin đã được vinh danh hạng Nhất trong Lễ trao giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 14 (2016-2017). Lần đầu tiên trong Hội thi này, tỉnh Quảng Ninh có một công trình đoạt giải Nhất. Và càng đặc biệt hơn khi đó là tâm huyết, là thành quả của một đơn vị trong Tập đoàn TKV. Phóng viên Tạp chí đã có dịp trò chuyện với một trong số những người đã làm nên thành công ấy. Đó chính là Thạc sỹ Nguyễn Xuân Phùng – Trưởng phòng Cơ điện – Vận tải, Chủ nhiệm công trình đặc biệt này.
– Đầu tiên, cho phép tôi được chia sẻ niềm vui cùng nhóm tác giả công trình “Sử dụng nguồn năng lượng tại chỗ thay thế năng lượng điện cho các thiết bị” của Công ty CP than Núi Béo – Vinacomin. Lội ngược dòng thời gian một chút, xin ông cho biết, từ đâu mà các thành viên hình thành nên ý tưởng này?
Ông Nguyễn Xuân Phùng:
Ông Nguyễn Xuân Phùng bên hệ thống máy điều hòa của hệ thống sử dụng hơi bão hòa SG – 13HL
Trân trọng cảm ơn Tạp chí Than – Khoáng sản Việt Nam đã dành sự quan tâm đến Công trình sáng tạo của Công ty chúng tôi. Nói về điểm xuất phát của ý tưởng, cũng là bởi từ sự quan sát, từ yêu cầu thực tế tại đơn vị. Không chỉ riêng ở Núi Béo chúng tôi, với cả ngành Mỏ thì cơ bản đến nay đều sử dụng hệ thống hơi để cấp cho các thiết bị phục vụ tắm giặt, ăn uống của cán bộ, công nhân lao động. Việc ăn uống, tắm giặt lại theo ca, ngoài thời gian ấy ra thì hệ thống vẫn phải hoạt động 24/24h. Bên cạnh đó, các thiết bị điều hòa của nhà điều hành khi sử dụng năng lượng điện sẽ tiêu tốn rất nhiều chi phí, nguồn nhiệt ở cục nóng của điều hòa khi phát ra sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường bên ngoài. Làm thế nào để tận dụng những khoảng thời gian “nhàn rỗi” của hệ thống nồi hơi để biến chúng thành nguồn năng lượng sử dụng cho các thiết bị trên? – Đó là điều khiến chúng tôi trăn trở.
Sau 6 tháng tìm hiểu cũng như tham quan học tập, nghiên cứu rất nhiều các tài liệu khác nhau, chúng tôi mới mạnh dạn, quyết tâm sử dụng chính hệ thống hơi nước từ nguyên liệu tại chỗ sẵn có – nguồn than cám 5, cám 6 thay thế nguồn năng lượng điện truyền thống. Sau hơn 1 năm sử dụng, hệ thống đem lại rất nhiều hiệu quả, cả về chi phí cũng như về môi trường.
– Đến với thành công ngày hôm nay hẳn cũng không phải là một con đường trải đầy hoa hồng. Ông có thể chia sẻ một số những thách thức mà nhóm thực hiện giải pháp đã vượt qua trong quá trình thực hiện công trình này?
Ông Nguyễn Xuân Phùng: Ngay từ khi bắt đầu thực hiện ý tưởng, chúng tôi đã gặp phải áp lực rất lớn: Công trình chỉ có thể thành công mà không được phép thất bại. Lý do là bởi, tòa nhà điều hành khi được xây dựng là gắn liền với hệ thống này, nếu không thành công, chúng tôi rất khó có thể thay đổi được giải pháp khác. Không được phép thử nghiệm, mọi bước đi của chúng tôi đều phải được tính toán kỹ lưỡng.
Đây là công trình đầu tiên có ở nước ta, việc học tập ở nước ngoài lại hạn chế nên từ khâu lắp đặt, thiết kế, Than Núi Béo đều phải tự thực hiện. Cho đến khi các thiết bị của hệ thống đi vào hoạt động trong giai đoạn đầu, chúng tôi cũng phải theo dõi thường xuyên, điều chỉnh lại các giải pháp kỹ thuật cho phù hợp. Cứ vừa hoạt động, vừa nghiên cứu như thế, nay cũng đã hơn một năm trôi qua. Mọi phát sinh đều nằm trong tầm kiểm soát nên hệ thống vẫn hoạt động hiệu quả. Như nhà báo thấy đấy, ngay điều hòa phòng làm việc ta đang ngồi đây chính là kết quả của hệ thống cấp hơi qua phản ứng làm lạnh, sau đó được trung chuyển đến các cục lạnh, quạt thổi ra như điều hòa điện bình thường. Tuy lạnh không sâu nhưng vẫn duy trì được 25 độ C, không gây khô da cũng như chênh lệch nhiệt độ khi ta ra khỏi phòng. Các cục nóng không phả ra hơi nóng ra môi trường nhiều, ít tạo ra hiệu ứng nhà kính như điều hòa thông thường.
– Có thể cho rằng, điều “ghi điểm” ở Công trình chính là bởi sự thân thiện với môi trường, thưa ông?
Ông Nguyễn Xuân Phùng: Đó cũng là một trong số những thành công của Công trình. Hơn cả, việc sử dụng năng lượng tại chỗ thay thế cho năng lượng điện còn thể hiện nhiều ý nghĩa quan trọng hơn nữa. Thứ nhất, đó là sự sáng tạo, đi đầu khi mạnh dạn và áp dụng nhiều cải tiến kỹ thuật hợp lý hóa một số công nghệ, mang lại hiệu quả nhất định.
Thứ hai là, chúng tôi khẳng định được sự hợp lý hóa của giải pháp này, khi tận dụng được nguồn than sẵn có của quá trình khai thác, sản xuất của chính Công ty, chủ động được nguồn năng lượng. Đồng thời, sử dụng nguồn nhiệt dư thừa từ nồi hơi làm nguồn gia nhiệt cho môi chất Lithium của điều hòa trung tâm, tạo ra nguồn nước có nhiệt độ 12-15 độ C, dẫn tới cực lành âm trần và làm mát cho các phòng làm việc và sinh hoạt. Công trình này hoàn toàn có thể được áp dụng tại các Công ty thuộc Tập đoàn cũng như tận thu nguồn nhiệt thải ra từ các nhà máy cán, đúc thép, nhà máy nhiệt điện, xi măng…
– Chiến thắng trong lĩnh vực Vật liệu – Hóa chất – Năng lượng của Hội thi, Công trình “Sử dụng nguồn năng lượng tại chỗ thay thế năng lượng điện cho các thiết bị” của Công ty CP than Núi Béo – Vinacomin đã trở thành một trong những điểm sáng của Tỉnh Quảng Ninh cũng như hưởng ứng nhiệt liệt chủ trương Tự động hóa của Tập đoàn. Tiếp sau đây, ông và nhóm nghiên cứu có đang “ấp ủ” ý tưởng mới nào sẽ được triển khai thực hiện trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Xuân Phùng: Chúng tôi đang dự định sẽ phát triển hệ thống làm mát bằng hơi xuống tới các đường lò thay thế cho hệ thống làm mát bằng điện, phục vụ người lao động. Để làm được điều đó chắc chắn sẽ còn nhiều thách thức hơn so với ngoài mặt bằng, đòi hỏi chúng tôi phải nghiên cứu và tính toán sâu hơn, kỹ hơn. Tuy nhiên, trên cơ sở là sự thành công của Công trình hiện tại, chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng hơn nữa để ý tưởng này trở thành sự thật.
– Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện ngày hôm nay!
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/cong-trinh-sang-tao-cua-than-nui-beo-thanh-cong-khong-trai-tham-hoa-hong-201806021441448696.htm” button=”Theo vinacomin”]